Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở địa phương. Đặc biệt, trước tình hình diễn biến của COVID- 19 thì việc ứng dụng công nghệ thông tin càng được ngành Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Linh đẩy mạnh. Theo đó, ngay từ đầu năm học, các trường học chủ động rà soát, kiểm tra thiết bị công nghệ thông tin, đồng thời tổ chức chuyên đề dạy trực tuyến để rút kinh nghiệm triển khai khi có yêu cầu của cấp trên.
Cô giáo Trần Thị Oanh, Trường Tiểu học Vĩnh Thủy tham gia chuyên đề dạy trực tuyến chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để dạy học là một trong những giải pháp tối ưu nhất trong điều kiện dịch bệnh xảy ra. Trong quá trình dạy học, học sinh cơ bản sử dụng tốt các ứng dụng CNTT để học. Sau khi tham gia chuyên đề dạy trực tuyến, ban giám hiệu và giáo viên của trường cùng nhau trao đổi, hoàn thiện phương pháp để giáo viên toàn trường triển khai dạy học trực tuyến khi có yêu cầu khỏi bị lúng túng ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Vĩnh Linh Lê Thanh Hải cho biết, thời gian qua, Phòng GD&ĐT huyện tích cực triển khai thực hiện ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học. Theo đó, phòng và nhà trường chủ động khai thác, tìm nguồn lực để trang bị thiết bị, phần mềm như máy vi tính, đèn projector, tivi thông minh, máy in, thiết bị kết nối internet và các phần mềm phục vụ cho công tác quản lý và dạy học. Toàn ngành đã quản lý, điều hành, truyền thông qua Cổng thông tin điện tử của Phòng GD&ĐT. Tất cả các đơn vị trường học đã đầu tư, trang bị hệ thống kết nối wifi và các thiết bị khác phục vụ công tác quản lý và dạy học. Năm 2021, Phòng GD&ĐT được UBND huyện đầu tư hệ thống phòng hội nghị, tập huấn trực tuyến kết nối đến tất cả các cụm trường trên địa bàn huyện.
Cùng với việc đầu tư hạ tầng nền tảng số, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ ứng dụng CNTT, Phòng GD&ĐT thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ tin học cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành theo từng đợt, từng cấp học, từng nội dung. Đến nay, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức tin học đảm bảo ứng dụng tốt CNTT trong quản lý và dạy học.
Để sử dụng có hiệu quả CNTT, Phòng GD&ĐT thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn và yêu cầu các đơn vị trường học sử dụng, khai thác các trang thiết bị, hệ thống phần mềm hiện có để áp dụng trong công tác quản lý. Do đó, các trường học đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý các văn bản thống nhất qua hệ thống điều hành văn bản của UBND huyện, qua hộp thư công vụ của đơn vị, sử dụng hệ thống quản lý trường học smas.edu, vnedu.vn trong việc quản lý hồ sơ trường, lớp (danh sách học sinh theo lớp, số điểm các loại, sổ liên lạc điện tử, lịch báo giảng, thời khóa biểu...). Đồng thời sử dụng, khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, hệ thống thông tin phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trong việc quản lý, thống kê, báo cáo số liệu về cơ sở vật chất, phòng học, lớp học, cán bộ, giáo viên. Yêu cầu các trường học sử dụng, khai thác thống nhất hệ thống phần mềm do Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT, UBND huyện quy định để phục vụ quản lý và dạy học. Khuyến khích các trường học chủ động ứng dụng CNTT trong việc quản lý hồ sơ, sổ sách một cách khoa học.
Nhờ triển khai ứng dụng tốt CNTT trong dạy học nên những năm học qua giáo viên tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Hầu hết giáo viên sử dụng thành thạo các phần mềm hỗ trợ thiết kế bài giảng điện tử, phần mềm hỗ trợ chuyên môn như Powerpoint, Trí Việt Elearning, Geometer’s Sketchpad, Geogebra (hỗ trợ dạy hình học), Working Model (hỗ trợ dạy Vật lý), Chemix school (hỗ trợ dạy Hóa học), Netop school (hỗ trợ quản lý phòng thực hành tin học). Các hình thức ứng dụng CNTT trong dạy học được nhiều giáo viên sử dụng đó là thiết kế các slide thay bảng phụ, các slide hình ảnh minh họa, các video tư liệu, các thí nghiệm ảo, mô phỏng hình học, hình động, các trò chơi sinh động, các bài kiểm tra trắc nghiệm.
Đặc biệt, từ năm học 2019 - 2020, các trường phổ thông chủ động triển khai dạy học trực tuyến trong tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp. Mỗi năm học, toàn ngành có hơn 3.000 tiết dạy có sử dụng CNTT để hỗ trợ việc dạy và học. Hiện tại, hầu hết các trường có đủ điều kiện để tổ chức ứng dụng CNTT trong cả 5 tiết/buổi/ lớp. Ngoài việc sử dụng CNTT để hỗ trợ trực tiếp trong từng tiết dạy, nhiều giáo viên còn sử dụng CNTT để hướng dẫn học sinh học ở nhà, học trực tuyến đạt hiệu quả cao.
Về những khó khăn, hạn chế, ông Lê Thanh Hải chia sẻ, do cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho việc ứng dụng CNTT tại một số trường còn thiếu, chưa hiện đại, chưa theo kịp với sự phát triển của ngành CNTT trong giai đoạn hiện nay. Việc cập nhật các kỹ năng tin học, kỹ năng sử dụng thiết bị, phần mềm mới đối với một số cán bộ, giáo viên vẫn còn hạn chế. Hệ thống phần mềm quản lý chưa thống nhất, cùng một nội dung quản lý nhưng còn có nhiều phần mềm đảm nhiệm. Thiếu đội ngũ chuyên trách phụ trách CNTT nên nhiều trường gặp khó khăn trong việc triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý. Do đó, trong thời gian tới, Phòng GD&ĐT tiếp tục đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao việc sử dụng, khai thác trang thiết bị, phần mềm trong việc quản lý và dạy học. Huy động nguồn lực để đầu tư thiết bị, phần mềm hiện đại, cần thiết để phục vụ tốt cho việc ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học. Khuyến khích cán bộ, giáo viên, nhân viên chủ động trang bị, cập nhật kỹ năng, kiến thức CNTT để sử dụng thành thạo, hiệu quả trong dạy học.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)