Qua hơn 5 năm triển khai, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã khơi dậy và phát huy thế mạnh của các địa phương khu vực miền núi, góp phần quan trọng vào thay đổi tư duy sản xuất của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực phát triển các sản phẩm đặc trưng, độc đáo theo hướng chuyên sâu.
Bắt đầu tham gia chương trình OCOP từ năm 2019 với chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, đến năm 2022 sản phẩm Ta Lư coffee của Hộ kinh doanh dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp Ta Lư, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa đã được chứng nhận lại và nâng cấp lên hạng 4 sao. Chị Nông Thị Hanh, chủ cơ sở cho biết, là người trồng cà phê lâu năm, nhận thấy tiềm năng, lợi thế của cây cà phê Arabica, chị đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, trang bị máy móc hiện đại và liên kết với 40 hộ dân trên địa bàn để xây dựng thương hiệu Ta Lư coffee.
Quy trình sản xuất của cơ sở theo hướng VietGap, quá trình chăm sóc sử dụng hoàn toàn bằng phân hữu cơ ủ hoai mục, thu hoạch khi tỉ lệ quả chín đạt trên 95%, không lẫn rác, quả xanh, hỏng. Bên cạnh đó còn kết hợp với công nghệ chế biến tiên tiến, kỹ thuật rang xay tinh tế cùng với khâu bảo quản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Ta Lư coffee giữ nguyên vẹn hương vị của từng hạt cà phê Arabica Khe Sanh. Hiện tại, bình quân mỗi vụ cơ sở của chị Hanh thu mua từ 20 - 25 tấn cà phê quả tươi từ các hộ liên kết với giá cao và ổn định hơn so với thị trường.
Theo chị Hanh, quá trình tham gia chương trình OCOP, chị nhận được sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trong tư vấn, hỗ trợ thực hiện hồ sơ công nhận sản phẩm, giới thiệu sản phẩm để hình thành các chuỗi sản xuất, giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh. Sản phẩm sau khi công nhận đạt chuẩn OCOP được tạo điều kiện tham gia giới thiệu ở các hội chợ, hội nghị ở trong và ngoài tỉnh.
“Từ khi được chứng nhận sao OCOP, doanh số của Ta Lư coffee đã gia tăng từ 1,5 - 2 lần so với trước đây. Chương trình đã tạo ra hướng đi mới, hiệu quả hơn trong quy trình sản xuất, kinh doanh, giúp sản phẩm tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có đủ điều kiện để tham gia vào hệ thống các siêu thị và cơ hội để vươn ra thị trường xuất khẩu” chị Hanh khẳng định.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa Hoàng Đình Bình thông tin, bám sát điều kiện tự nhiên của từng địa phương, huyện đã có định hướng cụ thể trong việc xây dựng các vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng. Triển khai các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, trang bị kiến thức và kỹ năng trong đầu tư xây dựng sản phẩm OCOP...
Phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành liên quan từ cấp tỉnh đến cấp huyện để có sự đánh giá thực tế và định hướng lựa chọn sản phẩm phù hợp nhằm tiến hành xây dựng và phân hạng sản phẩm; đồng thời phối hợp với các đơn vị tư vấn để hỗ trợ tư vấn xây dựng hồ sơ, hỗ trợ các phần kinh phí cần thiết để xây dựng sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn huyện đã có 18 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm đang được hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ để tham gia đánh giá phân hạng cấp quốc gia.
Các sản phẩm được xếp hạng đều là những nông sản mang tính đặc trưng của Hướng Hoá như cà phê, măng, chuối mật mốc, chanh leo... Ông Bình cho biết, theo kế hoạch năm 2024, huyện Hướng Hóa dự kiến sẽ phát triển thêm từ 2 - 3 sản phẩm mới; củng cố, nâng cấp 5 sản phẩm đã được công nhận OCOP. Trong đó, ưu tiên xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của huyện gắn với xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn.
Tại huyện Đakrông, trên cơ sở đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương, huyện đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, khuyến khích thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đakrông Trần Đình Bắc thông tin, từ 2 hợp tác xã năm 2020, đến nay toàn huyện đã có 9 hợp tác xã; từ 12 tổ hợp tác tăng lên 15 tổ hợp tác. Xây dựng 2 vùng trồng VietGAP cho 2 sản phẩm dưa hấu Mò Ó và chuối lùn khu vực Tà Rụt.
Đưa vào sử dụng 3 điểm bán hàng sản phẩm đặc trưng của huyện tại các xã Tà Rụt, Tà Long và thị trấn Krông Klang. Với cách làm bài bản nên mặc dù là địa phương miền núi khó khăn nhưng đến nay huyện Đakrông đã có 7 sản phẩm được chứng nhận OCOP cấp tỉnh, gồm 3 sản phẩm 4 sao và 4 sản phẩm 3 sao. Dự kiến đến cuối năm 2025, toàn huyện sẽ có khoảng 13 sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Theo ông Bắc, thời gian tới, cùng với công tác tuyên truyền, huyện Đakrông tiếp tục tăng cường khảo sát, đánh giá tiềm năng, lợi thế để phát triển sản phẩm OCOP của các địa phương. Tập trung khai thác các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, các sản phẩm của làng nghề, các hợp tác xã, các sản phẩm có dư địa lớn...
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với các chủ thể và sản phẩm tham gia chương trình OCOP, chú trọng nâng cấp các sản phẩm đã được công nhận. Phát triển các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP, trong đó thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác theo hướng chuyên canh một loại sản phẩm đặc hữu; kết nối doanh nghiệp với hợp tác xã, hợp tác xã với hộ sản xuất, tạo chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hoàng Minh Trí chia sẻ, để tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP tại các huyện miền núi trong thời gian tới, chi cục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm...
Đồng thời tăng cường hỗ trợ các cơ sở, chủ thể OCOP phát triển, hoàn thiện sản phẩm, chuẩn hóa hồ sơ, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối. Đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện truyền thông.
Tăng cường kết nối tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh... Qua đó, góp phần giúp các địa phương tạo dấu ấn, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị kinh tế của các sản phẩm OCOP.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)