Phát triển đô thị Lìa trở thành trung tâm đầu mối về thương mại dịch vụ của khu vực phía Nam huyện Hướng Hóa; Hình thành trung tâm thương mại giao thương hàng hóa giữa vùng biên giới Trung Lào với tỉnh Quảng Trị qua Cửa khẩu phụ Thanh – Denvilay.
Sở Xây dựng Quảng Trị vừa báo cáo thẩm định đồ án Quy hoạch chung đô thị Lìa, huyện Hướng Hoá đến năm 2045 trình UBND tỉnh Quảng Trị quyết định.
Theo đó, đô thị Lìa có quy mô diện tích 2.836 ha; phía Bắc giáp xã Hướng Lộc, phía Nam giáp xã Xy và xã Thanh, phía Đông giáp xã A Dơi, phía Tây giáp xã Thanh. Dự báo đến năm 2030 khoảng 7.200 người; đến năm 2045 khoảng 14.650 người.
Xây dựng phát triển đô thị đạt tiêu chí đô thị loại V trước năm 2045, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành trung tâm chuyên ngành về kinh tế, văn hóa, du lịch, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Nam huyện Hướng Hóa.
Phát triển đô thị theo hướng thương mại dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, cụ thể như sau:
Về thương mại dịch vụ: Phát triển đô thị Lìa trở thành trung tâm đầu mối về thương mại dịch vụ của khu vực phía Nam huyện Hướng Hóa; Hình thành trung tâm thương mại giao thương hàng hóa giữa vùng biên giới Trung Lào với tỉnh Quảng Trị qua Cửa khẩu phụ Thanh – Denvilay.
Về dịch vụ du lịch: Phát triển du lịch nghỉ dưỡng và các dịch vụ trên cơ sở khai thác không gian cảnh quan tự nhiên của hồ Lìa; Phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với nét văn hóa dân tộc (PaKô, Vân Kiều,..) và cảnh quan thiên nhiên của khu vực; phát triển các trang trại trồng hoa du lịch.
Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Phát triển sản xuất chế biến nông, lâm sản nhằm khai thác lợi thế của vùng phía Nam của huyện Hướng Hóa, như cao su, hồ tiêu, tinh bột săn, cà phê, các sản phẩm từ gỗ.
Về năng lượng tái tạo: Đô thị Lìa nằm ở phía Tây của tỉnh Quảng Trị có điều kiện tự nhiên và vị trí thuận lợi để phát triển năng lượng điện gió, điện mặt trời.
Về nông - lâm nghiệp: Nâng cao chất lượng sản lúa nước nhằm đảm bảo an ninh lương thực; phát triển mô hình trồng cây ăn quả (nhãn, vãi, xoài, chuối,...); trồng các loại cây công nghiệp (cao su, hồ tiêu, cà phê, cây sắn...).
Cửa ngõ đô thị Lìa có 05 vị trí, gồm: Cửa ngõ số 1 nằm trên đường Tỉnh lộ 586 thuộc thôn A Xóc Lìa (khe Ra Tiêng); Cửa ngõ số 2 nằm trên tuyến đường đi trung tâm xã Xy (thôn Lìa cũ); Cửa ngõ số 3 nằm trên đường Tỉnh lộ 586 thuộc thôn A Rông đi xã Thanh; Cửa ngõ số 4 nằm trên tuyến đường đi xã Thanh thuộc thôn A Quan; Cửa ngõ số 5 nằm trên tuyến đường đi xã Thanh thuộc thôn A MôR.
Trục chính đô thị: Trục Tỉnh lộ 586; Tuyến trục chính đô thị 32,0m đi qua trung tâm đô thị mới nối thôn A Xói Hang – A Quan – A MôR; Tuyến trục chính đô thị 26,0m từ thôn Kỳ Tăng đi xã Thanh; Tuyến trục chính đô thị 20,5m nối từ thôn A Máy – A Quan; Tuyến trục chính đô thị 20,5m nối từ thôn A Sóc Lìa đi xã Xy.
Điểm nhấn đô thị: Hồ Lìa; các công trình dịch vụ - công cộng đô thị; khu vực quảng trường đô thị, quảng trường cây xanh; kiến trúc nhà Pacô, Vân Kiều; các nút giao thông trục chính đô thị.
Định hướng phát triển đô thị Lìa trở thành trung tâm, đầu mối giao lưu biên giới Việt - Lào của khu vực phía Nam của huyện Hướng Hóa, là động lực phát triển của các xã vùng Lìa; phát triển hệ thống giao thông đối ngoại kết nối với Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, thị trấn Khe Sanh, và các xã ở phía Nam của huyện Hướng Hóa.