Thực hiện chương trình phát triển kinh tế phía Tây Quảng Trị, những năm từ 1993 - 2000, tỉnh đã có chủ trương cho vay bù lãi suất phát triển cây công nghiệp dài ngày ở vùng Hướng Hóa.
Kết quả chương trình đã đưa đến cho vùng Hướng Hóa gần 5.000 ha cà phê chè catimor, tạo lượng hàng hóa xuất khẩu cho tỉnh và đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Tuy nhiên, do thời gian khai thác quá lâu năm dẫn đến hơn 55% diện tích cây cà phê già cỗi, thoái hóa, nhiễm sâu bệnh nặng và cho năng suất thấp. Do đó, để phát triển cây cà phê bền vững, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, thì tái canh cây cà phê ở Hướng Hóa để nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng là việc làm cấp thiết.
Trong quá trình cải tạo diện tích cây cà phê già cỗi, tỉnh đã triển khai Đề án “Tái canh và phát triển bền vững cây cà phê chè trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2020, tính đến năm 2025”. Kết quả đã thực hiện tái canh một số diện tích cà phê. Tuy nhiên tính đến cuối năm 2020, tổng diện tích trồng mới và tái canh cây cà phê ở Hướng Hóa chỉ đạt 490 ha/800 ha, đạt 61% so với kế hoạch đề ra.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tái canh cây cà phê chưa đạt mục tiêu, nhưng chủ yếu là do những năm gần đây, giá cà phê xuống thấp dẫn đến người trồng cà phê không duy trì trồng mới và tái canh diện tích cà phê già cỗi. Mặc dù vậy, tỉnh vẫn quyết tâm duy trì ổn định diện tích cây cà phê đạt 4.500 - 5.000 ha và hằng năm diện tích trồng mới, tái canh đạt 150 - 200 ha.
Góp phần thực hiện đề án tái canh cây cà phê của tỉnh, với nguồn vốn từ dự án khuyến nông trung ương, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã xây dựng mô hình “Tái canh cây cà phê chè” trong 3 năm từ 2020 - 2022 với quy mô 30 ha. Năm 2020, dự án được khảo sát địa điểm và bắt đầu tái canh 6 ha đầu tiên tại xã Hướng Phùng, trong đó có 5 ha giống catimor và 1 ha giống mới THA1 với 12 hộ tham gia. Dự án hỗ trợ 100% giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho trồng mới và 100% phân bón, thuốc BVTV để chăm sóc năm thứ 2.
Trong 2 năm 2021 và 2022, dự án thực hiện trồng mới 24 ha tại xã Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Liên và thị trấn Khe Sanh. Dự án hỗ trợ 70% giống và các loại vật tư phân bón thiết yếu để đảm bảo định mức kinh tế kỹ thuật và quy trình tái canh. Giống cà phê catimor lấy từ 2 vườn cây đầu dòng được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh công nhận có chất lượng tốt, hạt giống THA1 được mua từ Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, gieo ươm và chọn lọc lại đảm bảo độ đồng đều. Trước khi đem trồng, cây giống được các cơ quan chuyên môn của ngành kiểm tra đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất và xuất vườn, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Các loại vật tư phân bón có xuất xứ rõ ràng, chất lượng theo tiêu chuẩn quy định.
Các hộ tham gia dự án được tập huấn kỹ thuật 2 đợt. Đợt 1, tập huấn về phương pháp ủ phân hữu cơ, đợt 2 tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê. Mô hình còn hướng dẫn khuyến khích các hộ nông dân ủ phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê sau khi chế biến, đã mang lại "hiệu quả kép" cho các hộ nông dân, vừa giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường vừa tạo ra được nguồn phân hữu cơ tại chỗ giúp giảm chi phí đầu tư trong sản xuất, nâng cao chất lượng cà phê.
Với phương pháp học lý thuyết tại lớp và tham quan thực địa tại vườn đã giúp học viên nắm được những kiến thức, kỹ năng để có thể áp dụng sản xuất tái canh cây cà phê, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm kiến thức cho người khác sau khi tham gia học tập. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát cơ sở kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn các hộ tổ chức thực hiện tất cả các hoạt động của mô hình, ghi chép các chỉ tiêu theo yêu cầu của dự án để phân tích xử lý các thắc mắc, tình huống xảy ra trong thời gian thực hiện.
Sau 3 năm thực hiện mô hình, đến nay đã đạt được những kết quả khả quan. Đối với mô hình tái canh năm nay, cây cà phê sinh trưởng tốt, cây con ra lộc non mạnh; tỉ lệ sống đạt 99%, đã có từ 8 - 9 cặp lá, chiều cao cây trung bình 28 - 30 cm, đường kính gốc trung bình đạt 3,8 - 4,0 mm. Mô hình chăm sóc năm thứ 2, cây cà phê phát triển tốt, chiều cao cây trung bình 75 - 85 cm, có từ 12 - 14 cặp cành cấp 1, ít sâu bệnh. Mô hình chăm sóc năm thứ 3, chiều cao cây trung bình từ 125 - 135 cm, có 25 - 28 cặp cành C1, chiều dài cành C1 trung bình 70 - 75 cm, số cành cho quả trung bình 9 - 10 cặp; ít sâu bệnh.
Hiện diện tích trồng từ năm 2020 đang cho thu hoạch quả bói năm đầu tiên, năng suất thu bói trung bình 5 - 6 tấn quả tươi/ ha. Với giá cà phê quả tươi năm nay khoảng 14.000 đồng/kg, thì vụ đầu tiên đạt trị giá từ 70 - 85 triệu đồng/ha. Chị Bùi Thị Lợi ở Hướng Phùng cho biết, những năm trước, giá cà phê rất thấp, người dân trong vùng không mặn mà tái canh, việc chăm sóc cũng bỏ bê, vì thế năng suất giảm mà sâu bệnh nhiều. Năm nay mới đầu vụ nhưng giá cà phê cao nên người dân rất phấn khởi, họ quay lại chăm sóc, tái canh, đầu tư cho vườn cà phê của mình.
Về hiệu quả thực hiện dự án “Tái canh cây cà phê chè”, bà Lê Thị Tú, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: dự án được thực hiện đã phần nào giúp nông dân khắc phục được khó khăn về vốn đầu tư ban đầu. Đồng thời, mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp người dân tiếp cận được kiến thức, kỹ thuật canh tác, giống mới, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương trong vùng để sản xuất cà phê ngày càng bền vững, lâu dài và đạt kết quả tốt.
Cà phê là cây đặc sản của vùng Bắc Hướng Hóa, đã trở thành cây trồng chính trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ. Vì vậy, ngay cả những lúc cà phê rớt giá sâu, chính quyền địa phương cũng quyết tâm vận động khuyến khích người dân duy trì sản xuất cây cà phê và tìm hướng đi mới cho cây cà phê. Dự án “Tái canh cây cà phê chè” mà Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai trên địa bàn các xã, thị trấn Bắc Hướng Hóa bước đầu cho hiệu quả khá. Đây là tín hiệu vui cùng với việc tăng giá trở lại của thị trường cà phê tạo niềm tin cho nông dân yên tâm tái canh cây cà phê, đưa loại cây trồng này phát triển bền vững.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)