Thời gian này người ta nói nhiều về phát triển du lịch ở xứ gió Lào cát trắng Quảng Trị. Đặc biệt du lịch cộng đồng, sinh thái, khám phá thiên nhiên… Và một ai đó đã thốt lên rằng, đất Hướng Hoá tiềm năng du lịch lớn, tài nguyên không thiếu.
Riêng về khí hậu, có lẽ cái nắng mưa, nóng lạnh cũng khiến cho ai đến xứ này cũng bị mê hoặc. Từ các tiểu vùng khí hậu đó, bao nhiêu nông lâm sản của xứ này cũng phong phú, cũng ngon và vươn ra thị trường để trở thành đặc sản.
Mùa hè, nếu đang ở Lao Bảo với cái nắng Lào bỏng rát nhưng khi qua dốc Làng Vây để đến với Khe Sanh thì cái mát dịu đã thấm vô từng centimet da thịt. Dường như cánh cửa tủ lạnh khổng lồ được mở ra làm hạ cái ói bức khi đến nơi đây. Nhưng vào mùa đông, khi ở Khe Sanh mưa phùn lún phún, mây là đà. Độ ẩm cao, sương trắng trời đến nỗi ngồi trong quán cà phê có khi ướt áo bởi hơi sương. Thế mà chỉ cần chạy lên hướng tây theo con đường 9 chừng 10 cây số thì đã khác. Nắng vàng ươm trải dài từ thung lũng Lìa đến thung lũng Lao Bảo. Và rồi cũng chính ngay trên cái trục đông – tây ấy, câu hát Trường Sơn đông Trường Sơn tây đã hiện hữu ở ngay trước mắt. Đó không chừng là một đặc sản du lịch nếu biết cách khai thác.
Những vườn, những nương rẫy cũng theo cái tiểu vùng khí hậu ấy mà làm nên sự giàu có. Nếu phân ra phía bắc và nam Hướng Hoá, có lẽ khí hậu ban cho mỗi nơi một nét đã làm cho hoa trái bốn mùa cũng theo đó mà ra. Hàng ngàn hecta cà phê ở Bắc Hướng Hoá đã làm nên thương hiệu tập thể cà phê Khe Sanh vượt biên giới cương thổ. Thậm chí cả trăm năm trước, người Pháp cũng nhận ra điều đó và mở bao nhiêu đồn điền để khai thác vùng đất đỏ như Socola này. Thế nhưng nhìn về phía Nam Hướng Hoá cũng chẳng thua kém gì. Hàng ngàn hecta sắn, chuối và các loại trái cây như thanh long ruột đỏ, ổi Thuận… đã giải quyết đói kém, vươn lên làm giàu. Tinh bột sắn, chuối cũng vượt khẩu đi xa để mang về ngoại tệ. Trên dãy đất khô cằn phía tây nam ấy, dường như phù sa con sông Sê Pôn chỉ dành cho chuối và sắn. Đến nỗi chuối mật mốc thương hiệu Tân Long nếu đem trồng ở các vùng đất xa dòng sông này thì cho quả không ngon bằng. Thế mới hay giọt phù sa của con sông “lưỡng quốc” ấy chắt ra như chỉ để ngọt thơm cho sắn, cho chuối.
Bây giờ nhìn lên những dãy núi mạn bắc đường số 9. Những quả đồi được “vở ra” đỏ lòm như miếng socola cắn trên môi. Mới hay những năm qua, xứ núi Hướng Hoá được “mùa phong điện”. Các nhà máy điện gió lần lượt mọc lên trên mãnh đất cửa gió. Những cột chông chống như “hái tiền” từ trời xanh lồng lộng. Dọc quốc lộ 9 là những đại công trường khi các nhà máy điện gió đang mở đường, xẻ núi để đưa thiết bị lên thi công. Các con đường kết nối những ngọn đồi quanh năm hoang vắng, đột nhiên gần hơn bởi tiếng máy múc, tiếng xe chạy. Không bao lâu nữa, với hàng chục công trình điện gió đã và đang hình thành sẽ đưa Hướng Hoá trở thành thủ phủ của năng lượng tái tạo, mà cụ thể mà phong điện. Có được điều này, ngoài nỗ lực chung của tỉnh Quảng Trị đã đột phá trong kêu gọi, cũng như quy hoạch thì mãnh đất và con người Hướng Hoá cũng rất “có duyên” với nhà đầu tư ở lĩnh vực này. Khi tiến độ đền bù, giao mặt bằng để các nhà đầu tư thi công tiến hành nhanh, gọn. Khi “kinh đô” điện gió được xác lập trong lòng người dân cả nước, nó sẽ trở thành thương hiệu du lịch, điều này không có gì lạ. Du khách đi trên đường 9 có thể dừng xe và check in bất kỳ một gốc nào cũng có thể nhìn thấy những cột gió kiêu hãnh đang “hái tiền” từ trời cao ấy. Trải dài các xã dọc đường 9 từ Tân Hợp, thị trấn Khe Sanh, Tân Liên, Tân Lập, Tân Long, Tân Thành và Lao Bảo đâu đâu cũng có thể nhìn thấy dàn chông chống đang quay. Công nghiệp điện năng kết hợp du lịch đã mặc định trở thành một thương hiệu cho đất Hướng Hoá.
Hướng Hoá có sự xô bồ và trầm lắng. Cũng như nóng lạnh, nắng mưa, hai thái cực ấy tồn tại trong một mãnh đất còn nghèo so với các địa phương trong cả nước. Nhưng chính hai thái cực ấy làm nên nét độc đáo của xứ này. Bỏ qua sự xô bồ náo nhiệt của mậu dịch biên giới Lao Bảo, chúng ta có thể tìm đến chút trầm tư bên ly cà phê Arabica được chắt từ lưng trời Khe Sanh. Hay đi xa hơn, vào Hướng Phùng, đèo Sa Mù để thấy cuộc đời xanh mướt, an nhiên. Có thể ghé Bungalow 5 mùa ở thôn Xary, xã Hướng Phùng để thưởng thức sương mai lưng chừng đồi, để bỏ mặc ngoài kia chuyện đời mưu chước, thị phi… Có cũng thể hoà mình vào dòng nước được chắt ra từ hang động Tà Puồng tạo nên thác nước cùng tên. Nghe âm vang của rừng, của cây để sống chậm, nghiệm lại giá trị nhân sinh.
Đến một lúc nào đó, khi tất cả mọi điều kiện về phát triển du lịch được đồng bộ, khi những con người đặt chân đến Hướng Hoá, họ không cần hỏi gia chủ, rằng Hướng Hoá có gì, đi đâu chơi nữa. Thì lúc đó nghiễm nhiên vị thế, thương hiệu của xứ này đã hình thành, xác lập.
Có thể đó là giấc mơ dài hơi giữa đại ngàn này. Nhưng chúng ta cần khẳng định rằng, đất và con người Hướng Hoá đủ điều kiện để chờ đón điều đó.