Ngành nông nghiệp Hải Lăng - Những thành tựu nổi bật

Linh Xuân |

Là địa phương thuộc vùng trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh nhưng 30 năm trước đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Hải Lăng quy mô còn nhỏ lẻ, mang tính tự cung tự cấp, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn yếu kém, thiên tai thường xuyên đe dọa vì vậy đời sống người nông dân hết sức khó khăn. Kể từ ngày lập lại huyện 1/5/1990 đến nay, từ sự hỗ trợ của tỉnh và Trung ương đặc biệt là từ những quyết sách lớn, mang tính đột phá của huyện và sự năng động sáng tạo của nông dân, ngành nông nghiệp Hải Lăng đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc.

Lúa chất lượng cao ở Hải Lăng
Lúa chất lượng cao ở Hải Lăng

Những ngày đầu lập lại huyện tháng 5/1990, ngành Nông nghiệp Hải Lăng có thể nói là chẳng đó gì ngoài những cồn cát cháy bỏng da người, những cánh đồng chiêm trũng thường xuyên bị thiên tai lũ lụt đe dọa. Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu. Sản xuất nông nghiệp chỉ dựa vào cây lúa và mang tính tự cung tự cấp. Đời sống của đại đa số nhân dân  bộn bề gian khó.

Xác định tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu mang tính then chốt trong định hướng phát triển kinh tế của huyện. Bắt đầu từ việc đầu tư hệ thống thủy lợi tưới tiêu, đầu tư giống, bố trí mùa vụ, tiến đến cơ giới hóa đồng ruộng, sản xuất lúa ở Hải Lăng đã tiến những bước vững chắc với năng suất sản lượng tăng qua các năm. Để mở rộng quy mô sản xuất, trong 10 năm trở lại đây, huyện đã chỉ đạo dồn điền đổi thửa , tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Đến vụ Đông Xuân 2019-2020 diện tích cánh đồng lớn đã đạt trên 490 héc ta; có 320 héc ta phục vụ sản xuất giống tại chỗ. Diện tích sản xuất lúa chất lượng cao gần 4.500 héc ta. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỷ thuật  vào sản xuất được đẩy mạnh, đặc biệt là áp dụng cơ giới hóa nên năng suất lúa đến nay bình quân toàn huyện đạt 63 tạ/ héc ta, tăng xấp xỉ 40 tạ/héc ta so với năm 1990. Đặc biệt nhiều vùng trọng điểm lúa như: Hải Dương, Hải Quế, Hải Hòa, Hải Tân (nay là xã Hải Phong ) đạt từ 68-70 tạ/ héc ta. Những mùa vàng bội thu liên tục về với người nông dân Hải Lăng, đặc biệt lúa Hải Lăng đã trở thành sản phẩm có thương hiệu “ Gạo sạch Hải Lăng” ngay trên vùng“rốn lũ” năm xưa. Dừng chân ngày trên đồng lúa quê mình, ông Bùi Xuân Giang, Chủ tịch UBND xã Hải Phong nói với chúng tôi: Bà con nông dân giờ quá phấn khởi với năng suất sản lượng thu được và tiếp tục đầu tư sản phẩm lúa hữu cơ, gạo sạch để tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Thành công từ sản xuất lúa góp phần ổn định an ninh lương thực, tăng thu nhập cho nông dân từ sản xuất lúa đã tạo động lực để huyện Hải Lăng mạnh dạn phát triển kinh tế bằng nhiều quyết sách lớn, mang tính đột phá. Nghị quyết phát triển Kinh tế vùng đồng bằng, vùng gò đồi, vùng cát cùng với những chính sách hỗ trợ cây con giống, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản, hướng đến sản xuất sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ, xây dựng thương hiệu đã giúp nông dân phát triển kinh tế vùng, hướng đến làm giàu từ vườn rừng vườn đồi.

Cam K4 Hải Phú
Cam K4 Hải Phú

Hiện nông dân các vùng gò đồi Hải Lâm, Hải Chánh, Hải Thượng, Hải Phú... đã làm giàu từ trồng rừng, chăn nuôi, trồng cây ăn quả. Hình thành được các vùng trồng cam tập trung với năng suất bình quân 15-20 tấn/ héc ta, đặc biệt đã xây dựng được thương hiệu Cam K4 được thị trường tiêu thụ mạnh. Gia đình chị Trần Thị Duyên ở vùng K4 Hải Phú nay đã có 1000 gốc cam, trong đó 600 gốc cho thu hoạch sau khi trừ chi phí lãi trên 800 triệu đồng. Chị Duyên cho biết: Cam trồng theo hướng hữu cơ đã cho thu hoạch cao và thị trường tin dùng nên gia đình trồng cam hữu cơ.   

Nếu như vùng gò đồi Hải Lăng hôm nay đã thực sự hồi sinh và phát triển thì vùng cát hoang hóa, đồng khô, cỏ cháy 30 năm trước đây đã trở thành những vùng chuyên canh cây ném, mướp đắng, đậu, dưa... tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân thông qua các chính sách đầu tư, cải tạo, quy hoạch và đẩy mạnh phát triển kinh tế  vùng cát. Ông Hoàng Cảnh, Chủ tịch UBND xã Hải Dương đã khẳng định như vậy khi cho biết: các sản phẩm ném và  cây mướp đắng vùng cát theo tiêu chuẩnViệtGAP cho thu nhập từ 130 - 140 triệu đồng/ ha, cây mướp đắng từ 110-120 triệu đồng/ ha.

Vượt qua khó khăn, tiến đến làm chủ, làm giàu từ những đồng đất quê nhà, hơn thế, trên chính đồng đất ấy, những ý tưởng mới, những dự án có quy mô do chính người nông dân Hải Lăng làm chủ đã được khơi dậy, tạo ra đột phá mới trong bức tranh kinh tế của Nông nghiệp Hải Lăng. Dấu ấn 30 năm ngành Nông nghiệp Hải Lăng kết tinh qua những con số tăng trưởng đáng tự hào. Lĩnh vực nông nghiệp đạt được kết quả toàn diện với tốc độ tăng trưởng 5,17%/năm.Từ một vùng chiêm trũng, quanh năm lũ lụt thiên tai, nay Hải Lăng đã trở thành vùng trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh Quảng Trị với sản lượng lương thực 1 năm gần 9 vạn tấn, giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích đạt 88,7 triệu đồng/ héc ta.

Màu xanh trên vùng cát Hải Lăng.
Màu xanh trên vùng cát Hải Lăng.

Ông Nguyễn Giáp, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng đã khẳng định: Những quyết sách đúng đắn và mang giá trị thực tiễn cao của huyện Hải Lăng qua các thời kỳ cùng với sự cần cù vượt khó năng động sáng tạo của người nông dân Hải Lăng đã đưa ngành nông nghiệp Hải Lăng vượt lên đạt những thành quả đáng tự hào.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Quảng Trị sẽ có Trung tâm dịch vụ hậu cần và Logistics Khu Kinh tế Đông Nam

Tiến Nhất |

Ngày 6/5, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 1139/QĐ-UBND cấp chủ trương đầu tư cho Công ty Cổ phần ICD Đông Nam thực hiện dự án Trung tâm dịch vụ hậu cần và Logistics tại Khu Kinh tế Đông Nam.

Hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi cá chép giòn trong lồng

Anh Vũ - Lê Trường |

Nhằm thay đổi hình thức và đa dạng hóa các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao để nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, thông qua Trạm Khuyến nông, UBND huyện Cam Lộ đã hỗ trợ gần 50 triệu đồng cho anh Trần Viết Tý ở thôn Tam Hiệp, xã Cam Thủy (Cam Lộ, Quảng Trị) nuôi cá chép giòn trong lồng.

Đưa ô tô ra đồng làm dịch vụ thu hoạch lúa

Nhơn Bốn |

Hơn 10 năm trước, cứ đến mùa gặt là người nông dân phải vất vả còng lưng giữa cái nắng chói chang để thu hoạch lúa rồi dùng sức người kéo xe chở lúa về nhà, thậm chí là gánh bộ cho kịp tiến độ. Thế nhưng vài năm trở lại đây, khi việc dồn điền đổi thửa được chú trọng, bê tông hóa giao thông nội đồng, giao thông nông thôn được xây dựng khá hoàn thiện thì việc đưa máy móc, ô tô ra đồng cùng nông dân thu hoạch lúa đã trở nên quen thuộc...

Quảng Trị: Hướng đến nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Lâm Quang Bửu |

Dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới” (WB7) với mục tiêu cải thiện tính bền vững của sản xuất nông nghiệp nhằm hướng đến nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.