Ngành chăn nuôi trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng ngành nông nghiệp và PTNT của tỉnh Quảng Trị, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, trước sự phát triển của đô thị, các khu dân cư tập trung và yêu cầu đảm bảo môi trường thì ngành chăn nuôi của tỉnh đang bộc lộ nhiều tồn tại cần khắc phục. Nhằm triển khai thực hiện thống nhất, hiệu quả Luật Chăn nuôi, từng bước chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết số 160/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 về Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quy định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đây là cơ sở pháp lý để phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh theo đúng quy hoạch.
Mặc dù ngành chăn nuôi đang từng bước chuyển dịch từ nhỏ lẻ sang quy mô sản xuất hàng hóa theo hình thức trang trại, gia trại tập trung với số lượng lớn, an toàn dịch bệnh, song đến nay, vẫn còn tình trạng chăn nuôi nông hộ quy mô nhỏ lẻ, phân tán, nằm xen kẽ trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường xung quanh, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Việc quy định khu vực không được phép chăn nuôi nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm, cải thiện môi trường sống cho người dân, góp phần cải tạo, chỉnh trang đô thị phù hợp với quá trình phát triển của địa phương. Bên cạnh đó, việc di dời các cơ sở sản xuất chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi tạo điều kiện cho các cơ sở mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô, giúp cho hoạt động chăn nuôi phát triển bền vững, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng có liên quan áp dụng trong quản lý phát triển chăn nuôi tại địa phương.
Hiện toàn tỉnh có 181 khu vực không được phép chăn nuôi tại các huyện, thị xã, thành phố. Đây là những khu vực, tuyến đường thuộc trung tâm của các huyện, thị xã, thành phố có chung các đặc điểm như: Khu vực trung tâm hành chính, khu nhà liền kề, mật độ dân cư cao, khu vực kinh doanh dịch vụ, tỉ lệ đất nông nghiệp thấp.
Theo báo cáo rà soát, thống kê của các địa phương thì khu vực nội thành, nội thị có 14.469 hộ dân sản xuất chăn nuôi (chiếm 33,7% số hộ dân nội thành, nội thị và chiếm 20,67% tổng số cơ sở chăn nuôi toàn tỉnh); trong đó chỉ có 301 hộ chăn nuôi có xử lý chất thải, chiếm 2,08% tổng số hộ chăn nuôi tại các khu vực này. Về tổng đàn chăn nuôi, tại khu vực nội thành, nội thị hiện có 6.420 con trâu, bò, 23.730 con lợn, hơn 295.000 con gia cầm và 8.200 con vật nuôi khác của 33 trang trại và 14.436 cơ sở chăn nuôi nông hộ.
Về nuôi yến, toàn tỉnh có 63 nhà nuôi chim yến với tổng diện tích sàn nuôi là 11.884 m2 , trong đó có 14 nhà nuôi tách biệt và 49 nhà nuôi chung với nhà ở. Để di dời các cơ sở sản xuất chăn nuôi tới đúng nơi quy định cần nguồn kinh phí khá lớn phục vụ việc di dời, xây dựng lại chuồng trại, tái đàn, đầu tư phát triển sản xuất...
Đây là những đầu tư phát sinh mà những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hoặc trang trại trước đây chưa tính đến nên chưa xây dựng kế hoạch vốn dự phòng để đầu tư thực hiện. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ di dời thì cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm giải quyết một phần khó khăn về kinh phí cho các cơ sở chăn nuôi thuộc diện di dời có điều kiện để tái sản xuất, ổn định và phát triển.
Từ quy định của pháp luật và tình hình thực tế về chăn nuôi của tỉnh, việc ban hành Nghị quyết 160 của HĐND tỉnh là rất cần thiết. Chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện để các cơ sở chăn nuôi mở rộng quy mô và khả năng sản xuất.
Đây cũng là cơ hội để các cơ sở chăn nuôi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học khép kín để phòng, chống dịch bệnh; trình độ nhận thức, khả năng tiếp cận, dự đoán thị trường của người chăn nuôi cũng nhờ đó được nâng lên và chủ động trong việc xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức chăn nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường; hình thành được các liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tạo ra sản phẩm hàng hóa cạnh tranh trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất chăn nuôi.
Để triển khai Nghị quyết 160 đạt kết quả tốt, ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh, các cấp chính quyền đã tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người chăn nuôi và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về chăn nuôi, công tác bảo vệ môi trường; tạo môi trường, cảnh quan sạch, đẹp, không bị ô nhiễm bởi chất thải chăn nuôi tại các khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Thời gian di dời các cơ sở chăn nuôi về đúng nơi quy định được thực hiện trong 3 năm, từ năm 2022 - 2024.
Tổng kinh phí để thực hiện di dời gần 3,4 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố theo tỉ lệ tỉnh 70% và huyện 30%. Khi tiến hành di dời, nhà nước hỗ trợ một phần chi phí tháo dỡ, phá hủy, vận chuyển chuồng trại. Việc hỗ trợ được thực hiện sau khi cơ sở di dời xong đến nơi chăn nuôi mới và đảm bảo quy định về môi trường, về điều kiện chăn nuôi và có xác nhận của chính quyền địa phương.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch tổng thể phát triển đô thị trên địa bàn, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh để tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển chăn nuôi, quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, trong đó quan tâm quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung, bố trí quỹ đất đủ để đảm bảo nhu cầu chăn nuôi của người dân ở chỗ mới. Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, liên kết nhằm đảm bảo đầu ra ổn định, nâng cao năng suất chăn nuôi.
Ngành chức năng tăng cường công tác dự báo thị trường sản phẩm để người dân xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi phù hợp với từng giai đoạn, đảm bảo nguồn cung ứng sản phẩm với nhu cầu thị trường tiêu thụ.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc cho biết, hiện các ngành chức năng và các địa phương đang thực hiện kiểm đếm, hướng dẫn hồ sơ cho các cơ sở chăn nuôi thực hiện làm thủ tục di dời. Các ngành và địa phương đang tiến hành các bước chặt chẽ đảm bảo các cơ sở di dời đúng lộ trình và tuân theo quy hoạch phát triển chăn nuôi của địa phương, chậm nhất đến hết năm 2024 phải di dời toàn bộ cơ sở chăn nuôi về đúng nơi quy định”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)