Dưới tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cộng với sự suy giảm rõ rệt về nguồn nước, nhiều địa phương miền núi trong tỉnh hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, đặc biệt là vào mùa khô. Trong đó xã Lìa, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) là một trong những địa phương xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt khá gay gắt. Thực trạng nan giải này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh mà còn tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thôn Kỳ Tăng, xã Lìa có 116 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu nhưng chỉ có 2 công trình nước tự chảy. Trong đó, một công trình được nhà nước đầu tư đã lắp đường ống dẫn dài trên 10 km để lấy nước từ thượng nguồn về. Tuy nhiên theo thời gian công trình này hiện đã xuống cấp và nguồn nước không ổn định. Công trình còn lại có quy mô nhỏ nên không thể cung cấp đủ nước cho người dân sử dụng. Bước vào mùa khô năm nay, các khe suối phía thượng nguồn đã bắt đầu khô cạn, nguồn nước về công trình tự chảy nhỏ giọt nên người dân thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Bà Hồ Thị Xiên, người dân thôn Kỳ Tăng, xã Lìa cho biết, do tình trạng khan hiếm nước khi bước vào mùa khô hạn nên mỗi ngày bà phải nhiều lần ra công trình nước để chờ lấy mang về. “Mỗi lần đi lấy nước chỉ lấy được vài can nhựa, chai nhựa nhỏ thôi. Do nguồn nước thiếu nên mọi người đều cố gắng chia sẻ với nhau. Ở trong thôn nhiều nhà khoan giếng nhưng nước bị nhiễm vôi, không uống được. Người dân chúng tôi mong muốn nhà nước quan tâm đầu tư thêm các công trình nước sạch để có đủ nguồn nước dùng, nhất là vào mùa khô”, bà Xiên kiến nghị.
Trong khi đó, anh Hồ Văn Thụ ở thôn A Máy, xã Lìa cũng chung nỗi lo lắng khi tình trạng nước sinh hoạt thiếu thốn nhưng chưa tìm được hướng giải quyết. Anh Thụ cho hay: “Thời tiết nắng hạn gay gắt như hiện nay đã làm nguồn nước trên thượng nguồn chảy về công trình bể tự chảy rất ít. Vì vậy, nhiều gia đình ở thôn chúng tôi buộc phải sang xin thêm nước ở thôn Kỳ Tăng để dùng. Tuy nhiên do bể nhỏ, nước ít trong khi rất nhiều người đến lấy nên việc lấy nước chờ đợi rất mất thời gian. Thiếu nước sạch sử dụng, nhiều khi chúng tôi đành phải dùng nước sông, suối không đảm bảo để ăn uống nên rất lo lắng về nguy cơ bệnh tật, nhất là đối với trẻ nhỏ”.
Xã Lìa là địa phương mới sáp nhập, đời sống kinh tế, thu nhập của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy việc người dân có thể tự bỏ tiền ra mua nước sạch để dùng quả thật quá sức với đa số bà con. Phó Chủ tịch UBND xã Lìa Hồ Văn Ta Ngà cho biết thêm: “Ở đây chỉ một số ít hộ dân có điều kiện khá giả thì mới bỏ tiền mua nước đóng bình để dùng nấu ăn, uống, còn đa phần các hộ do khó khăn về kinh tế nên phải dùng nước ao hồ, suối không đảm bảo, có nguy cơ mắc một số bệnh đường tiêu hóa rất cao. Về lâu dài, chúng tôi mong nhà nước, các ngành cấp trên quan tâm hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp hoặc xây dựng thêm công trình nước sinh hoạt để đáp ứng đủ nhu cầu nguồn nước sinh hoạt đảm bảo hợp vệ sinh cho người dân”.
Không riêng xã Lìa, tình trạng thiếu nước sinh hoạt đối với người dân miền núi, nhất là vào mùa khô hạn là thực trạng chung của nhiều xã ở vùng cao trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát của các ngành chức năng được biết, hiện nay trên địa bàn 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông có gần 19.000 hộ cần nước sạch để sử dụng. Thực tế các công trình cấp nước ở các địa phương này có quy mô nhỏ, manh mún, phần lớn là công trình tự chảy, công nghệ xử lý đơn giản, thậm chí nhiều nơi còn sử dụng nguồn nước không qua xử lý; nhiều công trình cấp nước hiện đã hư hỏng, xuống cấp do qua thời gian dài sử dụng, bị bồi lắng do thiên tai nên khó đáp ứng được nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân.
Trước nhu cầu bức thiết của người dân các địa phương, các ngành chức năng cần ưu tiên đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình nước sinh hoạt tập trung để giúp đồng bào miền núi được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)