Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), từ năm 2019 đến 2021, tỉnh Quảng Trị xây dựng được 91 sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao. Thời gian qua, các chủ thể OCOP đã nỗ lực nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì và tìm giải pháp đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm được bày bán còn khá hạn chế.
Cơ sở sản xuất chế biến nông sản sạch Trần Lan (Triệu Phong) do chị Trần Thị Lan làm chủ hiện sản xuất, chế biến và kinh doanh 12 sản phẩm làm từ nông sản sạch, trong đó có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP bao gồm: bánh cốm gạo lứt, bột gừng sấy lạnh và ngũ cốc cao cấp.
Ngoài việc tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ở các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, hiện có 5 mặt hàng nông sản của cơ sở được trưng bày ở các cửa hàng nhỏ, hệ thống bán sản phẩm của Bưu điện tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, riêng đối với hệ thống siêu thị Co.opmart - Đông Hà, sau 5 năm kết nối và làm hồ sơ, đến nay sản phẩm nông sản của cơ sở Trần Lan vẫn còn thiếu một số tiêu chí để vào được gian hàng tại siêu thị này.
Chị Trần Thị Lan, chủ Cơ sở sản xuất chế biến nông sản sạch Trần Lan cho biết: “ Khó khăn của cơ sở trong việc kết nối đưa sản phẩm vào tiêu thụ ở siêu thị là phải hoàn thiện yêu cầu về mẫu mã, chất lượng, kiểm định sản phẩm và đặc biệt là hoàn thiện dây chuyền sản xuất đảm bảo về mặt số lượng sản phẩm cung ứng.
Năm nay chúng tôi đang nỗ lực để hoàn thiện các tiêu chí này với mong muốn sẽ đáp ứng yêu cầu để sản phẩm nông sản của cơ sở, nhất là các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP cấp tỉnh được đưa vào tiêu thụ ở siêu thị Co.opmart - Đông Hà cũng như phân phối rộng rãi ra các chuỗi cửa hàng bán lẻ ở các tỉnh, thành phố trong cả nước”.
Theo đại diện siêu thị Co.opmart - Đông Hà, mới chỉ có khoảng 20 sản phẩm OCOP của địa phương được đưa vào tiêu thụ tại siêu thị, gồm các mặt hàng như tinh bột nghệ, cà phê, dầu đậu phụng, bơ đậu phụng, dầu mè, tinh dầu... Nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ nông sản địa phương lên kệ siêu thị còn hạn chế như hiện nay là do chưa đáp ứng các yêu cầu đối với hợp đồng cung ứng hàng hóa vào siêu thị.
Theo đó, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, tem nhãn được chứng nhận bởi các cơ quan chức năng có thẩm quyền, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn phải đảm bảo lượng hàng hóa ổn định và chấp thuận các điều khoản thanh toán đặt ra như mức chiết khấu, phương thức thanh toán (thường áp dụng nhập lô sau trả lô trước) và tham gia vào chuỗi các sự kiện khuyến mại, giảm giá theo chiến lược kinh doanh của siêu thị.
Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đông Hà Hồ Thị Thanh Duyên cho biết: “Siêu thị có bộ phận quản lý chất lượng thường xuyên kiểm tra bao bì, nhãn mác, hợp đồng cung ứng hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm... được đưa vào bày bán tại siêu thị. Thực tế, một số cơ sở sản xuất chưa nắm được quy định khi đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại siêu thị, do đó chưa đáp ứng yêu cầu. Ví dụ như quy định trên nhãn mác sản phẩm ghi hạn sử dụng 12 tháng thì phải có hồ sơ chứng nhận cụ thể chứ không thể ghi ước lượng tùy tiện...
Chúng tôi cũng đã phối hợp đơn vị chức năng hướng dẫn các chủ thể sản xuất tuân thủ đúng các quy định để có thể phân phối nhiều hơn sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, góp phần đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng”.
Bên cạnh đó, trong chuỗi sản phẩm OCOP vẫn còn một số sản phẩm chất lượng chưa cao, chưa phát huy hết tiềm năng, số lượng sản xuất ít, chưa có nhãn mác thương hiệu, chủ yếu xuất bán dưới dạng sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp. Việc xúc tiến thương mại còn gặp nhiều khó khăn do chưa có giải pháp phát triển thương hiệu và đầu ra ổn định cho hàng OCOP.
Để các sản phẩm OCOP của tỉnh nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường và được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị, tỉnh đang đẩy mạnh và tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Từ nguồn vốn khuyến công và xúc tiến thương mại, Sở Công thương đã tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất. Đào tạo lao động lành nghề, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm... nhằm phát huy những tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi hơn để thu hút đầu tư phát triển.
Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP mở rộng các kênh tiêu thụ sản phẩm, Sở Công thương cũng đang tích cực triển khai việc kết nối, hỗ trợ để các loại nông sản của tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng của các siêu thị. Tư vấn, hỗ trợ hệ thống kỹ thuật tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tổ chức cho các chủ thể OCOP tham gia hội chợ triển lãm, hội nghị, hội thảo trong và tỉnh. Cùng với đó, khuyến khích các chủ thể có sản phẩm OCOP hoàn thiện những yêu cầu cần thiết (như tem truy xuất nguồn gốc, mẫu mã, bao bì sản phẩm...) để khi đưa vào hệ thống siêu thị sẽ thu hút được người tiêu dùng.
Thời gian tới, ngành công thương sẽ tiếp tục phối hợp với đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến cũng như công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nắm rõ hơn các quy định, chính sách có liên quan của nhà nước, các điều kiện, quy trình để đưa một sản phẩm vào tiêu thụ tại siêu thị. Tạo điều kiện để các chủ thể sản xuất OCOP tham khảo, học hỏi kinh nghiệm các doanh nghiệp đi trước và được gặp gỡ, kết nối giao thương với nhau, góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm.
Về phía các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm và đảm bảo tiêu chí bảo vệ môi trường. Đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm mạnh có lợi thế cạnh tranh của tỉnh để khai thác các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới. Từng bước xây dựng mối quan hệ giữa doanh nghiệp sản xuất chế biến với vùng cung cấp nguyên liệu và các nhà phân phối, tiêu thụ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)