Tại kỳ họp thứ 4, HĐND huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) khóa VI đã thông qua Đề án Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2025 với tổng kinh phí thực hiện gần 13,9 tỉ đồng. Tập trung nguồn lực cùng với định hướng nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ, Vĩnh Linh tiếp tục tạo điều kiện phát triển khoa học công nghệ đối với tất cả các lĩnh vực, ngành nghề để tăng trưởng toàn diện và bền vững, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn luôn được Vĩnh Linh xác định ưu tiên hàng đầu. Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Vĩnh Linh Lê Anh Minh thông tin, từ năm 2014 đến nay có 10 đề tài, dự án về nông, lâm, ngư nghiệp được Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ huyện Vĩnh Linh tư vấn tuyển chọn, xét chọn với tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện khoảng 400 triệu đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ hằng năm. 75% - 80% đề tài nghiên cứu ứng dụng thành công được nhân rộng vào thực tế sản xuất.
Tiêu biểu như các dự án: Chăn nuôi gà ri lai an toàn sinh học tại thôn Lai Bình, xã Vĩnh Chấp; ứng dụng công nghệ trồng ném (hành tăm) trên lưới xăngtylen tại xã Kim Thạch; trồng thử nghiệm cây dừa xiêm lùn trên cát tại xã Vĩnh Thái và dự kiến hỗ trợ cho Dự án Ứng dụng công nghệ tưới phun sương trong trồng và chăm sóc cây có múi trên địa bàn thôn Tân Thủy, xã Vĩnh Thủy... Huyện Vĩnh Linh cũng đã lựa chọn và nhân rộng 6 dự án gồm 4 dự án nuôi tôm 2 giai đoạn nhằm hạn chế dịch bệnh; nuôi cá nước ngọt- cá lóc đồng thuần chủng (cá lóc đầu nhím); xây dựng nhà màng ứng dụng công nghệ cao sản xuất nấm dược liệu với tổng kinh phí trên 2,3 tỉ đồng, trong đó hộ nông dân đầu tư hơn 2 tỉ đồng và nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng.
Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng nhiều thương hiệu và nhãn mác tập thể, cá nhân cho các sản phẩm của địa phương. Hiện Vĩnh Linh có 10 nhãn hiệu tập thể được công nhận: Ném Vĩnh Linh, đậu xanh Vĩnh Giang, tiêu Vĩnh Linh, dưa hấu Vĩnh Tú, lạc Vĩnh Linh, khoai môn Vĩnh Linh, tinh bột sắn dây Vĩnh Linh, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ Vĩnh Thuỷ, nước mắm Cửa Tùng; 2 nhãn hiệu thông thường là Rau thủy canh công nghệ cao Anlame Food và Gà đồi Quang Huy.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ làm tăng tính ổn định, giảm dần tính phụ thuộc vào thời tiết trong sản xuất nông nghiệp; nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác. Từ đó tác động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo thêm nhiều ngành nghề mới. Vĩnh Linh hình thành ngày càng nhiều các mô hình kinh tế, những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, khai thác tiềm năng đất đai và lợi thế vùng mang lại giá trị, khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Từ cánh đồng mẫu lớn với diện tích trên 800 ha tại 26 đơn vị HTX; vùng sản xuất cây công nghiệp lâu năm với trên 6.580 ha cao su, 1.300 ha hồ tiêu đến vùng sản xuất rau theo phương pháp thủy canh trên 1.300 m2. Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng lên hơn 760 ha. Toàn huyện thành lập 46 trang trại sản xuất nông, lâm, thủy sản đã được cấp phép đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Ứng dụng khoa học công nghệ ở huyện Vĩnh Linh cũng phát huy hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực khác. Về y tế, trang thiết bị, cơ sở vật chất ngày càng được đồng bộ, hiện đại phục vụ tốt hoạt động chuyên môn và quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; tiếp cận chuyển đổi một số loại vắc xin thế hệ mới như viêm não Nhật Bản, viêm gan siêu vi B, bệnh dại; ứng dụng kỹ thuật chuyên sâu như phẫu thuật nội soi sỏi túi mật, phẫu thuật nội soi trong thủng tạng rỗng, soi âm tim, phẫu thuật lấy sỏi niệu quản…
Về giáo dục, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy đã mang lại hiệu quả cao; xây dựng, duy trì cổng thông tin điện tử ngành giáo dục nhằm đảm bảo chuyển tải thông tin hai chiều thông suốt giữa cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục với các trường học; hình thành, khai thác và sử dụng có hiệu quả kho bài giảng E-Learning và kho học liệu đáp ứng nhu cầu tự học của học sinh và đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy học của giáo viên. Trong phục vụ cải cách hành chính, Vĩnh Linh chú trọng rà soát, sửa đổi, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2015 thay thế tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2008. Đến nay trên địa bàn huyện đã có trên 260 thủ tục hành chính được áp dụng tại hơn 12 phòng, ban thuộc 30 lĩnh vực của đời sống xã hội. Cũng nhờ ứng dụng công nghệ sinh học, đưa vào sử dụng nhiều loại chế phẩm sinh vật, công nghệ vi sinh vật bám để xử lý nước thải bệnh viện, chất thải sản xuất cũng như triển khai công nghệ khí sinh học bằng các mô hình hầm khí biogas, năng lượng tái tạo phục vụ vùng nông thôn… đã góp phần bảo vệ môi trường.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Thái Văn Thành cho biết, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Vĩnh Linh xác định: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế- xã hội” là lĩnh vực đột phá. Theo đó huyện tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ. Triển khai hiệu quả Kế hoạch số 190-KH/TU ngày 12/8/2020 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tranh thủ vốn đầu tư, lồng ghép, huy động nguồn lực định hướng phát triển khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, phát triển và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa công nghệ truyền thống. Đi sâu nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển “6 cây, 2 con” chủ lực theo chỉ đạo của tỉnh. Thực hiện hiệu quả nghị quyết về chính sách hỗ trợ ứng dụng và nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017- 2025, ưu tiên hoàn thiện những kết quả khoa học và công nghệ có khả năng thương mại hóa. Đặc biệt, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Củng cố các tổ chức có nhiệm vụ chuyển hóa kết quả nghiên cứu, làm cầu nối giữa khoa học với sản xuất; xây dựng cơ chế phối hợp trong mạng lưới khuyến công, khuyến nông và các tổ chức khoa học và công nghệ khác.
Tuyên truyền, phổ biến tiến bộ khoa học và công nghệ, đề tài ứng dụng được chứng minh tính khả thi đến cơ sở và người sản xuất để tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa các khâu nghiên cứu, thực nghiệm, sản xuất, chế biến và thương mại hóa sản phẩm. Vĩnh Linh đặt mục tiêu đến năm 2025, xây dựng và hỗ trợ thực hiện tối thiểu 1 dự án ứng dụng công nghệ mới; 5 dự án trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ, chế biến hàng hóa nông, lâm, thủy sản; 5 dự án phục vụ phát triển nông nghiệp; 5 dự án trong công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Giá trị tăng thêm bình quân hằng năm sản xuất nông, lâm, thủy sản 4,5- 5%; công nghiệp- xây dựng 17- 18%; thương mại- dịch vụ 18- 19%. Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực văn hóa, đảm bảo có trên 90% hộ gia đình, 95% làng, thôn, khóm; 98% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa với chất lượng cao hơn…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)