Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã mời các đại biểu Quốc hội có kinh nghiệm trong các cơ quan dân cử làm giảng viên, truyền đạt những kiến thức và kỹ năng cơ bản cho các ứng cử viên.
Ngày 28/4, tại Đà Nẵng, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã khai mạc Hội nghị tập huấn Kỹ năng vận động tranh cử cho ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số.
Dự hội nghị có hơn 40 ứng cử viên là người dân tộc thiểu số từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và miền Trung-Tây Nguyên.Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cho biết ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là người dân tộc thiểu số ở các địa phương phần lớn tham gia lần đầu, điều kiện thu thập, trao đổi thông tin và kỹ năng vận động tranh cử còn nhiều hạn chế, nhất là các kỹ năng xây dựng chương trình hành động, vận động, thuyết phục, lôi cuốn cử tri, thuyết trình trước công chúng... chưa đồng đều.
Đây là rào cản không nhỏ, hạn chế cơ hội thành công đối với những ứng cử viên là người dân tộc thiểu số trong đợt bầu cử sắp tới.
Hội nghị được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các ứng cử viên tiềm năng là người dân tộc thiểu số tham gia ứng cử sẽ trở thành đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.
Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã mời các đại biểu Quốc hội có kinh nghiệm trong các cơ quan dân cử làm giảng viên, truyền đạt những kiến thức và kỹ năng cơ bản cho các ứng cử viên.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/4 với nhiều phiên thuyết trình, thảo luận, làm việc nhóm và thực hành đan xen.
Tại hội nghị, các ứng cử viên sẽ được tập huấn về 6 chuyên đề: Giới thiệu chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh và đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân; kỹ năng vận động tranh cử, tiếp xúc cử tri, xây dựng hình ảnh trước công chúng; kỹ năng xây dựng và trình bày chương trình hành động của ứng cử viên; kỹ năng tiếp xúc báo chí, trả lời phỏng vấn; kỹ năng lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng chương trình hành động và một số vấn đề cần lưu ý khi vận động tranh cử; những nội dung, thông tin về chính sách và tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của địa phương.
Hội đồng Dân tộc của Quốc hội là thiết chế chính trị đại diện cho 54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Hội đồng Dân tộc tham gia hoạt động trên các phương diện lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước hướng đến mục tiêu cao cả là các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển, đảm bảo thực hiện chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực.
(Nguồn: TTXVN)