Hàng trăm dự án bị loại, dân vùng hạ du vẫn khốn khổ vì lụt lội

Đại Tuấn Thơ |

Khu vực miền Trung là địa bàn phát triển nóng của các dự án thủy điện, trong đó có hàng trăm dự án thủy điện quy mô nhỏ. Không thể phủ nhận sự cần thiết và lợi ích của thủy điện đối với an ninh năng lượng quốc gia, tuy nhiên, những hậu quả và hệ lụy mà các dự án thủy điện quy mô nhỏ gây ra cho người dân vùng hạ du lớn đến mức cần có sự rà soát, đánh giá tổng thể để có quyết sách phù hợp ở tầm vĩ mô.

Hàng loạt thuỷ điện bị loại

Khu BTTN Phong Điền có diện tích hơn 41.500ha, bao gồm 43 tiểu khu thuộc địa bàn 2 huyện Phong Điền và A Lưới, nhằm mục đích bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, các loài động, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, giữ hệ thống sinh thái rừng đa dạng và có chức năng phòng hộ đầu nguồn.

Thủy điện Đakrông 3 gặp sự cố vỡ phím vào năm 2017. Ảnh: Hưng Thơ
Thủy điện Đakrông 3 gặp sự cố vỡ phím vào năm 2017. Ảnh: Hưng Thơ

Năm 2008, tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt quy hoạch mạng lưới thủy điện quy mô nhỏ trên địa bàn với 8 dự án thủy điện được ưu tiên đầu tư xây dựng. Đáng chú ý, trong số đó có 4 thủy điện, gồm: Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, Alin B1 và Alin B2, nằm trong vùng lõi và khu phục hồi sinh thái của khu BTTN Phong Điền.

Năm 2014, theo đề nghị của Bộ Công thương, tỉnh Thừa Thiên Huế đã loại hàng loạt thuỷ điện công suất nhỏ ra khỏi quy hoạch trong đó có các thuỷ điện Ta Li (2MW), Vi Linh (2,8MW), Rào La (6MW), Ô Lâu 1 (1,5MW), Ô Lâu 2 (1MW), Ô Lâu 3 (2,5MW), Tà Lương (03MW); đồng thời đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án thủy điện Sông Bồ.

Một địa phương khác là Nghệ An là địa bàn được các nhà đầu tư dự án thủy điện rất quan tâm. Theo quy hoạch được phê duyệt, Nghệ An có 54 dự án thủy điện với tổng công suất gần 1.700 MW, trong đó chủ yếu là các dự án thủy điện quy mô nhỏ và vừa.

Hiện còn 32 dự án thủy điện đều tập trung tại 5 huyện miền núi của tỉnh. Chỉ riêng huyện miền núi Quế Phong có 11 dự án (7 dự án đang xây dựng), Kỳ Sơn có 8 dự án, Tương Dương có 6 dự án, Con Cuông và Quỳ Châu mỗi huyện 2 dự án. Đặc biệt, trên 1km dòng sông Nậm Mộ, đoạn qua xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (một hợp lưu lớn của sông Lam) có đến 3 dự án đã đi vào hoạt động và 1 dự án chủ đầu tư đang khảo sát xin cấp phép đầu tư

Trước thực trạng nói trên, người dân và chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị xem xét lại quy hoạch thủy điện, hủy bỏ các dự án không hợp lý, quy mô quá dày.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, từ năm 2013 đến nay, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An thống nhất loại khỏi quy hoạch 23 dự án thủy điện nhỏ do hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến môi trường - xã hội.

Tại Nghệ An, người dân huyện miền núi Kỳ Sơn đề nghị dừng không triển khai dự án thủy điện Mỹ Lý, thủy điện Nậm Mô 1, tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết hiện nay, Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam - Lào về đầu tư và quản lý vận hành các Dự án thủy điện Mỹ Lý và Nậm Mô 1 vẫn chưa được phía Lào xem xét để ký chính thức, do đó Chủ đầu tư các Dự án thủy điện Mỹ Lý và Nậm Mô 1 chưa thể triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Một đoạn sông, 4 thủy điện

Dọc đường Hồ Chí Minh đoạn từ cầu treo Đakrông (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) vào tầm 40km, có đến 4 thủy điện. Cũng dọc đoạn đường đó, những ngôi nhà sàn của đồng bào Vân Kiều - Pa Cô nép ở giữa, bên này là đường, bên này là sông Đakrông.

Từ xưa, sông Đakrông nổi tiếng trong xanh, 4 mùa không cạn nước, và đó là nguồn nước sinh hoạt của người dân. Họ dùng nước sông để ăn uống, tắm rửa, và đánh bắt cá để kiếm kế sinh nhai. Nhưng mấy năm trở lại, thủy điện Đakrông 1, Đakrông 2, Đakrông 3, Đakrông 4 lần lượt mọc lên, chặt sông Đakrông thành từng khúc, khiến cá tôm cạn kiệt.

4 thủy điện đều có công suất không lớn, như Nhà máy Thủy điện Đakrông 1 (xã Húc Nghì, huyện Đakrông) công suất chỉ 12MW và có vốn đầu tư 377,9 tỉ đồng. Từ khi 4 thủy điện đi vào hoạt động, không chỉ cạn kiệt tài nguyên trên con sông này, mà vào mùa mưa lũ người dân gánh chịu nhiều thiệt hại. Như trong đợt mưa từ ngày 5.10 đến 13.10 khiến Thủy điện Đakrông 2, Thủy điện Đakrông 3, Thủy điện Đakrông 4 đều dâng ngập toàn mặt đường trung bình 1 mét, gây ách tắc giao thông.

Đặc biệt, mưa lớn nên hồ chứa của 4 thủy điện đều “no nước” rồi chảy về thượng nguồn, khiến nước trên dòng sông Đakrông dâng đột ngột. Vào năm 2012, thủy điện Đakrông 3 từng bị vỡ đập, khiến người dân ở hạ lưu lãnh hậu quả nặng nề. Tiếp đó, đến năm 2017, thủy điện này lại tiếp tục gặp sự cố, nên bây giờ cứ trời mưa to, là họ cứ nơm nớp lo sợ. “Bây giờ có đến 4 cái thủy điện, cái nào cũng tích nhiều nước. Mùa khô tích lại, dân đây không có nước dùng, còn mùa mưa thì ồ ạt xả về nên chúng tôi rất lo” - ông Hồ Ta (xã Đakrông, huyện Đakrông), nói.

Tại Hà Tĩnh, đợt mưa, lũ năm 2016 gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho huyện Hương Khê. Sự việc gây bức xúc cho nhân dân và chính quyền địa phương bởi việc xả lũ điều tiết không thông báo. Lãnh đạo huyện Hương Khê đã bức xúc cho rằng, thủy điện Hố Hô xả lũ bất ngờ từ 500m3/s - 1.800m3/s đã khiến người dân trở tay không kịp. Theo UBND huyện Hương Khê, với cống suất nhỏ chỉ 13MW mà thủy điện Hô Hô để lại những lo ngại, tiềm ẩn nguy hiểm lớn cho nhân dân vùng hạ du.

Cuối năm 2016, Bộ TNMT đã xử phạt 5 hành vi vi phạm của chủ đầu tư Thủy điện Hố Hô 115,5 triệu đồng. Trong đó có lỗi không xây dựng kế hoạch điều tiết nước hàng năm của hồ chứa theo quy định, không thực hiện chế độ thông báo, báo cáo liên quan đến vận hành công trình.

Ngày 15.10, ông Nguyễn Tiến Chương - Chủ tịch UBND xã Điền Mỹ - một xã trũng thấp nhất của huyện Hương Khê, thường bị ngập lụt, nhất là khi có sự điều tiết xã lũ của thủy điện Hố Hô lo ngại hiện nay ở huyện Vũ Quang cũng có nhà máy thủy điện Ngàn Trươi vừa đi vào hoạt động, nếu khi mưa lớn, đồng thời cả thủy điện Hố Hô và thủy điện Ngàn Trươi xả lũ điều tiết thì xã Điền Mỹ sẽ ngập lụt rất nặng.

(Nguồn: Báo Lao Động)

TAGS

Tiếp cận Thủy điện Rào Trăng 3, đất đá vùi lấp nhiều điểm

Nhóm CTV |

Trong ngày 14/10, lực lượng cứu hộ theo đường thuỷ sau nhiều giờ vượt rừng, băng thác đã tiếp cận được khu vực xảy ra vụ sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3.

Dùng thiết bị tầm nhiệt để tìm kiếm người mất tích trong vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3

Minh Uyên |

Sau khi cứu được 19 người và tìm thấy một thi thể, hôm nay, lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm những người còn lại.

Thủy điện Quảng Trị điều tiết nước cắt lũ cho vùng hạ du

Tân Nguyên |

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trong những ngày qua tình hình mưa lũ ở tỉnh Quảng Trị diễn biến phức tạp, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1983. Từ ngày 7-10/10/2020 hồ chứa công trình Thủy lợi-Thủy điện Quảng Trị đã thực hiện nhiệm vụ cắt trọn đợt lũ với đỉnh lũ gần 1000 m3/s, dung tích cắt lũ 110 triệu m3.

Huế: Nhiều tuyến đường ngập, 2 thủy điện phải xả lũ

Phúc Đạt |

Mưa lớn kéo dài làm nhiều tuyến đường ở TP.Huế ngập nặng, 2 thủy điện phải xả lũ.