Theo các chuyên gia, để gạo Việt “vươn ra biển lớn” sau dịch COVID-19, phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy cũ về "an ninh lương thực".
An ninh lương thực không chỉ là lúa gạo
Theo nhiều chuyên gia, để gạo Việt “vươn ra biển lớn”, cần thực hiện cuộc cách mạng quyết liệt về chất lượng. Trong đó, đổi mới tư duy về “an ninh lương thực” là khâu đột phá. Việc xuất khẩu gạo Việt thời gian qua bị “trễ” vào các thời điểm vàng về giá chủ yếu xuất phát từ tư duy “an ninh lương thực” kiểu cũ.
Theo ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, trước đây “an ninh lương thực” được hiểu là gạo nên có lúc mặt hàng này bị trì hoãn xuất khẩu. Các nghiên cứu mới đã chỉ ra “an ninh lương thực” không chỉ là gạo nói riêng, mà còn là dinh dưỡng nói chung. “Bên cạnh tinh bột, còn là rau, trái cây, thịt, cá... và cả hệ sản xuất bền vững cho đất” - ông Thư nhấn mạnh.
Thực tế vài năm gần đây chứng minh, gạo đã giảm nhiều trong khẩu phần ăn của đại đa số người dân. Vì thế, chỉ mỗi vụ Đông Xuân, sau khi cân đối nhu cầu lương thực, giống cho vụ sau... Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn thừa khoảng 3 triệu tấn lúa cần xuất khẩu.
Với nhiều tỉnh có khả năng sản xuất 3 vụ lúa, ĐBSCL gần như có lúa quanh năm. Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) - chia sẻ: “Bình quân, mỗi tháng nơi đây có 100.000 - 500.000ha lúa vào độ thu hoạch. Chỉ có khoảng 4 tháng thu hoạch với diện tích thấp nhất là 100.000ha/tháng, 8 tháng còn còn lại thu hoạch bình quân 500.000ha/tháng”.
Tập trung chất lượng, an toàn thực phẩm
GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh: “Để vươn ra biển lớn, gạo Việt cần đầu tư hơn về chất lượng và an toàn thực phẩm. Bên cạnh việc kiểm soát lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật, rất cần quy hoạch lại vùng trồng lúa tuân thủ nguyên tắc thuận thiên như Nghị quyết của Chính phủ, theo 3 phân vùng sinh thái”.
Chỉ tập trung trồng lúa tại vùng 1, tức ven ĐBSCL, nơi có nguồn nước ngọt dồi dào, ít chịu sự đe dọa của nước mặn, gồm một phần tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp và Long An với khoảng 1,4 triệu ha, đủ để cân đối lương thực cho cả nước. Vùng 2, tập trung cho cây ăn trái và vùng 3 ven biển, tập trung cho mô hình lúa – tôm, tức nuôi tôm và trồng xen lúa vào mùa mưa.
Theo GS Xuân, điều này không chỉ tuân thủ tự nhiên để giảm bớt chi phí đầu vào, mà còn góp phần nâng cao chất lượng lúa gạo và nhất là nâng cao an ninh lương thực theo khái niệm mới.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều địa phương trồng lúa mọi lúc, mọi nơi đến bất chấp lợi thế tự nhiên, thậm chí là đối đầu với thiên nhiên như, đưa cây lúa lên vùng cao, hay ngọt hóa bằng mọi giá vùng ven biển để trồng lúa... Điều này không chỉ “giết chết” thế mạnh cây bản địa, mà còn tiếp tay cho nạn lạm dụng hóa chất để điều khiển cây trồng, vật nuôi thích ứng với điều kiện môi sinh “lạ”, làm suy thoái môi trường nông nghiệp.
“Nếu được trồng thuận thiên, với vùng chuyên canh tập trung, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng vùng nguyên liệu, chắc chắn gạo Việt sẽ ngon hơn, thơm hơn và an toàn hơn. Khi đó cũng dễ dàng chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế”- GS Xuân kỳ vọng.
(Nguồn: Báo Lao Động)