Kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2011, đến nay Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp tỉnh học sinh trung học do Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Quảng Trị tổ chức đã trở thành sân chơi trí tuệ, sáng tạo khoa học, công nghệ… thu hút đông đảo học sinh tham gia. Từ sân chơi bổ ích và quen thuộc này, đã có nhiều đề tài, dự án sáng tạo của học sinh tỉnh Quảng Trị được vinh danh, trao giải ở cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc tế.
Qua 10 năm tổ chức, Cuộc thi KHKT cấp tỉnh học sinh trung học đã thu hút ngày càng nhiều học sinh tham gia và đã trở thành một hoạt động thường niên, sân chơi trí tuệ của học sinh trung học, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Đây là cuộc thi có ý nghĩa lớn đối với lứa tuổi học sinh và thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh; các nhà khoa học, cơ quan chức năng tham gia giúp đỡ về KHKT và hỗ trợ tài chính, tạo động lực mạnh mẽ cho học sinh học tập, nghiên cứu, nuôi dưỡng và phát triển, biến các ước mơ, ý tưởng khoa học thành các sản phẩm hiện thực.
Các đề tài tham gia dự thi trong những năm qua phong phú về thể loại với nhiều lĩnh vực khác nhau từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội - hành vi. Qua nội dung của các đề tài cho thấy, học sinh không chỉ quan tâm việc học mà còn quan tâm đến lao động, sản xuất, đến môi trường sống xung quanh. Qua các năm triển khai, số lượng dự án tham dự cuộc thi ngày càng tăng. Đối với cuộc thi cấp cơ sở có 3.690 dự án dự thi, trong đó cấp THCS có 1.373 dự án và cấp THPT có 2.317 dự án của học sinh; từ cuộc thi cấp cơ sở, các đơn vị đã chọn các dự án tham dự cuộc thi cấp tỉnh ngày càng chất lượng.
Đối với Cuộc thi KHKT cấp tỉnh, từ khi được tổ chức đến nay đã thu hút 1.582 học sinh tham gia với 846 dự án đăng ký dự thi, trong đó có 182 dự án cá nhân và 664 dự án tập thể. Ban tổ chức cuộc thi đã công nhận và cấp giấy chứng nhận 482 dự án đoạt giải, trong đó có 33 giải Nhất, 76 giải Nhì, 153 giải Ba và 220 giải Tư. Sự thành công của các học sinh trong các Cuộc thi KHKT các cấp không chỉ khẳng định tiềm năng sáng tạo của học sinh trung học, mà từ việc xác định đề tài đến quá trình triển khai nghiên cứu đề tài cho thấy nhiều học sinh đã thực sự có phẩm chất và năng lực nghiên cứu khoa học.
Nhiều ý tưởng sáng tạo của học sinh đã được hiện thực hóa và giải quyết nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, kết quả đó đã được khẳng định trong cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế. Giai đoạn 2011- 2021, Quảng Trị có 35 dự án được chọn từ cuộc thi cấp tỉnh để dự thi cấp quốc gia, kết quả có 16 dự án đạt giải chính thức, trong đó có 3 giải Nhất, 2 giải Nhì, 6 giải Ba, 5 giải Tư và nhiều giải Đặc biệt do các trường đại học và các tổ chức xã hội trao tặng. Nổi bật là, năm 2012, Quảng Trị tham dự cuộc thi cấp quốc gia với 5 dự án, kết quả đoạt 5 giải lĩnh vực và 2 giải Ba chung cuộc, đoàn Quảng Trị được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu KHKT của học sinh trung học.
Năm 2017, sau khi đoạt giải Nhất cấp quốc gia, tại Cuộc thi Intel ISEF ở Hoa Kỳ, em Phạm Huy, học sinh Trường THPT Thị xã Quảng Trị đã khẳng định khả năng nghiên cứu KHKT ở tầm quốc tế khi đoạt 1 giải Ba lĩnh vực robot và máy thông minh với dự án “Cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật”. Đây là giải cao nhất trong 5 giải chính thức mà đoàn Việt Nam được Ban tổ chức cuộc thi trao tặng. Ngoài giải thưởng chính thức này, em Phạm Huy còn được trao giải Ba do Viện Kỹ nghệ và Điện tử Quốc tế trao tặng.
Năm 2020, tại Cuộc thi KHKT cấp quốc gia diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng lĩnh vực robot và máy thông minh, nhóm học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là Dương Phúc Hiếu và Thái Việt Nhật (trong đó em Dương Phúc Hiếu có 3 năm liên tục tham dự cuộc thi cấp quốc gia từ 2018-2020) đã có dự án “Thiết kế và tối ưu hoá cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật” đoạt giải Nhất với số điểm xếp thứ 3 trong số 11 giải Nhất của Ban tổ chức. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19 nên Việt Nam không đăng ký tham gia Cuộc thi Intel ISEF.
Cuộc thi KHKT học sinh trung học đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, thay đổi phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, tư duy quản lý dạy học. Đối với giáo viên, việc học sinh nghiên cứu khoa học hướng đến các vấn đề trong cuộc sống, kết nối kiến thức học được ở trường phổ thông với thực tế sinh động của thế giới tự nhiên và xã hội đã giúp giáo viên thay đổi phương pháp dạy học, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá, qua đó phát huy phẩm chất, năng lực người học. Đối với các cơ quan quản lý và các nhà trường, hoạt động nghiên cứu KHKT của học sinh đã góp phần tạo lập mối liên hệ, đưa các nhà khoa học, các phòng thí nghiệm gần với các trường phổ thông; tạo điều kiện để các chuyên gia, nhà khoa học của các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu gặp gỡ học sinh phổ thông, hướng dẫn các em tìm tòi, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học; qua đó thực hiện một cách sinh động phương châm học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn…
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Mai Huy Phương cho biết: Trong 5 năm tới, ngành GD&ĐT tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, hướng tới gắn kết hiệu quả hơn hoạt động nghiên cứu khoa học với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, góp phần giải đáp những vấn đề cấp thiết trong thực tiễn, đề xuất giải pháp, cơ sở khoa học cho việc tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, quản lý giáo dục ở tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tiếp tục triển khai thí điểm mô hình giáo dục STEM tại một số trường trung học; duy trì và phát triển công tác nghiên cứu KHKT trong giáo viên và học sinh; nâng cao chất lượng cuộc thi KHKT học sinh trung học các cấp và tiến tới kết hợp việc tổ chức cuộc thi với tổ chức hoạt động trải nghiệm về giáo dục STEM.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)