Dấu ấn năm 2021 và dự cảm cho tương lai

Hồ Nguyên Kha |

Năm 2021 Quảng Trị đối mặt với nhiều khó khăn, bất trắc do hậu quả của thiên tai và dịch bệnh triền miên. Nhưng khép lại năm 2021, nền kinh tế Quảng Trị “chốt sổ” thu ngân sách trên 5.500 tỉ đồng. Đặc biệt trên lĩnh vực thu hút đầu tư có sự bứt phá khi một số dự án trọng điểm đã khởi động. Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát đảm bảo an toàn cho cộng đồng... Trước thềm năm mới 2022, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN HƯNG đã dành thời gian trao đổi với phóng viên Báo Quảng Trị.


Nền kinh tế tăng trưởng khá toàn diện

- Thưa đồng chí ! Không thể phủ nhận về những khó khăn phải đối mặt trong năm qua nhưng vượt lên tất cả khi khép lại năm 2021 tỉnh Quảng Trị đã “về đích” thành công. Vậy đâu là điểm nhấn quan trọng, thưa đồng chí?

- Năm 2021 Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao trong thực hiện “mục tiêu kép” và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh đã ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống COVID-19 với tinh thần quyết liệt, linh hoạt và thích ứng kịp thời nhưng coi trọng bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Với phương châm “sớm hơn một bước, cao hơn một cấp”, kích hoạt các phương án phòng, chống dịch có hiệu quả nên đã duy trì được “vùng xanh”. Hiện nay, mặc dù dịch bệnh đang bùng phát tại nhiều tỉnh, thành nhưng về cơ bản Quảng Trị vẫn đang kiểm soát tốt tình hình.

Chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN HƯNG
Chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN HƯNG

Năm 2021 nền kinh tế của tỉnh tiếp tục phục hồi và phát triển, nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng cao so với năm 2020. Có 21/24 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu được hoàn thành, trong đó có 6 chỉ tiêu quan trọng vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 tăng 6,5% so với năm 2020, đứng thứ 3 trong 14 tỉnh, thành vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, GRDP bình quân đầu người đạt 57,5%. Thu ngân sách nhà nước có bước đột phá mạnh mẽ, thiết lập cột mốc mới với trên 5.500 tỉ đồng, đạt 147,3% dự toán địa phương và 177,6% dự toán Trung ương giao.

Dây chuyền sản xuất gỗ ván MDF - Ảnh: N.K

Có được kết quả đó là nhờ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá, đặc biệt là công tác quy hoạch, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất - kinh doanh; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án động lực. Trong năm, đã có 56 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 69.594,7 tỉ đồng, cao hơn 10 lần so với năm 2020. Nhờ vậy, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2021 ước tính đạt 28.534 tỉ đồng, vượt 29,7% kế hoạch đề ra và tăng 49,9% so với năm 2020. Đây là lần đầu tiên sau rất nhiều năm, tỉnh Quảng Trị thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch về huy động vốn đầu tư toàn xã hội.

Gọi được “sếu đầu đàn”

- Lâu nay Quảng Trị được biết đến là một tỉnh nghèo, là địa bàn kém hấp dẫn về đầu tư so với các tỉnh thành trong cả nước. Vậy nhưng trong mấy năm trở lại đây, Quảng Trị đã có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vậy theo đồng chí đâu là nguyên nhân?

- Phải khẳng định tỉnh Quảng Trị có vị trí địa kinh tế, chính trị quan trọng, là tỉnh điểm đầu về phía Việt Nam nằm trên Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), tuyến đường xuyên Á ngắn nhất nối các nước Myanmar-Thái Lan-Lào qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và đang hình thành hành lang kinh tế song song (ParaEWEC) kết nối Cửa khẩu quốc tế La Lay với cảng biển nước sâu Mỹ Thủy tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị rất thuận lợi cho phát triển các ngành thương mại, logistics, dịch vụ, du lịch và hợp tác đầu tư với các nước ASEAN. Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đã và đang hợp tác với Liên doanh tư vấn Surbana Jurong-Sakae Holdings (Singapore) xây dựng quy hoạch chiến lược phát triển tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch phát triển Cảng hàng không Quảng Trị, đồng thời hợp tác với Liên đoàn sản xuất Singapore (SMF) trong công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Trị từ năm 2021.

Với thế mạnh nổi bật về năng lượng sạch điện gió, điện mặt trời, điện khí với 656,40MW điện gió đã được COD trước ngày 1/11/2021. Cách bờ biển không xa, Quảng Trị có nguồn khí với trữ lượng lớn, là tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển năng lượng điện khí và công nghiệp hóa khí với mỏ khí Báo Vàng có trữ lượng 60-100 tỉ m3 và mỏ khí Kèn Bầu trữ lượng sơ bộ là 230 tỉ m3 khí tự nhiên. Điều quan trọng là điểm tiếp nhận khí từ mỏ Báo Vàng nằm gần đảo Cồn Cỏ và mỏ khí Kèn Bầu cách đất liền Quảng Trị khoảng 65 km. Đây là nguồn nhiên liệu cho các nhà máy điện khí và nền tảng giúp Quảng Trị phấn đấu trở thành Trung tâm năng lượng của miền Trung. Nhà đầu tư lớn nhất hiện nay ở tỉnh Quảng Trị phải kể đến Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T với nhiều dự án quy mô lớn đã và đang triển khai như Dự án Cảng hàng không Quảng Trị, Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, Dự án Khu đô thị phía Đông thành phố Đông Hà, Khu đô thị ven biển Quảng Trị, Tổ hợp Dịch vụ-du lịch đô thị và sân Golf hồ Nghĩa Hy Cam Lộ. Tháng 10/2020, Tập đoàn T&T Group đã khởi công dự án Khu dịch vụdu lịch Gio Hải với tổng vốn đầu tư hơn 4.470 tỉ đồng. Ngày 8/10/2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã trao Quyết định chủ trương đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn I cho Tổ hợp các nhà đầu tư, bao gồm: Tập đoàn T&T Group, Công ty Cổ phần Năng lượng Hanwha, Tổng Công ty điện lực Nam Hàn Quốc và Tổng Công ty khí Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư giai đoạn I là 54.000 tỉ đồng. Ngày 15/1/2022 Hợp phần kỹ thuật dự án Trung tâm điện khí LNG giai đoạn 1 - 1.500 MW đã chính thức được khởi công.Ngày 20/12/2021, Thủ tướng có quyết định chủ trương đầu tư dự án sân bay Quảng Trị theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Nhà đầu tư đề xuất lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là Công ty cổ phần Tập đoàn T&T.

Các đại biểu ấn nút khởi công Hợp phần kỹ thuật dự án điện khí LNG - Hải Lăng giai đoạn 1 - Ảnh: THANH TRÚC

Ngoài ra, sau thời gian tích cực nghiên cứu, khảo sát, Tập đoàn BB Group đã đề xuất các dự án đầu tư tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị gồm: Dự án Trung tâm công nghiệp khí BBG Quảng Trị với quy mô 170 ha với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4-5 tỉ USD; Cảng tổng hợp BBG Quảng Trị diện tích 305 ha, tổng mức đầu tư 10.000 tỉ đồng, tiến độ triển khai từ năm 2022 - 2025.

Mới đây, trong chuyến tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc công tác tại 2 nước Nga và Thụy Sỹ, chúng tôi đã có buổi làm việc với ngài Sergey Turmanov, Tổng Giám đốc Gazprom InternationalTập đoàn Gazprom (Nga) để thảo luận việc phối hợp thực hiện dự án Nhà máy điện khí Quảng Trị 340 MW do Gazprom International làm chủ đầu tư tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Sau khi 2 bên trao đổi các thông tin liên quan để dự án có thể triển khai trong thời gian sớm nhất. Đây là một trong những dự án động lực giúp tỉnh Quảng Trị hiện thực hóa mục tiêu “tiếp bờ” các mỏ khí Báo Vàng, Kèn Bầu, đặc biệt là tạo mối quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện Việt Nam - Nga.

Ổn định nguồn thu và kịch bản tăng trưởng kinh tế

- Những thành tựu kinh tế nổi bật trong thời gian qua là nền tảng vững chắc để Quảng Trị phấn đấu trở thành tỉnh có mức phát triển khá vào năm 2030. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến quan ngại về tính ổn định từ nguồn thu ngân sách. Đề nghị đồng chí cho biết phải làm thế nào để duy trì tăng thu ngân sách và kịch bản tăng trưởng kinh tế đã được xây dựng?

- Sự quan ngại về tính ổn định thu ngân sách là nhìn từ con số 1.400 tỉ đồng thuế hoạt động xuất nhập khẩu từ thiết bị lắp đặt các dự án điện gió. Nhưng từ năm 2022 trở đi khi 19 dự án điện gió hòa lưới thương mại mỗi năm sẽ nộp cho tỉnh khoảng 200 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, trong 4.070 tỉ đồng thu nội địa thì có những khoản thu luôn đạt cao như khối doanh nghiệp nhà nước 230 tỉ đồng, thuế bảo vệ môi trường 470 tỉ đồng, lệ phí trước bạ 210 tỉ đồng và các khoản thu về nhà, đất trên 1.334 tỉ đồng, chiếm 24% tổng thu nhưng thấp hơn so với các năm 2019, 2020 (chiếm trên 30% tổng thu). Điều này có nghĩa là thu ngân sách từ phí quyền sử dụng đất ngày càng giảm, con thu trong sản xuất ngày càng tăng. Trong năm qua mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng có một số doanh nghiệp vẫn đảm bảo nộp ngân sách rất đáng biểu dương như Công ty xăng dầu Quảng Trị nộp 294 tỉ đồng, Chi nhánh Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà Quảng Trị 210 tỉ đồng, Công ty Bia Hà Nội - Quảng Trị 136 tỉ đồng, Công ty CP gỗ MDF - VRG Quảng Trị 78 tỉ đồng, Tổng công ty Thương mại Quảng Trị 62 tỉ đồng… Qua đó, khẳng định tính ổn định về thu ngân sách hằng năm của tỉnh chứ không hẳn phụ thuộc vào thu thuế nhập linh kiện, thiết bị dự án điện gió.

Trong định hướng đến phát triển đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Quảng Trị xác định phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột chính là công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ - du lịch, trong đó công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá phát triển, nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phấn đấu đến năm 2025, đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và năm 2030 sẽ vào nhóm tỉnh khá của Việt Nam. Do đó, tỉnh Quảng Trị đặt ra mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5 -8% năm 2025, > 8% (2030); GRDP bình quân đầu người 85 - 90 triệu đồng (2025), >150 triệu đồng (2030); cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản 15% (2025), < 15-10 (2030); phi nông, lâm nghiệp và thủy sản 85% (2025), > 85 - 90% (2030); thu ngân sách nhà nước 21.500 - 22.500 tỉ đồng giai đoạn 2021 - 2025, 38.300 tỉ đồng giai đoạn 2025 - 2030.

Để ổn định nguồn thu và đảm bảo tăng trưởng kinh tế thì vấn đề quan trọng hàng đầu là phải đẩy mạnh thu hút đầu tư. Muốn vậy cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nên trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu dịch vụ du lịch theo đúng quy hoạch, đặc biệt là tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai các dự án đúng tiến độ. Rút ngắn thời gian xử lý thủ tục đăng ký kinh doanh; định kỳ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, đối thoại chuyên đề về tài nguyên môi trường, thuế... nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn và tăng cường hiệu quả công tác tham vấn doanh nghiệp vào việc xây dựng chính sách, pháp luật...

Nhưng trước mắt, tỉnh Quảng Trị đang tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với mức tăng trưởng đạt từ 6,5% - 7%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 24.000 tỉ đồng. Riêng đối với thu ngân sách năm 2022 mặc dù tỉnh giao thu 4.150 tỉ đồng nhưng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh vẫn đưa ra con số thu 6.000 tỉ đồng để tự phấn đấu. Đồng thời quán triệt và thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống COVID-19 một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình của địa phương gắn với thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo.

- Cảm ơn đồng chí.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Quảng Trị được hỗ trợ 1.064,73 tấn gạo dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần

B.A |

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 133/QĐ-TTg giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 7.820,76 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Bình Định, Hà Giang, Đắk Nông, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Bình Phước, Quảng Trị, Kon Tum, Lạng Sơn, Lai Châu để hỗ trợ cho nhân dân dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần và giáp hạt đầu năm 2022.

Hội báo xuân tết Nhâm Dần tại Quảng Trị

PV-Danh |

Ngày 27/1/2022, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị phối hợp với UBND thành phố Đông Hà tổ chức khai mạc Hội báo xuân Tết Nhâm Dần.

Quảng Trị được hỗ trợ 130 tấn hạt giống để khắc phục hậu quả thiên tai

B.A |

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 29/QĐ-TTg ngày 25/1/2022 xuất cấp hạt giống cây trồng từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các tỉnh Quảng Trị và Hà Nam.

RENEW Quảng Trị tổ chức trao tặng 100 xe đạp cho học sinh nghèo

Ngô Xuân Hiền |

Được tài trợ của tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình (VFP) Phân hiệu 160 và các nhà hảo tâm, Dự án RENEW Quảng Trị vừa tổ chức trao tặng 100 chiếc xe đạp mới cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở có hoàn cảnh khó khăn ở các xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh), Gio Sơn (huyện Gio Linh), Cam Thành (huyện Cam Lộ) và xã Thuận (huyện Hướng Hóa).