Đông Hà, làng trong phố

Xuân Dũng |

Nói đến Đông Hà, thành phố tỉnh lỵ, nhiều người cứ nhắc đến phố xá, chợ búa trung tâm. Nhưng còn một Đông Hà nữa, có vẻ ít ồn ào hơn nằm ở phía tây thành phố cũng đã và đang tạo nên điểm nhấn của một thành phố trẻ. Đó chính là Phường 3 mà hạt nhân là làng cổ Đông Hà đã có quá trình hình thành hàng mấy trăm năm từ thuở đất này mới khai thiên lập địa. Hơn nữa danh xưng làng Đông Hà đã thành tên gọi của thành phố trẻ hôm nay là một vinh dự không phải làng quê nào trên mảnh đất Việt Nam cũng có được, nếu không nói là một vinh dự hiếm hoi.

Nếu làng Tây Trì thuộc Phường 1, làng Điếu Ngao thuộc Phường 2 được coi là làng cổ giờ thành trung tâm của Đông Hà thì Phường 3 lại có một vị trí đặc biệt trong sự ra đời và phát triển của thành phố tỉnh lỵ.

Cầu Đông Hà nối đôi bờ sông Hiếu-Ảnh: HỒ CẦU​
Cầu Đông Hà nối đôi bờ sông Hiếu-Ảnh: HỒ CẦU​

Làng Đông Hà xưa tọa lạc ven sông Hiếu, lấy nghề nông làm chính. Làng nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, vừa gần sông lại vừa không xa con đường thiên lý Bắc -Nam cũng như con đường thượng đạo xuyên sơn từ Quảng Trị qua Lào, tiền thân của con đường 9, con đường xuyên Á ngày nay. Ngay tên gọi Đông Hà đã gợi nhắc đến phía đông của con sông, cụ thể là sông Hiếu nối Cam Lộ với Đông Hà. Theo thư tịch cổ như Phủ Biên tạp lục của Lê Qúy Đôn viết vào năm 1776 thì làng Đông Hà xưa thuộc tổng An Lạc, huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong. Danh xưng này tồn tại cho đến thời Pháp thuộc. Làng Đông Hà từng có nghề rèn truyền thống bên cạnh nghề làm ruộng là chủ yếu của cư dân nơi đây. Trải qua bao biến động của thời cuộc, làng Đông Hà bây giờ thuộc Phường 3, TP. Đông Hà. Làng Đông Hà đã có nhiều đổi thay cùng với những làng quê khác trong quá trình đổi thay của quê hương, đất nước, làm nên những đường nét, diện mạo vừa lạ lại vừa quen ở một thành phố tỉnh lỵ của vùng quê Quảng Trị. Đây cũng là nội dung mà những ai quan tâm đến đô thị này đều muốn nhìn nhận, khảo sát để có một cái nhìn đầy đủ, một ý tưởng nào đó đóng góp cho một thành phố trẻ vẫn đang trong quá trình khai phá, định hình và phát triển.

Phía tây thành phố trong quá trình đô thị hóa từ làng lên phố, phố ở trong làng, làng ở trong phố vẫn còn giữ nguyên nhiều dáng vẻ của làng quê Quảng Trị, tạo nên dáng vẻ của làng Đông Hà, thành phố Đông Hà xưa và nay. Đây có thể nói là một đặc điểm thú vị và hữu ích cần giữ gìn trong quá trinh đô thị hóa, để tránh những khối bê tông khổng lồ lấn át diện mạo làng quê, lấn át một không gian sinh thái với ruộng đồng cây cỏ, hòa mình trong thiên nhiên.

Di tích chiến tranh cách mạng thuộc làng Đông Hà xưa -Ảnh: PXD​
Di tích chiến tranh cách mạng thuộc làng Đông Hà xưa -Ảnh: PXD​

Đông Hà hướng lên phía tây thì làng Đông Hà cũng dọc theo con sông Hiếu, một trục đường thủy quan trọng nhất trong lịch sử phát triển của Đông Hà từ làng lên phố. Điều này càng trở nên thiết yếu khi muốn mở rộng thành phố tỉnh lỵ ra phía bắc và lên phía tây. Khai mở hướng này vừa qua sông phía phường Đông Thanh lại vừa theo dọc sông tiến lên phía tây thuộc địa phận Phường 3 hôm nay. Cho nên quang cảnh của Phường 3 hôm nay trước hết là những thay đổi hằng ngày theo dọc con sông Hiếu. Và có thể nói đó là xu thế đô thị hóa phù hợp với một thành phố như Đông Hà. Đó là hướng mở cho một đô thị trẻ để lớn lên cùng quê hương Quảng Trị, trở thành một thành phố năng động trên con đường thiên lý Bắc-Nam.

Phía tây Đông Hà là Phường 3 còn là phố xá, làng quê dọc theo Quốc lộ 9 - con đường xuyên Á đã và đang mở ra triển vọng nhiều hứa hẹn cho sự phát triển của thành phố trên Hành lang kinh tế Đông-Tây. Có thể nói những ưu điểm bằng vàng: thiên thời-địa lợi- nhân hòa nếu biết tận dụng thời cơ và huy động lòng dân thì đó sẽ là những động lực trong việc khai thác thế mạnh để mở mang Đông Hà thực sự trở nên giàu mạnh, thu hút đầu tư trước mắt cũng như lâu dài, phát triển ổn định và bền vững, tăng trưởng nhanh nhưng vẫn giữ được phong độ, dáng vẻ hài hòa.

Dọc lên phía tây theo dòng sông Hiếu còn có một di tích lịch sử đã được xếp hạng, đó là Cầu Tàu Phường 3, nối phường này với phường Đông Thanh. Trước khi có chiếc cầu này, người dân quanh vùng qua lại sông Hiếu bằng đò. Chiếc cầu này đã ghi dấu chiến công của quân dân Đông Hà trong kháng chiến chống Pháp, bây giờ lại trở nên thân thuộc với những chuyến tàu Thống Nhất Bắc-Nam trong thời kỳ hòa bìnhđổi mới.

Phía tây Đông Hà, đương nhiên vẫn thuộc Phường 3 còn nhiều điểm nhấn, mà đáng kể nhất chính là hồ Khe Mây, một báu vật thiên nhiên giữa lòng đô thị. Cần nói thêm rằng đó chính là cỗ máy điều hòa không khí thiên nhiên mà đất trời ban tặng. Cùng với một số hồ nhỏ khác như hồ Trung Chỉ, hồ Đại An thì hồ Khe Mây có một vai trò lớn lao không có gì thay thế cần được giữ gìn cẩn trọng. Ông Nguyễn Văn Đoái, một người dân Phường 3 phấn khởi cho hay gia đình ông đã gắn bó ở đây hơn hai mươi năm, rất mừng khi Phường 3 đã thay da đổi thịt. Còn thạc sĩ Võ Văn Luyến, nguyên giảng viên Trường CĐSP Quảng Trị thì chia sẻ thành phố cần phải giữ cho được hồ Khe Mây, đầu tư làm sao giữ được hiện trạng thiên nhiên, để nó trở thành một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

Cầu Tàu Phường 3 -Ảnh: TL​
Cầu Tàu Phường 3 -Ảnh: TL​

Mười năm cho một thành phố trẻ như Đông Hà là một khoảng thời gian hãy còn quá ít nhưng cũng đủ tượng hình cho một đô thị trẻ ba mươi năm kể từ khi tỉnh nhà lập lại. Một đô thị trẻ có nhiều hứa hẹn về triển vọng lâu dài nếu biết cách quy hoạch và phát triển đúng hướng, biết bảo tồn thiên nhiên, ruộng đồng bên cạnh việc phát triển phố xá, nhà cao tầng, biết kết hợp giữa văn minh, hiện đại với dân tộc, cổ truyền như người ta vẫn nói, biết pha trộn khéo léo giữa cái cũ và cái mới. Quan trọng nhất là phát triển mà không phá vỡ truyền thống, không xâm hại đến thiên nhiên, đến môi trường sống, vẫn có màu xanh cây cỏ, vẫn có mặt nước trong lành, vẫn có cánh đồng như là cổ tích của ấu thơ. Và trong sự đi lên chung của toàn thành phố, có sự đóng góp không nhỏ của phía tây Đông Hà.

Những ai yêu mến và gắn bó với Đông Hà chắc chắn, mỗi người một việc, mỗi người mỗi tay sẽ hết lòng với một thành phố trung tâm của miền quê Quảng Trị.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Bàn kế hoạch triển khai đề án tiến đến đô thị thông minh tại thành phố Đông Hà

Nguyễn Loan – Thanh Châu |

Ngày 30/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam chủ trì cuộc họp bàn kế hoạch triển khai dự án đô thị tiến đến đô thị thông minh tại TP. Đông Hà. Tham dự cuộc có lãnh đạo thành phố Đông Hà và một số ngành liên quan.

Cuối năm 2020 sẽ đưa vào vận hành đường dây, trạm biến áp Đông Hà - Lao Bảo

Nguyễn Tuấn |

Khi đưa vào vận hành, tuyến đường dây 220kV Đông Hà – Lao Bảo và trạm biến áp (TBA) 220kV Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) có vai trò quan trong việc giải tỏa toàn bộ nguồn năng lượng tái tạo của các nhà máy điện gió, điện mặt trời tại khu vực phía Tây tỉnh Quảng Trị; đảm bảo cung cấp điện nhằm phục vụ phát triển kinh - tế xã hội, an ninh quốc phòng, đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Xây dựng đường tránh TP. Đông Hà với mức đầu tư gần 800 tỷ đồng

Xanh EWEC |

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề nghị Bộ GTVT phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Một số phương tiện không kinh doanh vận tải hành khách vào thành phố Đông Hà đón, trả khách

Q.H |

Theo thông tin từ lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, mặc dù đã có lệnh cấm nhưng một số cá nhân vẫn sử dụng phương tiện không kinh doanh vận tải hành khách vào thành phố Đông Hà  (Quảng Trị) đón, trả khách.