Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đã chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu gắn với các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao mang đặc trưng, lợi thế, thương hiệu của từng địa phương, góp phần mở ra cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.
Năm 2018, HTX hương trầm Tâm Phát, xã Hải Thái, huyện Gio Linh (Quảng Trị) bắt đầu trồng thí điểm cây hương bài xen canh trong vườn cao su do 9 hộ dân nhận khoán từ Công ty Cao su Quảng Trị với diện tích gần 2 ha. Qua 4 năm triển khai mô hình, đến nay, diện tích cây hương bài được mở rộng lên gần 18 ha xen canh vườn cao su cộng thêm 2 ha tại khu vực đất nông nghiệp của xã.
Từ chỗ phải nhập nguyên liệu sản xuất hương từ các tỉnh miền Bắc, HTX hương trầm Tâm Phát trở thành HTX đầu tiên tại Quảng Trị trồng và cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều cơ sở sản xuất hương trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố khác trong khu vực miền Trung.
Giám đốc HTX hương trầm Tâm Phát Trần Xuân Tý cho biết: “Qua thời gian trồng thử nghiệm cho thấy cây hương bài phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương. Bình quân một héc ta cho thu hoạch từ 17 - 20 tấn nguyên liệu tươi, từ 3 tấn nguyên liệu tươi thì cho 1 tấn bột hương bài. Hiện tại, bột hương bài xuất bán cho đại lý thu mua có giá 40.000 đồng/kg. Việc chủ động trồng cây hương bài của HTX vừa đảm bảo nguyên liệu phục vụ sản xuất, đồng thời cung ứng nguyên liệu cho thị trường các tỉnh lân cận”.
Ngoài chủ động nguồn nguyên liệu, HTX hương trầm Tâm Phát đã đầu tư thêm thiết bị, máy móc để hoàn thiện các khâu sản xuất. HTX cũng được chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ cơ chế chính sách về quỹ đất, đồng thời được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ xây dựng chứng nhận thương hiệu, thiết kế nhãn mác và hình thành chỉ dẫn địa lý, hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP cho địa phương từ mô hình cây hương bài.
Trên địa bàn huyện Cam Lộ hiện có trên 150 ha cây dược liệu các loại như chè vằng, cà gai leo, an xoa, nghệ, ba kích tím, hương bài, hà thủ ô đỏ, đinh lăng..., đáp ứng nhu cầu sản xuất, trong đó có nhiều sản phẩm đã được chứng nhận OCOP. Diện tích cây dược liệu tập trung ở các xã Cam Tuyền, Cam Thành, Cam Chính, Cam Nghĩa. Ngoài ra, huyện Cam Lộ cũng xây dựng vùng chuyên canh cây dược liệu có quy mô 200 ha để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề vàdoanh nghiệpchế biến cao dược liệu trên địa bàn.
Về lâu dài, địa phương quy hoạch khoảng 1.000 ha để trồng cây dược liệu và một số cây khác. Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết: “Để tạo điều kiện cho nông dân phát triển cây dược liệu, tại các vùng sản xuất, huyện đã đầu tư cơ sở hạ tầng, đường điện để phục vụ tưới nước và đường giao thông để vận chuyển. Đồng thời chủ động mời gọi các doanh nghiệp liên doanh, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm”.
Dù chưa triển khai rộng rãi, song nhiều địa phương đã quan tâm việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, hướng tới sản xuất theo hướng an toàn sinh học, sản xuất hữu cơ nhằm thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm OCOP, đồng thời xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc thù địa phương.
Theo kế hoạch chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2022 - 2025, đến cuối năm 2025 toàn tỉnh có ít nhất 100 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 2 - 3 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, 1 - 2 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
Một trong những tiêu chí hàng đầu của các sản phẩm OCOP là phải mang đậm nét đặc trưng của địa phương gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo nguồn cung sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Bên cạnh đó, các chủ thể cần tăng cường đầu tư công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến và bảo quản các sản phẩm OCOP đạt chất lượng cao.
Đối với những sản phẩm đặc thù địa phương, việc xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với OCOP cần được quan tâm đầu tư với mục tiêu kiểm soát vùng nguyên liệu tại chỗ, tạo nền tảng để nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Nhằm nâng cao giá trị sản xuất của các sản phẩm OCOP, việc hình thành vùng nguyên liệu sẽ giúp cho các doanh nghiệp, HTX chủ động trong kế hoạch sản xuất và kiểm soát được nguồn nguyên liệu về thời gian, số lượng và chất lượng của sản phẩm.
Để từng bước hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn và ổn định, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi chủ lực sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, khuyến khích phát triển các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương sản xuất theo hướng hàng hóa... Đồng thời tập trung chỉ đạo các địa phương phát triển các sản phẩm mới trên cơ sở lợi thế vùng nguyên liệu và khôi phục, phát huy các làng nghề, nghề truyền thống, ứng dụng những giải pháp về khoa học công nghệ, chuyển đổi số để phát triển và kiểm soát chất lượng các vùng nguyên liệu của sản phẩm OCOP.
Cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các chủ thể sản xuất thì những chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP và phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành sẽ là yếu tố quan trọng để các chủ thể phát triển thêm các sản phẩm OCOP chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn vươn ra thị trường lớn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)