Tôm là một trong những con nuôi chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị. Vụ chính này nông dân các địa phương trong tỉnh thả nuôi hơn 1.000 ha tôm. Hiện đang là thời điểm thu hoạch, nhưng ảnh hưởng COVID-19 đã khiến người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá bán tôm giảm sâu. Ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang tìm cách giúp người dân từng bước tiêu thụ tôm.
Giá giảm từ 50 đến 60 nghìn đồng/kg
Những ngày này người dân xã Vĩnh Sơn, vùng trọng điểm nuôi tôm của huyện Vĩnh Linh đang thu hoạch tôm vụ chính trong tâm trạng vui ít, lo lắng nhiều. Bởi vì ảnh hưởng của COVID-19, thị trường tiêu thụ tôm bị ách tắc. Anh Trần Văn Chung ở thôn Phan Hiền có 4 hồ nuôi tôm với diện tích 2 ha, đã khai thác bán hết 2 hồ. Với tôm sú loại 1 cỡ 25 đến 30 con/kg có giá bán tại hồ 170 nghìn đồng; tôm thẻ chân trắng có giá bán 140 nghìn đồng/kg, cả hai loại tôm đều rớt giá từ 50 đến 60 nghìn đồng/kg so với vụ trước.
Anh Chung cho biết, những vụ trước các tư thương đi ô tô đến tận hồ nuôi tôm, thu mua một lần dứt điểm hết số tôm trong các hồ, giá bán lại cao. Nay do dịch bệnh, tư thương các tỉnh không đến được vì địa phương họ cũng phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trong lúc tôm của anh cũng như các nông dân khác đến giai đoạn thu hoạch, để lâu trong hồ người nuôi phải tốn thêm thức ăn.
Năm 2020, doanh thu nuôi tôm của anh Chung đạt 1,7 tỉ đồng, trừ các chi phí anh lãi được một nửa. Năm nay vụ tôm chính, năng suất cao như năm trước, đạt 300 kg/sào, nhưng tôm bị rớt giá và rất khó bán nên ước lượng doanh thu của anh giảm gần 40% so với năm trước. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư giống, thức ăn… anh không còn lãi được bao nhiêu. Còn với các gia đình có hồ tôm bị bệnh thì vụ này trắng tay.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Hồ Ngọc Quyết cho biết, người nuôi tôm Vĩnh Sơn đang gặp khó khăn chồng chất, vụ chính tôm được thả nuôi từ tháng 4/2021 đã bị dịch bệnh. Để khắc phục khó khăn, người dân tiếp tục làm vệ sinh ao hồ, nuôi lại tôm, nay đến thời gian thu hoạch. Toàn xã Vĩnh Sơn có 126 ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng nhưng vì khó khăn bởi thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường nội địa nên giá bán quá thấp, giảm trung bình 1/4 so với giá vụ trước, có thể còn tiếp tục giảm trong những ngày tới. Các tổ chức đoàn thể ở xã đang vận động người dân giúp nhau tiêu thụ tôm.
Tình hình giá tôm giảm thấp và khó tiêu thụ đều xảy ra tại các địa bàn trọng điểm nuôi tôm của tỉnh như các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, thành phố Đông Hà. Chủ tịch UBND xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong Nguyễn Văn Lâm cho biết vụ chính này nông dân của xã thả nuôi được 36 ha tôm thẻ chân trắng. Tôm đã đến mùa thu hoạch, trung bình cỡ tôm 60 con/kg chỉ có giá 115-120 nghìn đồng. Trong lúc các đại lý thông báo không tiếp tục thu mua tôm nữa vì ách tắc đầu ra nên giá bán tôm tại hồ sẽ tiếp tục giảm. Người nuôi tôm xã Triệu Vân đã điêu đứng vì dịch bệnh trên tôm nay lại gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ.
Người dân giúp nhau tiêu thụ tôm
Phân tích nguyên nhân giá tôm vụ chính ở Quảng Trị đang xuống thấp, lãnh đạo các địa phương trên cho biết, trước đây các tư thương từ Hà Nội, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… và các công ty thủy sản đều đến Quảng Trị thu mua tôm. Hiện tại do ảnh hưởng của COVID-19, các thị trường nội địa, xuất khẩu gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nên các tư thương ngoài tỉnh không đến thu mua tôm nữa. Với thị trường trong tỉnh, các dịch vụ tiệc cưới, liên hoan, nhà hàng, khách sạn… trước đó hằng ngày đều tiêu thụ một khối lượng tôm rất lớn nay phải tạm dừng hoạt động do COVID-19 nên mức tiêu thụ tôm bị giảm xuống rõ rệt.
Để giảm bớt khó khăn, nhiều nơi người dân đã có sáng kiến tổ chức lực lượng tiêu thụ tôm. Cụ thể mỗi ngày, mỗi chủ hồ tôm thuê nhiều người, mỗi người chở trung bình từ 50 - 70 kg tôm đến các chợ khắp địa bàn trong tỉnh bán, cố gắng ngày nào chở đi chợ bán hết số lượng của ngày đó. Nếu các chủ hồ tôm không tự “giải cứu” được cho mình thì nhờ sự giúp đỡ từ các tư thương nhỏ tại địa phương, những người này sẽ giúp tổ chức lực lượng đi chợ tiêu thụ tôm.
Chị Trần Thị Hà ở thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh cho biết, trung bình mỗi ngày chị tổ chức hơn 50 người đi các chợ bán tôm. Mỗi đêm chị mua tôm từ các hồ rồi giao cho số người này để kịp sáng hôm sau họ vận chuyển bằng ô tô và xe máy đến các chợ trong tỉnh bán lại, mỗi người đi mỗi chợ. Nhờ cách làm này hai tuần qua chị đã giúp tiêu thụ một khối lượng tôm lớn cho nhiều gia đình. “Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành, mọi người cần giúp nhau trong cuộc sống để từng bước vượt qua khó khăn. Làm việc này chủ yếu để giúp người dân tiêu thụ tôm, tôi cũng chỉ kiếm một phần lãi rất nhỏ để trang trải chi phí”, chị Hà chia sẻ.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Huân cho biết, vụ này toàn tỉnh nuôi hơn 1.000 ha tôm. Do ảnh hưởng của COVID-19 nên người nuôi tôm tại địa phương đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, giá bán ra giảm mạnh. Các thị trường lớn tiêu thụ tôm trong và ngoài nước đều gặp khó khăn dẫn đến thị trường trong tỉnh cũng bị ảnh hưởng.
Trước tình hình này sở đang phối hợp các địa phương cố gắng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người nuôi tôm để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa; kết nối với các đơn vị thu mua tôm, mở rộng thêm đối tác mới cũng như vận động người dân sáng tạo nhiều mô hình tiêu thụ tôm, phấn đấu đảm bảo không bị đứt gãy ở khâu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trước hết là tôm nuôi. Với các đơn vị chức năng trong ngành, sở đã chỉ đạo lập các nhóm zalo, facebook liên kết, giới thiệu, khuyến khích tiêu thụ tôm giúp nông dân.
Theo ông Nguyễn Văn Huân, qua thực tiễn sản xuất, kinh doanh hướng tới mục tiêu kép vừa phòng, chống COVD-19 vừa phát triển kinh tế, cho thấy rất cần thiết đẩy mạnh hơn nữa cơ cấu lại ngành nuôi tôm trong tỉnh. Trước hết cần phải liên kết nuôi tôm sạch, có thương hiệu để dễ tiêu thụ, giá bán được cao hơn, người nuôi tôm có lãi. Khi làm ra được sản phẩm tôm sạch, có thương hiệu, thị trường sẽ ưu tiên tiêu thụ nhiều hơn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)