Xác định công trình nhà vệ sinh, nước sạch trong trường học có vai trò quan trọng đối với việc đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, học sinh, những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị đã quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, đến nay, nhiều trường học vẫn còn thiếu hoặc xuống cấp công trình nhà vệ sinh, nước sạch ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng của học sinh và giáo viên lúc ở trường.
Trường mầm non Hoa Phượng (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) có 5 điểm trường được xây dựng từ lâu nên có nhiều nhà vệ sinh chưa đáp ứng theo yêu cầu, diện tích chưa đảm bảo, chưa có công trình vệ sinh khép kín; thiếu nước sạch... Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng Lê Thị Phượng cho biết: “Năm học 2021 - 2022, nhà trường có 371 trẻ. Để tạo môi trường sạch, đẹp và nguồn nước đảm bảo vệ sinh, nhà trường mong muốn các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ nguồn lực xây dựng công trình nhà vệ sinh và nước sạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ”.
Toàn huyện Cam Lộ hiện có 24 trường từ mầm non đến THCS với gần 11.800 học sinh; 866 cán bộ giáo viên, nhân viên. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cam Lộ Nguyễn Tiến Long cho biết: “Hằng năm, Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo các đơn vị rà soát, đánh giá thực trạng và báo cáo nhu cầu đầu tư cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh và cung cấp nước sạch trong các trường học để tham mưu bố trí kinh phí thực hiện. Về cải tạo sửa chữa, nhu cầu là 203 phòng, trong đó, đã thực hiện 10 phòng với số tiền hơn 963 triệu đồng; về xây mới, nhu cầu 8 nhà vệ sinh, trong đó, thực hiện 4 nhà vệ sinh với số tiền hơn 1 tỉ đồng. Kết quả huy động các nguồn vốn thực hiện trong năm 2020 - 2021 số tiền hơn 2 tỉ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách huyện, xã 1,4 tỉ đồng”.Hiện nay, trên toàn tỉnh, các trường học cần được đầu tư cải tạo, xây mới khoảng 2.726 nhà vệ sinh và 292 công trình nước sạch cho học sinh và giáo viên. Nhưng có một thực trạng đáng buồn là nhận thức của một số cơ sở giáo dục chưa cao, xem nhà vệ sinh là công trình phụ dẫn đến công tác tham mưu, tổ chức, quản lý, sử dụng không đáp ứng nhu cầu; ở một số nơi, ý thức bảo quản, sử dụng công trình nhà vệ sinh, nước sạch của trường học chưa cao; tỉ lệ nhà vệ sinh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn chưa đạt yêu cầu khá cao; nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, quá tải đối với học sinh vào giờ giải lao; nhà vệ sinh xây dựng xa khu vực học sinh, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, thiếu nguồn nước, các thiết bị hư hỏng. Ở bậc mầm non, có một số cơ sở giáo dục giáo viên còn dùng chung nhà vệ sinh với trẻ. Bên cạnh đó, một số quy định của nhà nước còn bất cập, gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong việc huy động các nguồn lực để thực hiện công tác vệ sinh trong trường học, nhất là nhà vệ sinh. Theo Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn danh mục vị trí việc làm và định mức số người làm việc thì không có nhân viên làm vệ sinh trong trường học; Nghị định số 68/2000/ NĐ-CP về hướng dẫn hợp đồng lao động có cho phép nhà trường hợp đồng lao động để làm vệ sinh trường học, nhưng các cơ sở giáo dục không được cấp có thẩm quyền giao chỉ tiêu hợp đồng nhân viên làm vệ sinh, nên trong dự toán ngân sách được giao hằng năm, các cơ sở giáo dục không cân đối kinh phí.
Bên cạnh đó, Thông tư 55/2011/ TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh có quy định: “Nhà trường không được thu tiền vệ sinh lớp học, vệ sinh trường”, điều này gây khó khăn trong huy động xã hội hóa để thực hiện công trình nhà vệ sinh trong trường học. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phan Hữu Huyện cho biết, ngành GD&ĐT luôn dành nhiều quan tâm đến đầu tư cải tạo, xây dựng công trình nhà vệ sinh, công trình nước sạch hợp vệ sinh đảm bảo môi trường, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh và sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, học sinh. Việc làm này nhận được sự đồng thuận cao trong ngành GD&ĐT, phụ huynh, học sinh và toàn xã hội.
Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong việc đầu tư các công trình nhà vệ sinh, nước sạch. Nắm rõ thực trạng, nguyên nhân cũng như những kiến nghị, đề xuất, Sở GD&ĐT đã tăng cường chỉ đạo các phòng GD&ĐT, đơn vị trường học nêu cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao nhận thức về thực hiện đầu tư các công trình vệ sinh, nước sạch; đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội hóa; đồng thời cũng kiến nghị lên tỉnh, Bộ GD&ĐT quan tâm hỗ trợ nguồn lực đầu tư công trình hỗ trợ, phục vụ trong hoạt động giáo dục, tạo môi trường sạch, đẹp, an toàn trong học đường; đáp ứng nhu cầu của học sinh, giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT.
Nhằm triển khai thực hiện tốt công tác đầu tư cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh và cung cấp nước sạch trong trường học, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND ngày 6/12/2019 về thông qua đề án đầu tư cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh và cung cấp nước sạch trong trường học giai đoạn 2020 - 2025 và Nghị quyết số 101/2021/NĐ-HĐND ngày 16/7/2021 quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh.
Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Đặng Mai Nhi cho biết, vừa qua, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh tổ chức khảo sát, đánh giá thực hiện các Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND và Nghị quyết số 101/2021/NĐ-HĐND của HĐND tỉnh ở một số địa phương, trường học; qua đó, ghi nhận và tổng hợp những kiến nghị, đề xuất và ý kiến đóng góp liên quan đến thực hiện các nghị quyết như: Điều chỉnh đơn giá dự toán, diện tích xây dựng nhà vệ sinh cho phù hợp với giá cả thị trường, nhu cầu sử dụng tại một số đơn vị có số lượng học sinh lớn; quan tâm phân bổ tài chính phục vụ sửa chữa, xây dựng nhà vệ sinh và cung cấp nước sạch trong trường học.
Đồng thời cũng đề nghị các địa phương, ngành GD&ĐT xây dựng kế hoạch thực hiện đúng theo tinh thần của các nghị quyết và tình hình thực tế ở các trường học; rà soát lại việc thực hiện các nghị quyết, xác định rõ mục tiêu cho từng năm, phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cho các cấp, ngành liên quan tổ chức thực hiện; đối với một số vấn đề phát sinh mới cần báo cáo kịp thời để có sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn… Phấn đấu đến năm 2025, có 100% trường mầm non, trường phổ thông công lập có đủ nhà vệ sinh, công trình nước sạch.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)