Triển khai dạy học trực tiếp với những vùng kiểm soát dịch tốt

Tú Linh |

Năm học mới 2021-2022 được bắt đầu vào thời điểm COVID-19 có nhiều diễn biến khó lường. Trước tình hình đó, phóng viên Báo Quảng Trị đã phỏng vấn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị LÊ THỊ HƯƠNG để rõ hơn về kế hoạch dạy, học trong năm học mới.

- Thưa bà! Đề nghị bà cho biết trước tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, ngành giáo dục chuẩn bị kế hoạch khai giảng năm học mới như thế nào?

- Sở GD&ĐT đã căn cứ Chỉ thị số 800/CTBGDĐT ngày 24/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 ứng phó với COVID-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo; Quyết định số 2105/QĐ-UBND ngày 11/8/2021 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021- 2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên... để hướng dẫn các đơn vị, trường học triển khai một số hoạt động đầu năm học, ngày tựu trường và tổ chức lễ khai giảng năm học 2021 - 2022.

 

Công tác chuẩn bị cho năm học mới đã sẵn sàng, tuy nhiên tình hình dịch bệnh lại có diễn biến phức tạp trong khu vực, trên địa bàn của tỉnh, đặc biệt mới đây xuất hiện các ca COVID-19 cộng đồng tại thành phố Đông Hà. Từ 17 giờ ngày 29/8/2021, thành phố Đông Hà áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch trên địa bàn. Trước tình hình này, sở chỉ đạo các trường học trong toàn tỉnh bắt đầu năm học mới từ ngày 6/9/2021.

Tại thành phố Đông Hà, các trường không tập trung học sinh các cấp, không tổ chức khai giảng, chuyển sang dạy học trực tuyến. Riêng với các huyện, thị khác, nhà trường tổ chức khai giảng tại lớp vào ngày 6/9/2021. Ở tiết học đầu tiên, giáo viên chủ nhiệm đọc thư chúc mừng của Chủ tịch nước gửi thầy cô giáo và học sinh nhân năm học mới. Sau đó, các em được học tiết học về phòng, chống COVID-19. Các tiết học tiếp theo được tổ chức theo lịch của nhà trường.

Tuy nhiên, các địa phương cần tùy vào tình hình dịch bệnh để tổ chức đánh giá mức độ an toàn và quyết định học trực tiếp hoặc trực tuyến theo kế hoạch phù hợp cho các cấp. Đối với học sinh cấp tiểu học, có thể kết hợp tổ chức 2 buổi học trực tuyến và trực tiếp/ngày. Đặc biệt chú ý quan tâm đến các bếp bán trú trong nhà trường để tổ chức bữa ăn an toàn. Với các giáo viên ở thành phố Đông Hà dạy học tại các huyện, thị xã trên địa bàn, nhà trường cần đánh giá đến mức độ an toàn.

Nếu giáo viên sinh sống trong khu vực đang phong tỏa ở thành phố Đông Hà thì cần phải thực hiện biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Các cơ sở giáo dục chủ động phương án dạy học và kế hoạch giáo dục phòng, chống COVID- 19 cho học sinh trong nhà trường; chú ý tận dụng “thời gian vàng” để triển khai hoạt động dạy học trực tiếp và hoạt động giáo dục khác hiệu quả, đúng tiến độ năm học.

Về phương án dạy học của năm, đối với giáo dục mầm non, tổ chức dạy trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát tốt. Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì không tổ chức dạy học; hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà với hình thức phù hợp.

Đối với giáo dục phổ thông, nếu diễn biến của COVID-19 được kiểm soát tốt, đề nghị các đơn vị tận dụng “thời gian vàng” để tổ chức các hoạt động giáo dục tại nhà trường, trong đó tập trung cho công tác dạy học. Khi COVID-19 phát sinh, với những vùng được kiểm soát tốt, cần tận dụng “thời gian vàng” triển khai dạy học trực tiếp. Những vùng có ca dương tính (đã cách ly, có nguy cơ), chuyển sang dạy học trực tuyến kết hợp với xây dựng các chuyên đề học tập hỗ trợ học sinh không có điều kiện về công nghệ thông tin.

Tóm lại, tùy thuộc vào tình hình thực tế, nếu COVID-19 diễn biến phức tạp trên diện rộng, các cơ sở giáo dục trên địa bàn sẽ chuyển sang dạy trực tuyến. Nhà trường tiến hành rà soát, nắm chắc số lượng học sinh không có đủ điều kiện học tập trực tuyến, chỉ đạo các tổ/nhóm chuyên môn xây dựng các chuyên đề học tập, phối hợp với phụ huynh, cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn để giao bài, hướng dẫn các em học tập tại nhà.

- Một số trường học được trưng dụng làm điểm cách ly tập trung thời gian qua, điều này gây tâm lý lo lắng cho phụ huynh. Bà có thể thông tin cụ thể về vấn đề này?

- Trước đó, các trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh và hai huyện Đakrông, Hướng Hóa… được trưng dụng làm các khu cách ly tập trung nhưng đã được trả lại trước khi vào năm học mới. Vì vậy, ngành giáo dục đã có kế hoạch cụ thể để tổ chức khử khuẩn ở các trường học này, kiểm tra các khu vệ sinh, các điểm hư hỏng nhằm kịp thời khắc phục, đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ dạy học.

- Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, để đảm bảo cho việc dạy và học, nhiều nay giáo viên và học sinh có nguyện vọng được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

- Tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020- 2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 vừa diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị Bộ GD&ĐT tính toán nhu cầu, phối hợp với Bộ Y tế để có thể tiêm vắc xin sớm nhất cho học sinh và tiếp tục tiêm cho giáo viên. Nếu tiêm đủ hai mũi kèm theo thực hiện tốt các biện pháp chống dịch được cơ quan chuyên môn khuyến cáo thì việc dạy và học trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp được an toàn hơn. Vì vậy, ngành cũng mong muốn tỉnh tạo điều kiện ưu tiên cho giáo viên và học sinh trong việc tiêm vắc xin phòng COVID-19.

-Năm học 2020-2021 có nhiều biến động do ảnh hưởng của thiên tai và COVID-19, tuy nhiên, ngành đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên mọi mặt, xin bà cho biết cơ bản về các kết quả đó?

- Vượt lên những thử thách của thiên tai, dịch bệnh, năm học 2020- 2021, ngành GD&ĐT đã đạt những kết quả quan trọng, tạo tiền đề vững chắc cho hành trình phát triển phía trước. Chất lượng giáo dục đại trà được duy trì ổn định, chất lượng mũi nhọn được giữ vững. Kỷ cương, nền nếp được quán triệt, tăng cường có hiệu quả; vai trò người đứng đầu luôn được đề cao.

Công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, đặc biệt đối với lớp 1 với tinh thần chủ động, đúng tiến độ, bước đầu đạt nhiều kết quả. Sở GD&ĐT tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 2, lớp 6 theo đúng lộ trình. Tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trên địa bàn tỉnh an toàn, nghiêm túc.

Nét nổi bật nữa là công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD&ĐT luôn được tăng cường. Công tác truyền thông trong ngành có nhiều đổi mới, tạo sự lan tỏa và quan tâm của xã hội, nhất là trong việc chung tay hỗ trợ, sẻ chia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh về công tác khắc phục mưa lũ đối với ngành giáo dục. Kết thúc năm học 2020-2021, ngành GD&ĐT đã đạt 3/3 chỉ tiêu cơ bản của tỉnh. Chỉ số cải cách hành chính toàn ngành đạt 91,31/100 điểm, xếp vị trí thứ 2/20 sở, ngành; chỉ số hoàn thành nhiệm vụ toàn ngành đạt 326,7 điểm, đứng thứ 1/20 sở, ngành, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

- Mỗi năm học ngành GD&ĐT thực hiện một chủ đề, vậy chủ đề trọng tâm của năm học mới 2021-2022 là gì, thưa bà?

- Chủ đề năm học 2021-2022 có thông điệp: “Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục”. Nhằm thực hiện tốt chủ đề năm học mới, ngành quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về GD&ĐT. Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về GD&ĐT; đổi mới công tác quản lý; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị của ngành.

Một giờ lên lớp của giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, thị xã Quảng Trị -Ảnh: TÚ LINH
Một giờ lên lớp của giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, thị xã Quảng Trị -Ảnh: TÚ LINH

Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Tăng cường an ninh, an toàn trường học; chú trọng công tác giáo dục thể chất, y tế trường học. Xây dựng “Trường học hạnh phúc”, ứng xử văn hóa học đường và môi trường giáo dục nhà trường lành mạnh. Chú trọng hơn nữa giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.

Tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6; chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu chương trình mới (lớp 3, lớp 7, lớp 10 và các lớp tiếp theo).

Tiếp tục thực hiện tốt việc đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và phương thức thi, kiểm tra, đánh giá, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng và hiệu quả giáo dục. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục thực chất ở các cấp học, bậc học, công tác bồi dưỡng, ôn tập để nâng cao chất lượng học tập; tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa; khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục.

Củng cố, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Chú trọng hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục; giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông.

- Xin cảm ơn bà!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Quảng Bình lùi thời gian tổ chức dạy học vì dịch COVID-19

PV |

Ngày 3/9, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn cho cán bộ, giáo viên và các em học sinh, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã quyết định điều chỉnh thời gian tổ chức dạy học phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Không có điều kiện học trực tuyến, dạy học ở miền núi Quảng Trị như thế nào

Hưng Thơ |

Tỉnh Quảng Trị có 2 huyện miền núi là Hướng Hóa và Đakrông với phần đông là học sinh người đồng bào thiểu số. Nếu tình hình dịch COVID-19 phức tạp, không dạy học trực tiếp được thì việc dạy và học của giáo viên, học sinh sẽ rất khó khăn.

Ưu tiên dạy học trực tuyến đối với các nội dung mang tính lí thuyết

PV |

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022.

Ngành Giáo dục xác định dạy học trực tuyến đã trở thành việc lâu dài

Thanh Mai |

2 năm ngành Giáo dục ứng phó với dịch bệnh vừa qua, hình thức dạy học trực tuyến đã trở thành một phần quan trọng trong triển khai kế hoạch năm học.