Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, Sở Công thương đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm đưa sản phẩm do Việt Nam sản xuất đến tay người tiêu dùng trong tỉnh, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Để đưa cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào cuộc sống, Sở Công thương đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử. Chỉ đạo Công ty TNHH MTV TMDV Sài Gòn - Đông Hà tiếp tục duy trì mô hình Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại siêu thị Co.opmart Đông Hà. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, Sở Công Thương đã tích cực phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố để tuyên truyền sâu rộng nội dung, ý nghĩa của CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến người dân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã tác động tích cực đến nhận thức của người tiêu dùng về khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đánh giá đúng về chất lượng, thương hiệu của hàng hóa Việt Nam, tạo chuyển biến trong ý thức tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.
Cùng với công tác tuyên truyền, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại cũng được Sở Công thương tập trung triển khai. Cụ thể, đã tổ chức hoạt động giới thiệu bán các sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu và sản phẩm đặc trưng tỉnh Quảng Trị năm 2021 với 27 DN, cơ sở công nghiệp nông thôn, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh tham gia 25 gian hàng. Qua đó, thúc đẩy việc hợp tác, tạo mối liên kết cung ứng hàng hóa, nguyên liệu giữa các DN, cơ sở sản xuất.
Đặc biệt, thực hiện đề án hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm cà phê, cao dược liệu, thủy hải sản, các sản phẩm OCOP, sở đã tập trung triển khai các hoạt động như: Tư vấn, đào tạo, hướng dẫn xây dựng và áp dụng hệ thống ISO 22000:2018 cho lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm; kiểm nghiệm sản phẩm; đăng ký mã số, mã vạch; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; thiết kế, in ấn bao bì, nhãn mác… Các sản phẩm sau khi được hỗ trợ đã hoàn thiện, nâng tầm giá trị, sản lượng tiêu thụ nhiều hơn, thị trường tiêu thụ được mở rộng hơn như: Cà phê của Công ty TNHH Pun Coffee, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Nam Hải CNS; hồ tiêu của HTX hồ tiêu Vĩnh Linh; cao dược liệu An Xuân; tinh dầu của cơ sở sản xuất nông sản Vĩnh Linh, bún gạo Vạn Linh; miến gạo Loan Hảo; bột ngũ cốc, cốm gạo lứt, muối cá lá, trà đậu đen xanh lòng…
Xác định hỗ trợ DN đưa hàng hóa vào các hệ thống siêu thị là một trong những kênh hiệu quả để khai thác thị trường tiêu thụ nội địa và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam trước các sản phẩm nhập khẩu, Sở Công thương đã chủ trì, phối hợp siêu thị Co.opmart Đông Hà tổ chức Tuần lễ kết nối để phân phối sản phẩm OCOP đạt chứng nhận cấp tỉnh vào hệ thống siêu thị và cửa hàng nông sản trên địa bàn tỉnh năm 2021.
Các sản phẩm trưng bày được chia theo các nhóm gồm: Nhóm hàng thủy hải sản chế biến như nước mắm, muối cá lá; nhóm sản phẩm chế biến từ cây dược liệu như cao cà gai leo, cao lá vằng, trà túi lọc các loại, rượu men lá, tinh dầu thiên nhiên, dầu gội thảo dược, nước súc miệng thảo dược; sản phẩm nông sản như cam K4, thanh long, bưởi da xanh, hồ tiêu, gạo sạch và nông sản chế biến như bún sạch, bánh canh tươi, dầu lạc, các loại trà thảo mộc, trà đậu đen xanh lòng, cốm gạo lứt rong biển, các loại bánh quy, tinh bột nghệ, bánh cốm, bánh gạo mè quê, ngũ cốc, muối đậu sả… Tại tuần lễ kết nối, đã có 47 biên bản ghi nhớ, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa các nhà sản xuất, cung cấp và các nhà phân phối, tiêu thụ được ký kết.
Bên cạnh đó, cùng với việc tiếp tục phát triển, nhân rộng điểm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng tại các điểm di tích, du lịch trên địa bàn toàn tỉnh, năm 2021, Sở Công thương đã hỗ trợ Công ty TNHH Nhiên Thảo tổ chức cửa hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng và OCOP của tỉnh tại thành phố Đông Hà. Điểm trưng bày nhằm hỗ trợ kết nối, tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh; giúp các DN, HTX và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quảng bá, trưng bày giới thiệu sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua đó, đã góp phần giúp các DN tiếp cận, tìm hiểu thị trường, nhu cầu, tâm lý mua sắm, giá cả hàng hóa để từng bước xây dựng kênh phân phối, mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng.
Cùng với việc chỉ đạo, hướng dẫn DN trong sản xuất, kinh doanh, Sở Công thương đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là công tác đấu chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng an toàn, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển; tạo niềm tin, uy tín và khuyến khích người dân trên địa bàn tỉnh tiêu dùng hàng Việt Nam.
Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Hữu Hưng cho biết, để tiếp tục triển khai hiệu quả CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian tới, Sở Công thương sẽ đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động để các cấp, các ngành, cộng đồng DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân hiểu rõ vai trò, ý nghĩa và nội dung của CVĐ. Thông qua nguồn vốn khuyến công, xúc tiến thương mại hỗ trợ các DN đổi mới máy móc thiết bị, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, hàng địa phương trên thị trường.
Tổ chức và vận động các DN tham gia hội chợ với chủ đề “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, khuyến khích các DN, nhà phân phối ưu tiên bán hàng hóa Việt Nam sản xuất, đưa hàng hóa Việt Nam về thị trường nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa thông qua hệ thống bán lẻ phân phối hàng tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thực hiện xây dựng các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và hỗ trợ, kết nối sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh vào các siêu thị, chuỗi bán lẻ.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các ngành, lực lượng liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ hoạt động khuyến mãi nhằm bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước, tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho hàng Việt Nam trên thị trường.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)