Người dân xã A Ngo áp dụng kỹ thuật mới trong chăn nuôi gà

Kô Kăn Sương |

Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với chính quyền xã A Ngo, huyện Đakrông (Quảng Trị) thực hiện mô hình nuôi gà giống địa phương sử dụng đệm lót sinh học. Sau một thời gian ngắn triển khai, mô hình bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận, gà sinh trưởng tốt vì phù hợp với điều kiện môi trường, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, tạo động lực để địa phương nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

Trước đây, gia đình chị Hồ Thị Bom ở thôn A Đeng nuôi gà số lượng ít khoảng dưới 10 con, theo phương thức truyền thống. Gà thả vườn đi ăn tự do nên phát triển chậm, thường bị hao hụt do dịch bệnh, hiệu quả kinh tế thấp, chủ yếu làm thực phẩm trong gia đình. Trong chuồng gà và xung quanh vườn nhà chị luôn có mùi hôi rất khó chịu.

Mô hình nuôi gà giống địa phương sử dụng đệm lót sinh học ở xã A Ngo đang mang lại hiệu quả - Ảnh: K.S
Mô hình nuôi gà giống địa phương sử dụng đệm lót sinh học ở xã A Ngo đang mang lại hiệu quả - Ảnh: K.S

Vừa qua, gia đình chị Bom được Trung tâm Khuyến nông tỉnh và UBND xã chọn là 1 trong 5 hộ xây dựng mô hình điểm nuôi gà giống địa phương có sử dụng đệm lót sinh học; được hỗ trợ 100 con giống và thức ăn, cung cấp kiến thức xây dựng chuồng trại chăn nuôi đúng kỹ thuật. Sau 3 tháng chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học, đàn gà của gia đình chị phát triển tốt, bình quân mỗi con đạt trọng lượng 1 - 1,2 kg và chuẩn bị xuất chuồng.

Chị Bom nói: “Trong quá trình nuôi gà theo kỹ thuật mới, tôi được cán bộ nông nghiệp tỉnh và xã tận tình hướng dẫn rất kỹ từ cách làm chuồng trại cho đến chăm sóc, cho gà ăn như thế nào để tăng trọng nhanh. Từ khi sử dụng đệm lót sinh học để chăn nuôi, mùi hôi thối của phân gà không còn nữa, chúng tôi không tốn công dọn chuồng, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường xung quanh. Đặc biệt, đàn gà ít xảy ra dịch bệnh, sinh trưởng tốt. Sau lứa gà này, tôi sẽ lựa chọn những con gà khỏe mạnh giữ lại làm giống, ấp nở và duy trì, phát triển mô hình, góp phần tăng thu nhập cho gia đình”.

Với mục tiêu chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà thịt thả vườn cho đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng an toàn sinh học từ nguồn giống gà Ri ấp nở tại địa phương, quản lý tốt dịch bệnh, sử dụng đệm lót sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế bền vững, nâng cao đời sống người dân gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới; cung cấp sản phẩm an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, giúp các hộ làm quen với phương thức chăn nuôi mới, từng bước hình thành và xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng cho vùng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với chính quyền xã A Ngo triển khai mô hình nuôi gà giống địa phương sử dụng đệm lót sinh học với quy mô 500 con.

Tham gia mô hình có 5 hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn gồm các hộ: Hồ Văn Mú, Hồ Văn Lam, Hồ Thị Nát (thôn A Rồng Dưới), Hồ Thị Bom (thôn A Đeng) và Hồ Thị Húi (thôn A La). Đây là những hộ có chuồng trại chăn nuôi tốt, có kinh nghiệm, lao động. Mỗi hộ được hỗ trợ 100 con giống. Yêu cầu mô hình là chuồng trại khoảng trên 20 m2 /mô hình; vườn quây thả lưới khoảng trên 100 m2 ; trọng lượng ở 16 tuần tuổi đạt từ 1,4 kg trở lên, tỉ lệ nuôi sống đến xuất chuồng đạt trên 90%.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh cam kết đối ứng giống, vật tư và áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật của mô hình. Giống hỗ trợ cho các hộ là gà Ri và Cu Roa. Sau khi ấp nở, gà giống được úm 21 ngày tuổi, tiêm phòng đầy đủ vắc xin, trung tâm tiến hành bàn giao cho người dân. Các hộ được lựa chọn một số gà thịt sau nuôi để xuất bán, số gà còn lại để đẻ trứng và lấy giống tiếp tục ấp nở, nhân giống để chăn nuôi.

Kết quả sau 3 tháng thực hiện mô hình, gà phát triển tốt, tỉ lệ sống đạt 97%, trọng lượng trung bình 1 -1,2 kg/con. Giống gà này rất phù hợp với điều kiện môi trường ở A Ngo vì dễ nuôi, chống chọi được với dịch bệnh.

Anh Hồ Văn Tập, cán bộ nông nghiệp xã A Ngo cho biết: “Sau khi có chủ trương xây dựng mô hình nuôi gà giống địa phương sử dụng đệm lót sinh học, UBND xã quan tâm chỉ đạo cán bộ chuyên môn thường xuyên về tận hộ gia đình tuyên truyền, vận động tham gia triển khai mô hình. Thấy được mục đích, ý nghĩa của nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học, 5 hộ gia đình ở xã đã nhiệt tình tham gia. Các hộ nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi gà rất nhanh và có trách nhiệm cao trong thực hiện mô hình. Nhờ vậy, gà mau lớn, không bị dịch bệnh. Địa phương rất mong Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhân rộng mô hình chăn nuôi gà cho các hộ khó khăn khác, tạo điều kiện để người dân thoát nghèo bền vững”.

Trên cơ sở kết quả đạt được, hiện nay Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi hướng dẫn, lựa chọn con giống tốt tiếp tục gây giống để nhân rộng. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trần Cẩn cho biết: “Gà có thịt rất thơm, ngon, hiện tiêu thụ rất tốt, bình quân có giá từ 150.000 - 200.000 đồng/kg.

Thời gian tới, trung tâm tiếp tục hỗ trợ duy trì và nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn xã. Ngoài mô hình nói trên, tháng 11/2021 trung tâm triển khai mô hình chuối tiêu hồng với quy mô 1 ha tại A Ngo và các xã dọc đường 14 thuộc huyện Đakrông. Sau khi có kết quả tốt, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương nhân rộng mô hình trồng chuối tiêu hồng ở tất cả các xã; đồng thời, hỗ trợ khôi phục giống lúa nếp than, góp phần tạo ra các sản phẩm đặc trưng để xây dựng sản phẩm OCOP của huyện”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Các quốc gia trên toàn thế giới 'đánh dấu' Ngày Quốc tế Lao động 1/5

Chấn Hưng |

Những người biểu tình trên khắp thế giới đã xuống đường vào Chủ nhật (1/5) để chào mừng người lao động và thúc đẩy cải thiện quyền lao động.

Lợi ích kép từ mô hình liên kết chăn nuôi gà

Bảo Bình |

Mô hình liên kết chăn nuôi gà khép kín của ông Phạm Hóa, ở thôn Dương Đại Thuận, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) là một trong những mô hình có quy mô lớn trong toàn tỉnh. Với việc liên kết với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (gọi tắt là Công ty Japfa) chăn nuôi gà gia công theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao đã mở ra hướng làm giàu triển vọng cho gia đình ông Hóa, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Mô hình nuôi gà ri mở hướng làm giàu trên đất cát

Minh Kha |

Những năm qua, từ phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” trên địa bàn huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình về phát triển kinh tế. Chị Nguyễn Thị Cẩm Mỹ ở Thôn 7, xã Triệu Vân là một trong số đó. Từ một hộ khó khăn, được sự hỗ trợ của các cấp hội phụ nữ và ý chí vượt khó, ham học hỏi, chị đã xây dựng thành công mô hình nuôi gà ri trên cát, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.

Hiệu quả cao từ liên kết với doanh nghiệp để nuôi gà

Thanh Hằng - Cảnh Thu |

Sau nhiều đợt thiên tai liên tiếp, điều kiện để tái sản xuất, khôi phục chăn nuôi của người dân vùng lũ gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng liên kết đã và đang mở ra hướng chăn nuôi ổn định cho người dân vùng lũ huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Trong đó, mô hình nuôi gà của ông Trần Hữu Tấn ở thôn Dương Đại Thuận, xã Triệu Thuận là một trong những mô hình liên kết chăn nuôi bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.