Nhờ tuân thủ đúng khung lịch thời vụ, chủ động nguồn nước tưới, lựa chọn sử dụng những giống lúa ngắn ngày chất lượng cao… nên đến thời điểm này, hầu hết diện tích lúa trên địa bàn huyện Hải Lăng đã bước vào thu hoạch đại trà. Theo kế hoạch đến ngày 25/8 toàn huyện sẽ cơ bản thu hoạch xong vụ lúa hè thu...
Ông Nguyễn Đức Dũng ở tại Hợp tác xã (HTX) Diên Khánh, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng cho biết: vụ Hè Thu này gia đình ông gieo sạ gần 2 ha lúa với các giống chủ lực là Khang Dân và HT1. Dù cuối vụ gặp đôi chút khó khăn do nắng nóng gay gắt kéo dài kết hợp với gió Tây Nam thổi mạnh nhưng nhờ tập trung chăm sóc nên cây lúa vẫn phát triển tốt. Ước tính năng suất bình quân mỗi sào đạt trên dưới 3,2 tạ lúa khô. Ông Dũng chia sẻ: “Thăm đồng thấy hạt lúa vừa chín tới là tôi hợp đồng máy gặt đập liên hợp thu hoạch toàn bộ 2 ha lúa rồi thuê xe chở về nhà phơi. Mùa này mưa gió thất thường, nếu không lo gặt sớm lỡ gặp mưa giông, lốc tố cây lúa rất dễ bị đỗ ngã, ngập úng gây hư hỏng”.
Ông Võ Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương cho chúng tôi biết thêm, trong tổng số hơn 880 ha diện tích lúa toàn xã, đến thời điểm này đã thu hoạch được hơn 90% diện tích, số còn lại dự kiến sẽ thu hoạch xong trong 2 - 3 ngày tới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt và gió Tây Nam thổi mạnh đúng vào giai đoạn lúa trổ - chín làm lượng nước trong ruộng bốc hơi nhanh, cây lúa bị khô, tỉ lệ hạt lép cao nên năng suất bình quân toàn xã chỉ đạt 62 tạ/ha, thấp hơn so với vụ hè thu 2020 hơn 12 tạ/ha. Ông Hiếu thông tin thêm, không những năng suất giảm mà do ảnh hưởng của COVID-19, giao thông đi lại khó khăn nên giá thu mua của thương lái cũng giảm mạnh, bình quân chỉ còn 5.700 đồng/kg, thấp hơn so với vụ hè thu năm 2020 gần 1.300 đồng/kg. “Giá các loại vật tư như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng, trong khi giá lúa thấp khiến người nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Sau 3 tháng lao động, chăm sóc, với giá thu mua lúa như thế này coi như nông dân không có lợi nhuận. Do vậy, đa số nông dân đều đang có tâm lý tích trữ chờ giá lên chứ không bán ngay cho thương lái sau khi thu hoạch xong như những năm trước”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Như Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Định cho biết: là địa phương nằm ở vùng trũng nên để hạn chế ảnh hưởng do mưa lũ cuối vụ, ngay từ đầu vụ hè thu, UBND xã đã chỉ đạo các HTX và nông dân tuân thủ nghiêm túc khung lịch thời vụ, cơ cấu giống của huyện; tu sửa các trạm bơm để đảm bảo đủ nước tưới. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên toàn bộ 775 diện tích lúa toàn xã đều phát triển tốt. Dự kiến năng suất bình quân toàn xã đạt 68,5 tạ/ha, tăng 6,5 tạ/ha so với vụ hè thu 2020. Để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, địa phương đã chỉ đạo các HTX hợp đồng, phân bổ số lượng máy gặt đập liên hợp theo từng vùng và thống nhất cụ thể mức giá dịch vụ. Lúa chín đến đâu gặt dứt điểm đến đó. Dự kiến sẽ thu hoạch xong toàn bộ diện tích trong một, hai ngày tới. Tuy nhiên, theo ông Lộc, mặc dù được mùa nhưng do ảnh hưởng của COVID-19 nên giá thu mua lúa năm nay của thương lái giảm mạnh, chỉ còn 5.200 đồng/kg đối với lúa tươi và 6.000 đồng/kg đối với lúa khô nên niềm vui được mùa của nông dân chưa được trọn vẹn.
Vụ Hè Thu năm nay, huyện Hải Lăng gieo cấy gần 6.800 ha lúa với cơ cấu chủ yếu là các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn như: Khang Dân, HT1, HN6, An Sinh 199, Ma Lâm 48… Theo đánh giá, do ảnh hưởng của nắng nóng và gió Tây Nam thổi mạnh, kéo dài nên đã làm năng suất giảm so với những năm trước, dự kiến đạt từ 58 – 60 tạ/ha. Hiện nay, nông dân đang tập trung nhân lực, máy móc để khẩn trương thu hoạch lúa vụ Hè Thu. Dự kiến các xã vùng trũng cơ bản thu hoạch xong trước 20/8/2021; phấn đấu toàn huyện đến 25/8/2021 cơ bản thu hoạch xong toàn bộ diện tích, riêng nơi nào còn xanh và ở vùng cao thì sẽ thu hoạch trước 30/8. Ông Dương Viết Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, hiện nay hầu hết diện tích lúa vụ Hè Thu tại các xã vùng trũng của huyện đã chín.
Theo nhận định, trong thời gian tới thời tiết diễn biến phức tạp, có thể gây bất lợi cho quá trình thu hoạch. Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ Hè Thu, UBND huyện đã yêu cầu UBND các địa phương tập trung chỉ đạo các HTX, tổ hợp tác sản xuất lúa huy động tối đa các phương tiện, máy móc và nhân lực để chủ động tiển khai việc thu hoạch lúa vụ Hè Thu trên tinh thần “xanh nhà hơn già đồng”. Ưu tiên thu hoạch lúa tại các chân ruộng sâu, bị đổ ngã hoặc dễ bị đổ ngã để hạn chế thất thoát sau thu hoạch nếu có mưa sớm cuối vụ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)