Hiệu quả kinh tế cao từ cho lợn nuôi nghe nhạc

Mỹ Hằng |

Sinh ra, lớn lên ở một làng quê nghèo bãi ngang ven biển, anh Ngô Thế Biên (sinh năm 1986) ở thôn Thử Luật, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã quyết tâm biến những tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.


Theo lời kể của anh Biên, trước đây, gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù đất đai nhiều song do chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nên kinh tế chỉ đủ ăn. Từ khi được tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia các lớp chuyển giao KHKT, đã giúp anh thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn hơn trong đầu tư phát triển kinh tế. Năm 2015, anh bắt đầu xây dựng mô hình chăn nuôi lợn xa khu dân cư với phương thức nuôi cho lợn nghe nhạc.

Anh Biên cho biết, cách đây hơn 7 năm, xem báo, nghe đài thấy ở nước ngoài có mô hình cho bò sữa nghe nhạc để bò cho sữa nhiều hơn, anh áp dụng thử với đàn lợn nhà mình. Anh cho lợn nghe nhạc cải lương và nhạc bolero để chúng ngủ ngon, an thần, không bị kích động, ít tiêu hao năng lượng. Anh thường mở nhạc liên tục 8 giờ/ngày vào mỗi bữa sau khi cho lợn ăn. Qua theo dõi cho thấy, đàn lợn của gia đình chóng lớn, tăng trưởng nhanh hơn.

Anh Ngô Thế Biên (giữa) giới thiệu về mô hình chăn nuôi lợn của gia đình -Ảnh: M.H
Anh Ngô Thế Biên (giữa) giới thiệu về mô hình chăn nuôi lợn của gia đình -Ảnh: M.H

“Trước đây lợn nái thường bị động thai, nhất là lứa so, lợn mẹ dễ bị trầm cảm do tiếng động bất thường làm chúng giật mình. Sau khi nghe quen nhạc, chúng trở nên dễ thuần, lợn nái và lợn thịt không phá phách cắn nhau như trước mà nằm yên”, anh Biên chia sẻ.

Hiện nay trang trại nuôi lợn của gia đình anh Biên có 160 con lợn thịt, 30 lợn nái. Mỗi năm anh xuất bán 3 lứa lợn thịt thương phẩm, mỗi lứa khoảng 15 tấn thịt. Theo tính toán, sau khi trừ các khoản chi phí, anh có nguồn lợi nhuận khoảng 240 triệu đồng/năm từ chăn nuôi lợn.

Bên cạnh đó gia đình anh canh tác thêm 3 sào lúa, 4 sào môn, 6 sào ném, chăn nuôi gà thả vườn. Nguồn thu từ trồng trọt, chăn nuôi gà đạt khoảng 40 triệu đồng/năm. Không dừng lại ở đây, với quyết tâm làm giàu ngay trên chính quê hương, năm 2018, sau khi tìm hiểu và nhận thấy tính khả thi của mô hình nuôi cá lóc trong bể xi - măng lót bạt, anh Biên đầu tư xây dựng 3 bể cá với diện tích 300 m2 mặt nước; đồng thời khoan thêm 3 giếng nước ngọt để đảm bảo nguồn nước cho chăn nuôi.

Ban đầu, chưa có kinh nghiệm thực tế nên anh chỉ đưa vào nuôi thử nghiệm với số lượng ít. Quá trình chăm sóc, được sự hỗ trợ, chia sẻ về kỹ thuật và tìm hiểu về đặc tính của loại cá lóc cũng như tìm hiểu kỹ thị trường đầu ra, anh đã trực tiếp vào tận tỉnh An Giang để nhập con giống đảm bảo chất lượng về thả nuôi với số lượng lớn.

“Qua theo dõi tôi thấy thường là vào tháng thứ 2, thời điểm cá sinh trưởng mạnh nên dễ phát sinh một số bệnh như: xuất huyết, lở loét, nấm mang. Do đó, cần sớm phát hiện bệnh để có những biện pháp phòng ngừa, điều trị kịp thời, hợp lý”, anh Biên chia sẻ. Hiện nay, anh Biên đang thả nuôi khoảng 25 nghìn cá giống mỗi vụ. Sau khoảng 7 tháng thả nuôi, khi cá đạt kích cỡ thương phẩm từ 0,8 kg đến 1 kg sẽ xuất bán với giá dao động từ 45 - 50 nghìn đồng/ kg, trừ các khoản chi phí, gia đình có nguồn lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm.

Theo ông Nguyễn Văn Năm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh cho biết, anh Biên là tấm gương sáng vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng ở địa phương. Với mô hình kinh tế này, mỗi năm đem lại nguồn thu nhập cho gia đình trên 350 triệu đồng.

Đây được xem là nguồn thu nhập lớn ở một địa phương còn nhiều khó khăn như ở bãi ngang Vĩnh Thái. Ngoài tạo việc làm làm giàu cho chính bản thân, anh còn thường xuyên phổ biến kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng KHKT trong trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên, nông dân, tạo điều kiện cho họ vươn lên làm kinh tế để ổn định cuộc sống.

Mô hình kinh tế của anh không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình mà còn là động lực, sức lan tỏa để người dân trong xã học tập, thi đua phát triển kinh tế.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Biên còn là một chi hội trưởng nông dân gương mẫu, nhiệt tình công việc chung. Từ kinh nghiệm sản xuất của bản thân, anh tích cực vận động hội viên tham gia các hoạt động, phong trào của hội, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả phong trào ‘Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Nông dân đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Anh còn đề xuất cấp trên tạo điều kiện cho hội viên tham gia các lớp chuyển giao KHKT, tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến áp dụng vào sản xuất nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Diện tích nuôi biển toàn tỉnh đạt trên 71 ha

Lê An |

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 71,1 ha và 313 m3 lồng bè nuôi biển. Đối tượng nuôi chủ yếu là cá mú, cá chẽm, cá hồng, cá bớp, cá dìa, cá kình và ốc hương.

Hành trình nuôi sống em bé chỉ nặng 670 gram

Nam Phương |

Các y, bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị vừa chăm sóc, điều trị thành công một em bé chào đời khi thai kỳ chỉ mới 25 tuần với cân nặng vỏn vẹn 670 gram. Đây quả thực là một hành trình diệu kỳ, không chỉ với riêng gia đình em bé mà còn với tập thể những “ông bố, bà mẹ” áo blouse trắng.

Thành công bước đầu với mô hình nuôi dúi má đào Thái Lan

Nguyễn Trang |

Khi bắt đầu nuôi loài dúi nhập khẩu má đào Thái Lan hay còn gọi là dúi vàng, gia đình anh Lê Văn Hoài - chị Hoàng Thị Hoài Thu ở thôn Rào Trường, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) không khỏi lo lắng vì mô hình này còn khá mới, tại huyện Vĩnh Linh chưa có cơ sở nào gây nuôi.

Trồng chanh leo “nuôi” cà phê

Lê An |

Thời gian gần đây, nhiều hộ trồng cà phê tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã kết hợp trồng chanh leo trong vườn cà phê tái canh giai đoạn kiến thiết cơ bản. Bên cạnh tác dụng che bóng cho vườn cà phê, cây chanh leo còn cho thu nhập tương đối ổn định, giúp người trồng cà phê “lấy ngắn nuôi dài”.