Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bền vững

BA |

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025”.

Mục tiêu tổng quát của Chương trình là phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, góp phần hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030. Huy động nguồn lực xã hội, từng bước phát triển hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bền vững, đóng góp tích cực trong việc tạo công ăn việc làm, nâng cao mức sống cho người thu nhập thấp, người yếu thế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bền vững
Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bền vững

Hỗ trợ khoảng 10.000 doanh nghiệp phát triển bền vững

Chương trình phấn đấu đến năm 2025, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp khu vực tư nhân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của kinh doanh bền vững; bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhu cầu hỗ trợ, tư vấn, quản lý về kinh doanh bền vững. Hỗ trợ phát triển tối thiếu 10 công cụ, giải pháp đo lường, đánh giá, công nhận các doanh nghiệp kinh doanh bền vững; qua đó hỗ trợ khoảng 10.000 doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững; góp phần đạt mức tiết kiệm năng lượng 5% - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc; tăng năng suất lao động bình quân khoảng 7%/năm. Hình thành cơ sở dữ liệu và phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững. Xây dựng các mô hình hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững thành công điển hình để lan tỏa, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển bền vững; thu hút các nguồn lực hợp pháp, đặc biệt từ cộng đồng doanh nghiệp để triển khai các sáng kiến hướng tới kinh doanh bền vững.

Chương trình thực hiện trên phạm vi toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025. Chương trình sẽ triển khai thực hiện 3 hoạt động chính: phát triển hệ sinh thái hỗ trợ kinh doanh bền vững; hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bền vững; hoạt động quản lý Chương trình.

Hỗ trợ xây dựng chiến lược, phương án kinh doanh bền vững

Doanh nghiệp được đánh giá và công nhận là doanh nghiệp kinh doanh bền vững được hỗ trợ các nội dung:

Hỗ trợ tư vấn, đào tạo, bao gồm cả hoạt động đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp về xây dựng chiến lược, thiết kế mô hình, phương án kinh doanh bền vững; nhân sự; tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu trong nước và nước ngoài về áp dụng và phát triển mô hình kinh doanh bền vững.

Hỗ trợ công nghệ bao gồm: tìm kiếm, lựa chọn, giải mã và chuyển giao công nghệ phù hợp với doanh nghiệp; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, đo lường chất lượng sản phẩm, dịch vụ; tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; tư vấn lựa chọn giải pháp chuyển đổi số. Hỗ trợ chi phí thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh bền vững. Hỗ trợ tư vấn tiếp cận tài chính, gọi vốn đầu tư.

Hỗ trợ về truyền thông, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh bền vững của doanh nghiệp: hỗ trợ đăng ký thành công tài khoản bán sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế; hỗ trợ chi phí duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế; hỗ trợ chi phí thuê địa điểm, thiết kế và dàn dựng gian hàng, vận chuyển sản phẩm trưng bày, chi phí đi lại, chi phí ăn, ở cho đại diện của doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài.

Doanh nghiệp kinh doanh bền vững là doanh nghiệp nhỏ và vừa được ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện các nội dung trên theo định mức hỗ trợ cao nhất quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các nghị định hướng dẫn Luật.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Nhiều doanh nghiệp ra quân sản xuất đầu năm mới

Thanh Trúc |

Ngày 7/2, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã ra quân sản xuất đầu năm mới với tâm thế sẵn sàng nỗ lực, vượt qua khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh trong năm 2022.

Doanh nghiệp chăm lo cho người lao động để khôi phục sản xuất

Mai Lâm |

Lực lượng công nhân lao động Quảng Trị nói riêng, cả nước nói chung đã trải qua một năm đầy sóng gió do ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, sự quan tâm, chia sẻ, khích lệ của toàn xã hội, người lao động đang từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, ổn định cuộc sống.

7 doanh nghiệp liên quan đến Công ty Việt Á đang bị điều tra

Thanh Mai |

Các doanh nghiệp này đều hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu vật tư, máy móc, thiết bị sinh học, thiết bị y tế...

Biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp có thành tích nộp thuế xuất sắc năm 2021

Lê Minh |

Ngày 21/1, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp có thành tích nộp thuế xuất sắc năm 2021. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Quang Chiến; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam; cùng đại diện gần 70 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dự hội nghị.