Những đợt mưa to, lũ lớn kéo dài vừa qua đã vùi lấp nhiều diện tích đất sản xuất của bà con nhân dân. Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, các đợt mưa lũ đã vùi lấp hơn 1.600 ha diện tích đất trồng lúa và hoa màu trên địa bàn toàn tỉnh.
Đặc biệt, nhiều diện tích đất sản xuất tại các xã miền núi huyện Đakrông đã bị đất, đá vùi lấp sâu trên nửa mét, có nơi trên 1m, khiến cho việc phục hồi để tiếp tục canh tác gặp rất nhiều khó khăn, nhiều diện tích đất đang đứng trước nguy cơ hoang hóa, mất trắng sau thiên tai. Cuộc sống của người dân nơi đây vốn đã bộn bề giờ thêm khó khăn chồng chất.
Đã gần hai tháng trôi qua, nhưng đến với xã bán sơn địa Ba Lòng, huyện Đakrông (Quảng Trị), những hình ảnh về trận lũ dữ vẫn còn in đậm trong tâm trí của những con người nơi đây. Nhiều công trình hồ đập, kênh mương thủy lợi đã bị cuốn trôi hoặc bị phá vỡ theo dòng nước lũ. Những cánh đồng màu mỡ hôm qua, nay bị đất đá nhấn chìm dưới độ sâu hơn 1m. Nếu như trước đây, xã Ba Lòng là một trong những địa phương có diện tích lúa nước và hoa màu tương đối của huyện, người dân có thể tự chủ một phần lương thực, thì nay họ lại đang đứng trước nguy cơ thiếu ăn do đợt mưa lũ vừa qua, nước từ các khe, suối trên núi đổ về mang theo đất đá khiến ruộng nương bị vùi lấp và cuốn trôi, diện tích đất canh tác, sản xuất vốn đã ít ỏi thì nay gần như bị xóa sổ do mưa lũ kéo dài.
Cũng như nhiều gia đình trong thôn, gia đình ông Hồ Văn Lai, thôn Văn Vận, xã Ba Lòng có 8 nhân khẩu, tất cả sống nhờ vào 1 mẫu đất canh tác tại cánh đồng này. Tuy nhiên, đợt mưa lũ đã vùi lấp hết toàn bộ diện tích đất sản xuất của gia đình ông, bùn đất ngập dày 70cm, có nơi trên 1m, khiến cho cả cánh đồng này, trong đó có diện tích đất của gia đình ông đối diện với nguy cơ mất trắng, không thể khôi phục, tái thiết sản xuất. Ông Hồ Văn La, làng Văn Vận, xã Ba Lòng, huyện Đakrông cho biết thêm: “Các đợt mưa lũ đã vùi lấp hơn 1 mẫu đất của gia đình tôi. Chúng tôi sống chủ yếu nhờ vào diện tích đất này, giờ bùn đất lấp quá sâu, bây giờ chúng tôi không biết làm thế nào cả. Đất thì không cày cấy gì được nữa, mùa mới đã sắp đến rồi. Bây giờ chỉ biết mong muốn cấp trên quan tâm, có giải pháp gì đó giúp chúng tôi, quan trọng nhất là làm thế nào để gieo cấy được, chứ không thì sang năm gia đình không biết lấy gì để sinh sống”.
Trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, xã Ba Lòng là địa phương bị nước lũ cô lập lâu nhất, nước ngập sâu nhất trên địa bàn huyện Đakrông. Theo ước tính, mưa lũ đã vùi lấp hơn 400 ha hoa màu, 15ha lúa nước, trong đó hơn 60% diện tích bị vùi lấp ở độ sâu từ 0,5 đến hơn 1m. Điều đó đồng nghĩa với việc bài toán sinh kế cho bà con nhân dân sẽ lại càng khó khăn, người dân sẽ còn phải phụ thuộc nhiều vào việc cứu trợ khi không thể sản xuất, tự chủ được lương thực. Hiện nay, mưa cùng với diễn biến thời tiết tại khu vực vẫn rất phức tạp, bởi vậy vẫn còn đó những tiềm ẩn về nguy cơ sạt lở và vùi lấp đất ở cũng như đất sản xuất của người dân. Mặc dù thời gian qua, người dân xã Ba Lòng đã được Nhà nước, và Nhân dân cả nước hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm nhưng cũng chỉ đủ dùng trong 1 thời gian ngắn. Và hơn cả là về lâu dài, cuộc sống của hơn 800 hộ dân xã Ba Lòng đang đứng trước nguy cơ thiếu đói, nếu đất canh tác không thể phục hồi để sản xuất.
Ông Hồ Xuân Hoàng, Chủ tịch UBND xã Ba Lòng, Đakrông cho biết: “Bà con nhân dân cả xã Ba Lòng hiện nay đang đứng trước nguy cơ mất đất sản xuất. Mưa lũ đã bồi lấp quá nhiều diện tích đất sản xuất của xã, cá biệt, rất nhiều diện tích bị bồi lấp từ nửa mét đến hơn 1 mét. Xã bây giờ cũng tích cực động viên bà con, nỗ lực khắc phục. cải tạo ruộng đồng, những nơi bị vùi lấp ít, khoảng 0,5 đến dưới 10cm. Tuy nhiên, rất nhiều diện tích đất bị bồi lấp trên 1m đang có nguy cơ bị bỏ hoang, người dân và chính quyền xã hiện không có khả năng khôi phục số diện tích đất này. Đề nghị cấp trên sớm có giải pháp cho chúng tôi”.
Thống kê của chính quyền xã Triệu Nguyên cho thấy, có tới 150 ha đất sản xuất nông nghiệp bị cát và phù sa bồi lấp từ 0,5 đến 1 m; hệ thống đường nội đồng 5,7 km cùng hệ thống kênh mương “mất tích” hoàn toàn bởi đất đá hàng trăm khối. Việc triển khai sản xuất vụ Đông Xuân hiện nay đang đứng trước muôn vàn khó khăn. Ông Nguyễn Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Nguyên, Đakrông cho biết thêm: “Xã Triệu Nguyên có diện tích hẹp, gồm 2 thôn, lại có địa thế không thuận lợi, một bên là núi, một bên là dòng sông Đakrông. Cả xã chỉ có một rẻo đất ở giữa là nơi sinh sống và cũng là đất sản xuất của bà con. Cơn lũ vừa qua đổ về, đã mang theo bùn đất cuồn cuộn tràn vào nhà dân, vùi lấp dải đất chạy dọc sông Đakrông trước đây vốn là nương lúa, rẫy ngô tươi tốt của đồng bào. Hiện nay, xã đang nỗ lực phát động phong trào cải tạo ruộng đồng, khôi phục kênh mương, phấn đấu gieo trồng kịp thời vụ đông xuân sắp đến. Tuy nhiên, có nhiều diện tích đất bị vùi lấp quá sâu, nguồn lực của xã còn hạn chế nên mong muốn cấp trên sớm có giải pháp tháo gỡ”.
Bão lũ đi qua đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề trên địa bàn 2 xã Ba Lòng, Triệu Nguyên nói riêng và toàn huyện miền núi Đakrông nói chung. Trong đó, ngoài những thiệt hại về nhà cửa, vật nuôi bị nước cuốn trôi thì hàng nghìn tấn đất, cát, phù sa tràn về đã vùi lấp đất sản xuất nông nghiệp. Nhiều cánh đồng trước đây màu mỡ nhưng khi lũ về kéo theo cát lấp trắng cả cánh đồng, giờ không thể nào sản xuất được, nguy cơ bà con nông dân phải bỏ ruộng hoang là rất cao. Theo tìm hiểu của phóng viên, toàn huyện có đến hơn 700 ha đất canh tác gồm các loại cây trồng như: lúa rẫy, lúa nước, chuối, sắn, cà phê và các loại hoa màu khác bị ảnh hưởng do mưa lũ, thiệt hại lên đến gần 20 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện nay, chỉ còn nửa tháng nữa là tới kỳ làm đất, gieo mạ cho vụ Đông Xuân năm 2020 - 2021, thế nhưng, người dân tại nhiều nơi của huyện Đakrông gần như chưa thể làm gì bởi phần lớn diện tích đất canh tác của họ vẫn nằm sâu dưới lớp bùn dày. Ông Lê Châu Trí, Phó trưởng Phòng NN và PTNT Đakrông cho biết: “Trước mắt, chúng tôi tập trung cải tạo khẩn cấp hơn 700ha diện tích đất lúa, đất hoa màu; đối với diện tích đất bị bồi lấp dưới 30cm, sẽ khôi phục bằng phương án thủ công, huy động lực lượng giải phóng khối lượng đất đá trên đồng ruộng, dọn dẹp vệ sinh, tạo mặt bằng sản xuất. Bên cạnh đó, kết hợp với vôi và một số chế phẩm vi sinh vật để kịp thời làm đất sản xuất vụ Đông Xuân sắp đến. Đối với những diện tích đất bị bồi lấp sâu trên 70cm, thậm chí có nơi trên 1m, sẽ sử dụng máy san gạt nhẹ bề mặt, tạo mặt bằng canh tác, sau đó cày sâu trên 30cm, nhằm đảo lộn tầng sét, cát và hữu cơ, khử độc, cải tạo đất bằng vôi kết hợp với các chế phẩm vi sinh vật, làm đất gieo trồng các cây màu phù hợp, hoặc san gạt tầng đất mặt thành những ụ đất để tận dụng trồng các loại cây thích hợp như sắn dây…”
Trên cơ sở khảo sát, đánh giá về mức độ vùi lấp, lớp phủ bề mặt tại các vùng đất sản xuất, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã đề xuất UBND huyện Đakrông một số giải pháp nhằm khôi phục lại diện tích đất bị vùi lấp, giúp bà con nhân dân tái sản xuất.
Đặc biệt, để giải quyết một cách căn cơ, nhằm khôi phục sản xuất lâu dài cho bà con, tránh tình trạng hoang hóa ruộng đất, ngành nông nghiệp huyện cũng đã rà soát, chuyển đổi quy hoạch những diện tích cây trồng hiệu quả thấp, diện tích lúa, hoa màu bị bồi lấp sâu, khó khôi phục sản xuất sang trồng các loại cây trái có giá trị kinh tế khác, phù hợp, nhằm giúp bà con nhân dân ổn định lại cuộc sống một cách bền vững hơn.
(Nguồn: QRTV)