Theo Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Nam- Lào tại Quyết định số 864/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ, định hướng xây dựng Lao Bảo, huyện Hướng Hóa trở thành thành phố thuộc hệ thống đô thị động lực cấp 1, có chức năng là trung tâm kinh tế tổng hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biên giới.
Với lợi thế có cửa khẩu quốc tế, tuyến đường xuyên Á nối thông thương với các nước Đông Nam Á, cùng với những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư của Đảng và Nhà nước, thị trấn Lao Bảo hôm nay đã là một đô thị trẻ phát triển năng động trong chuỗi đô thị của Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, điểm đầu cầu tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây về phía Việt Nam.
Người ta nói, Lao Bảo là đô thị mọc trên nền nhà đày. Từ vùng đất lam sơn chướng khí nổi tiếng khắc nghiệt là “địa ngục trần gian” đày ải tù nhân, giờ đây Lao Bảo đã vươn mình phát triển mạnh trên hình hài của một đô thị cấp vùng. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo Lê Bá Hùng cho biết, mặc dù Lao Bảo không còn được hưởng các chính sách ưu đãi đặc thù của khu kinh tế- thương mại đặc biệt nữa, song hoạt động kinh doanh, thương mại- dịch vụ vẫn phát triển đa dạng, tổng giá trị sản xuất bình quân đạt gần 5.000 tỉ đồng/năm. Trên địa bàn hiện có 60 công ty doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 2 công ty 100% vốn nước ngoài, 1.300 hộ kinh doanh cá thể, 245 hộ kinh doanh tại Lào; hàng chục siêu thị, nhà hàng, chợ nông sản, trung tâm thương mại, khách sạn, khu sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Nhân dân thị trấn Lao Bảo đã khai thác hiệu quả tiềm năng của vùng kinh tế cửa khẩu và các vùng miền nhiều lợi thế để hợp tác phát triển sản xuất nông- lâm nghiệp- thủy sản như chăn nuôi lợn và gia súc tại Lào, nuôi thủy sản ở Cửa Việt. Cơ cấu sản xuất hợp lý, mở rộng và duy trì ổn định diện tích sản xuất cây chuối gần 700 ha, trong đó hợp tác sản xuất tại Lào hơn 573 ha; phát triển cây lâm nghiệp, tăng diện tích rừng trồng sản xuất, đến nay có 510,45 ha; tăng cường trao đổi các sản phẩm nông - lâm nghiệp hai bên biên giới như đót, nấm, măng tre, cây huyết đằng… Có thể khẳng định, kinh tế thương mại, dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng đã vươn lên trở thành ngành kinh tế động lực chủ đạo; kinh tế nông- lâm nghiệp phát triển theo hướng hàng hoá, lao động việc làm và đời sống mọi mặt của người dân được cải thiện; doanh thu từ 81 tỉ đồng ngày mới thành lập thị trấn năm 1994 đã tăng lên 8.500 tỉ đồng năm 2019, tăng trên 100 lần.
Để xây dựng thị trấn Lao Bảo trở thành đô thị động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biên giới, 5 năm qua, thị trấn Lao Bảo luôn nhận được sự quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bằng nhiều nguồn vốn của trung ương, tỉnh, huyện với tổng giá trị trên 361 tỉ đồng, đã xây dựng mới 34 tuyến đường, nâng cấp sửa chữa 9 tuyến đường nội thị. Mạng lưới giao thông thị trấn Lao Bảo có 28 tuyến đường có lộ giới trên 11,5m được thảm nhựa, bê tông hóa kiên cố và hệ thống thoát nước hoàn chỉnh; 33 tuyến đường có lộ giới dưới 11,5m đã được xây dựng đảm bảo thông thoáng, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị; 27 đoạn tuyến, lộ giới từ 3- 6m đã được bê tông hóa, cứng hóa. Tỉ lệ đường giao thông được nhựa hóa và bê tông hóa đạt trên 87%, đạt 113% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Nhân dân đầu tư lắp đặt 45 tuyến đường điện chiếu sáng với tổng chiều dài hơn 16 km; xây dựng 31 tuyến đường văn minh đô thị, trồng 31 tuyến đường hoa giấy; tổng giá trị đầu tư trên 540 tỉ đồng. Về nhà ở, đến nay toàn thị trấn có hơn 17% nhà cao tầng, trên 90% nhà kiên cố, bán kiên cố. Hạ tầng đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị loại 4, tiến tới xây dựng đô thị động lực cấp 1 theo Quyết định 864/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Lao Bảo là đô thị cửa khẩu quốc tế, trung tâm phát triển kinh tế- xã hội của miền Tây tỉnh Quảng Trị. Nơi đây được xác định là một trong 9 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của cả nước, được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Địa bàn thị trấn Lao Bảo nằm trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng và điểm đầu về phía Việt Nam trên trục Hành lang kinh tế Đông- Tây, là một trong ba hành lang giao thông chính hình thành trên cơ sở ba hành lang kinh tế chính của Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Đây là điều kiện thuận lợi nhất để thị trấn Lao Bảo phát triển kinh tế- xã hội, mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và quốc tế. Với quyết tâm chính trị, khát vọng phát triển, Đảng bộ và Nhân dân thị trấn Lao Bảo sẽ phát huy những thành tựu đạt được, xây dựng Lao Bảo trở thành “đô thị vàng” trên vùng biên giới.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)