Dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp

Lê An |

Thời gian qua, do biến động của thời tiết, đặc biệt là nắng nóng gay gắt kèm theo mưa giông đã làm tôm nuôi ở nhiều diện tích trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bị bệnh và chết. 

Đáng lưu ý là với tốc độ lây lan nhanh, thiếu hóa chất dập dịch nên nếu các hộ nuôi tôm không tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thì dịch bệnh rất dễ bùng phát và tiếp tục lây lan ra diện rộng.

Anh Trần Đức Thông ở Hợp tác xã (HTX) Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh cho biết, vụ nuôi năm nay anh thả nuôi hơn 60 vạn con tôm sú giống trên diện tích 1,5 ha với 6 ao nuôi. Thế nhưng chỉ được chưa đầy 15 ngày, toàn bộ tôm nuôi trong ao của anh Thông bắt đầu dạt bờ, bỏ ăn rồi chết hàng loạt, ước tính thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Mối nghi ngờ của anh tập trung chủ yếu vào nguồn nước khi lấy vào ao nuôi bị ô nhiễm.

“Những năm trước tôm nuôi dù có bị dịch bệnh thì cũng phải 30 ngày tôm mới chết và có hộ được hộ mất chứ không chết sớm và đồng loạt như năm nay. Đáng ngại nhất là bây giờ không có hóa chất để xử lý nước trong ao trước khi xả ra bên ngoài để nuôi lại vụ mới”, anh Thông cho hay.

Tôm nuôi chết hàng loạt, phải xử lý lại ao nuôi làm người nuôi tôm ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh gặp rất nhiều khó khăn - Ảnh: L.A
Tôm nuôi chết hàng loạt, phải xử lý lại ao nuôi làm người nuôi tôm ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh gặp rất nhiều khó khăn - Ảnh: L.A

Theo thống kê của HTX Phan Hiền, đến thời điểm này, trong tổng số 78 ha nuôi tôm của HTX đã có hơn 70 ha tôm bị chết. Diện tích còn lại đang được người nuôi tập trung chăm sóc. Theo chia sẻ của các hộ nuôi, nguyên nhân tôm nuôi bị chết đồng loạt có thể do nguồn nước bị ô nhiễm.

Phó Giám đốc HTX Phan Hiền Trần Văn Dụng cho biết, vụ nuôi tôm năm nay hầu hết các hộ đều chuẩn bị rất kỹ càng. Ao nuôi được phơi đáy liên tục trong 2 - 3 tháng, kết hợp xử lý bằng vôi và hóa chất Chlorine. Tuy nhiên, vào thời điểm lấy nước vào ao nuôi, người dân phát hiện nguồn nước trên sông Bến Hải và sông Sa Lung xuất hiện nước sẫm màu, nổi bọt, có mùi hôi nồng nặc.

Toàn bộ ao nuôi lấy nước vào thời điểm này, sau khi thả giống tôm nuôi đều bị chết rất nhanh, chỉ trong vòng 15 - 20 ngày. Anh Dụng dẫn chứng, những diện tích hiện đang còn lại của HTX đều nằm xa nguồn nước sông nên phải sử dụng nước giếng khoan kết hợp pha thêm muối hạt tạo độ mặn để thả nuôi theo đúng thời vụ. Hay với ao nuôi của anh nhờ sử dụng nguồn nước hồi quy được lắng, lọc theo tiêu chuẩn thì tôm nuôi vẫn phát triển tốt. Trong đó có ao nuôi đã đạt kích cỡ từ 35 - 40 con/kg.

“Thiệt hại thì cũng đã thiệt hại rồi. Bây giờ mong muốn của người nuôi tôm là sớm được hỗ trợ hóa chất Chlorine để xử lý ao nuôi nhằm thả nuôi lại vụ mới”, anh Dụng cho biết thêm.

Xã Vĩnh Sơn là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh với gần 170 ha. Nhưng đến thời điểm này đã có trên 132 ha tôm nuôi bị bệnh, chết. Trong đó, một số ít diện tích người nuôi tôm báo với cơ quan chức năng về lấy mẫu kiểm tra và được xác định là bị dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Còn phần lớn diện tích hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân.

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Hồ Ngọc Quyết thông tin, nguồn nước để nuôi tôm trên địa bàn xã được lấy từ sông Sa Lung và sông Bến Hải. Trước vụ nuôi chính năm nay, sau khi phát hiện nước trên 2 con sông này xuất hiện nước sẫm màu, nổi bọt và có mùi hôi nồng nặc, cá bơi lờ đờ và chết dạt 2 bên bờ sông, chính quyền địa phương đã báo cáo với cơ quan chuyên môn và có khuyến cáo người dân chưa nên thả giống. Tuy nhiên, do nóng vội nên hầu hết các hộ nuôi tôm đều thả giống để kịp thời vụ.

“Đó có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tôm chết như hiện nay”, ông Quyết chia sẻ.

Cũng theo ông Quyết, hiện tại, ngoài một số ít diện tích được xác định bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y hỗ trợ hóa chất Chloril để xử lý dập dịch thì phần lớn diện tích tôm chết còn lại vẫn chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào.

Do vậy, nguyện vọng của người nuôi tôm trên địa bàn xã là trước mắt tỉnh có cơ chế hỗ trợ riêng đối với những diện tích còn lại này với số lượng Chlorine khoảng 52 tấn. Người nuôi sẵn sàng nộp phần đối ứng theo cơ chế của tỉnh để xử lý ao hồ nhằm kịp thời thả nuôi lại vụ mới. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tiếp tục kiểm tra nguồn nước để người dân yên tâm lấy nước vào ao nuôi.

Về lâu dài, cần tăng cường kiểm tra nguồn nước trên sông Sa Lung, nhất là phía đầu nguồn nơi có các nhà máy, trang trại đang hoạt động. Đặc biệt là trong giai đoạn từ tháng 2 - tháng 4 âm lịch, thời điểm người dân tập trung cải tạo và lấy nước vào ao nuôi tôm.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến thời điểm này, tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh đã thả nuôi đạt khoảng trên 900 ha. Tuy nhiên, trong thời gian từ ngày 19/4 - 15/6, do ảnh hưởng của thời tiết diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều đợt nắng nóng gay gắt kèm theo mưa giông dẫn đến môi trường ao nuôi biến động, sức đề kháng của tôm nuôi giảm đã làm cho hơn 244,5 ha tôm nuôi bị bệnh và chết, tập trung chủ yếu ở huyện Vĩnh Linh hơn 156 ha, huyện Triệu Phong hơn 67 ha.

Đáng lưu ý là trong tổng số diện tích hơn 244,5 ha này chỉ có 20,87 ha tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và TP. Đông Hà là người nuôi tôm có báo cáo với cơ quan chuyên môn để lấy mẫu kiểm tra để xác định bệnh. Trong đó, có 6,81 ha đã xác định dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và được cấp hơn 2,5 tấn hóa chất Chlorine để các hộ nuôi xử lý dập dịch. Diện tích còn lại khoảng 14,06 ha đang chờ kết quả xét nghiệm và dự kiến số lượng hóa chất hỗ trợ khoảng 6,4 tấn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hữu Vinh thông tin, do nguồn ngân sách tỉnh hạn hẹp nên số lượng hóa chất để hỗ trợ cho các hộ nuôi tôm bị bệnh trên địa bàn tỉnh năm 2023 chỉ có 9,6 tấn. Hiện tại đã và dự kiến sẽ hỗ trợ hơn 8,9 tấn, còn lại chỉ khoảng 0,7 tấn. Trong khi với diễn biến tình hình trong thời gian tới nắng nóng và mưa giông tiếp tục xảy ra thì nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan là rất lớn.

Do vậy, để chủ động phòng, chống dịch bệnh phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ cho tỉnh khoảng 76 tấn hóa chất Chlorine xử lý dịch bệnh, môi trường nuôi thủy sản từ nguồn dự trữ quốc gia. Đồng thời, chỉ đạo các Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn người nuôi tôm, đặc biệt là những vùng nuôi có hiện tượng tôm chết các biện pháp xử lý ao nuôi. Đối tượng nuôi được khuyến cáo thời điểm này là tôm thẻ chân trắng nhằm kịp thu hoạch trước tháng 10/2023.

“Ngay sau khi có hóa chất, ngành nông nghiệp sẽ tập trung hỗ trợ đối với những hộ nuôi tôm bị bệnh đủ điều kiện để xử lý dập dịch, tránh không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Còn lại sẽ hỗ trợ một phần trong việc xử lý lại ao hồ, môi trường nuôi nhằm giúp người nuôi tôm có thể thả nuôi lại vụ mới”, ông Vinh cho biết thêm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Triển vọng từ mô hình nuôi tôm CPF Combine

Lê An |

Ao nuôi có diện tích 1.200 m2 , thả nuôi 24 vạn con giống tôm thẻ chân trắng, chỉ sau 87 ngày nuôi đã thu hoạch được hơn 7,5 tấn tôm thương phẩm với kích cỡ kỷ lục là 28 con/kg. 

Đưa điện về phục vụ vùng nuôi tôm Bắc Phước

Vân Trang |

Đến bây giờ đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi các công trình điện lưới phục vụ vùng nuôi tôm Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đi vào hoạt động, thế nhưng những hộ nuôi tôm nơi đây vẫn còn lưu giữ vẹn nguyên cảm xúc phấn khởi như ngày đầu khi mới có điện. Với họ, điện đã tạo ra một bước ngoặt góp phần thúc đẩy nghề nuôi tôm ở nơi đây phát triển bền vững, hiệu quả hơn...

Vĩnh Linh: Thử nghiệm mô hình nuôi tôm càng xanh

Nguyễn Trang |

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), hiện nay, đơn vị đang hỗ trợ thử nghiệm mô hình nuôi tôm càng xanh tại xã Vĩnh Sơn. Đây là mô hình nuôi tôm càng xanh đầu tiên có quy mô trên địa bàn huyện.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường nước ở các khu vực ao, hồ nuôi tôm

Phú Hải |

Với bờ biển dài 75 km, tỉnh Quảng Trị có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nước lợ theo mô hình tự nhiên, mô hình công nghiệp nói riêng.