Đổi mới sáng tạo là một trong những công cụ đắc lực, tiềm năng nhất để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh (SX-KD).
Những năm qua, thông qua nhiều ý tưởng hay, cách làm sáng tạo trong cải tiến kỹ thuật, đổi mới mô hình SX-KD của mình, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã không chỉ đạt được lợi thế cạnh tranh mới, tạo ra thị trường mới mà còn sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm lãng phí và nâng cao uy tín của doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng.
Gần 20 năm làm việc tại Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, anh Lê Văn Tuyển đã trải qua nhiều vị trí khác nhau từ trực tiếp sản xuất cho đến nay là Giám đốc Nhà máy Viên năng lượng Cam Lộ, kiêm Phó Giám đốc kỹ thuật Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa.
Trong thời gian công tác của mình, anh đã có rất nhiều ý tưởng, sáng kiến hay nhằm cải tiến kỹ thuật, giúp giảm công đoạn sản xuất, giảm chi phí, làm lợi cho doanh nghiệp từ vài trăm triệu đồng đến vài tỉ đồng như: nâng cấp, cải tạo dây chuyền sản xuất tinh bột sắn từ 60 tấn/ngày đêm lên đến gần 300 tấn/ ngày đêm; cải tạo nâng cấp toàn bộ hệ thống đường đốt, sấy, ép viên nén, cưa xẻ gỗ, nâng công suất dây chuyền sản xuất từ 6.000 tấn/năm lên 15.000 tấn/ năm; đề xuất mua máy đào bánh xích và cải tiến lại thành máy gắp nguyên liệu (gỗ tròn, gỗ bìa, ván lạng…) thay thế cho sức người; thiết kế hệ thống sấy lúa cơ động với công suất sấy 12 tấn lúa/ mẻ/12 giờ đồng hồ phục vụ các hợp tác xã, tổ hợp tác ở các thôn bị ngập lụt...
Trong năm 2019, với vai trò là Giám đốc Nhà máy Viên năng lượng Cam Lộ, anh Tuyển đã cùng với Ban Giám đốc công ty thiết kế thành công Lò đốt dăm gỗ viên nén tự động phục vụ cho sấy khô tinh bột và bã sắn tại Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa. Nhờ đó không chỉ giúp tăng sản lượng sản phẩm tinh bột sắn bán ra thị trường mà còn giúp công ty tiết kiệm được 20% chi phí so với sử dụng than đá làm chất đốt; góp phần giảm giá thành sản phẩm, tăng thu nhập của công nhân.
Anh Tuyển chia sẻ: “Bản thân tôi cho rằng, ý tưởng, sáng kiến luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình SXKD của doanh nghiệp. Có sáng tạo mới cải tiến được máy móc, kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, sức lao động của công nhân nhưng vẫn cho ra đời các sản phẩm chất lượng cao. Hiện tại, tôi và Ban Giám đốc đang tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm trong sản xuất lúa hữu cơ; các chế phẩm phân bón hữu cơ hóa lỏng. Mong rằng sẽ sớm có kết quả trong thời gian tới”.
Được biết, những năm qua các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và Viễn thông Quảng Trị (VNPT) là một ví dụ. VNPT Quảng Trị hiện có 500 cán bộ, công nhân viên làm việc tại 12 đơn vị cơ sở. Theo Phó Giám đốc VNPT Quảng Trị Lê Quang Hưng, trung bình mỗi năm, Hội đồng sáng kiến của công ty sẽ tiếp nhận hàng trăm ý tưởng do cán bộ, công nhân viên đề xuất; nhiều sáng kiến được ứng dụng, làm lợi cho công ty hàng tỉ đồng, đồng thời đạt các giải thưởng về sáng tạo kỹ thuật của tỉnh.
“Chúng tôi luôn khuyến khích cán bộ, công nhân viên đơn vị tích cực sáng tạo, mạnh dạn đưa ra ý tưởng mới nhằm nâng cao hiệu quả SX - KD, mở rộng khách hàng, thị trường tiềm năng; từ đó giúp mang lại lợi ích cho công ty cũng như lợi ích cho khách hàng như ý tưởng “Nghiên cứu kỹ thuật khai phá dữ liệu và ứng dụng xây dựng hệ thống đánh giá khách hàng tiềm năng trong tập khách hàng hiện hữu” là một ví dụ điển hình.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Như Toàn, nhân viên Công nghệ thông tin, VNPT Quảng Trị, đồng thời là chủ đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật khai phá dữ liệu và ứng dụng xây dựng hệ thống đánh giá khách hàng tiềm năng trong tập khách hàng hiện hữu” cho hay, cũng như các doanh nghiệp khác, khách hàng là một trong những yếu tố giúp VNPT tồn tại và phát triển bền vững. Với kho dữ liệu khách hàng rất lớn của VNPT Quảng Trị, yêu cầu đặt ra là cần phải khai thác có hiệu quả tập dữ liệu khách hàng này để phục vụ tối đa cho công tác bán hàng của VNPT Quảng Trị.
Trên cơ sở khảo sát, nghiên cứu hiện trạng bài toán Tìm kiếm khách hàng tiềm năng tại VNPT Quảng Trị, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các kỹ thuật khai phá dữ liệu; xây dựng ứng dụng phần mềm Tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Qua đó hỗ trợ cho nhân viên bán hàng tiếp cận, bán hàng đúng khách hàng có nhu cầu, giúp nâng cao năng suất lao động; nâng cao hiệu quả, giảm thiểu chi phí trong công tác bán hàng; đánh giá, tổng quát hóa thói quen tiêu dùng, qua đó có các biện pháp kích thích nhu cầu sử dụng của khách hàng, phát triển tập khách hàng tiềm năng ngày càng mở rộng.
Hằng năm, các cấp công đoàn và doanh nghiệp đã phát động nhiều phong trào, hoạt động nhằm phát huy sức sáng tạo, cải tiến máy móc, thiết bị để nâng cao hiệu quả lao động sản xuất. Thông qua các phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”, “Bàn tay vàng”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”… mỗi năm, người lao động có hàng chục nghìn sáng kiến, cải tiến không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn nâng cao năng suất lao động, từ đó tăng thu nhập.
Đặc biệt, với chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”, thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung của chương trình, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia của cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động trong toàn tỉnh.
Cùng với đó, công đoàn các cấp tiếp tục tuyên truyền, vận động, khuyến khích đoàn viên, người lao động tham gia đóng góp sáng kiến; phát động, triển khai đến công đoàn cơ sở và giao chỉ tiêu phấn đấu cho công đoàn. Vận động công nhân lao động trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát huy sáng kiến, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất lao động.
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Nguyễn Đăng Bảo cho biết thêm: “LĐLĐ tỉnh sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện chương trình giai đoạn 1, đề ra giải pháp để triển khai giai đoạn 2 đạt kết quả cao hơn. Đồng thời, biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích tham gia chương trình. Đây là chương trình giúp cho công nhân lao động thông qua các sáng kiến của mình đóng góp cho sự phát triển doanh nghiệp, đó cũng chính là cơ hội để tăng thêm thu nhập cho người lao động, đóng góp cho sự phát triển của đất nước giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế. Từ đó, thúc đẩy người lao động tích cực sáng tạo, đóng góp sáng kiến tăng năng suất lao động”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)