Lực lượng công nhân lao động Quảng Trị nói riêng, cả nước nói chung đã trải qua một năm đầy sóng gió do ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, sự quan tâm, chia sẻ, khích lệ của toàn xã hội, người lao động đang từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, ổn định cuộc sống.
Mới đây, thông tin về Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Du lịch Quảng Trị không nhận lương từ tháng 8 - 11/2021 để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động khi doanh nghiệp gần như phải đóng cửa, ngừng hoạt động do COVID-19 khiến nhiều người xúc động. Theo ông Mai Chí Dương, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Du lịch Quảng Trị, 2 năm ảnh hưởng COVID-19 khiến tình hình hoạt động kinh doanh của công ty trở nên chật vật, khó khăn. Công ty có 2 mảng hoạt động chính là lưu trú và dịch vụ nhà hàng tiệc cưới nhưng suốt thời gian qua gần như ngừng hoạt động. Với 55 lao động, thời gian trước công ty thực hiện bố trí việc làm cho người lao động theo hình thức luân phiên.
Tuy nhiên, khó khăn kéo dài, buộc ban lãnh đạo công ty phải đưa ra quyết định ngừng việc tạm thời đối với 30 lao động để duy trì việc làm thường xuyên cho 25 lao động. Quyết định này cũng nhằm đảm bảo lợi ích cho toàn bộ người lao động vì thời gian làm việc luân phiên kéo dài khiến thu nhập theo ngày công của tất cả người lao động đều thấp, trong khi một số lao động tạm thời tìm được công việc thay thế, nếu phải duy trì làm việc luân phiên ở công ty sẽ không đáp ứng được.
Công ty cũng cam kết, thời gian tới khi hoạt động trở lại ổn định, nếu số lao động ngừng việc trên có nhu cầu quay trở lại làm việc sẽ ưu tiên bố trí công việc ngay. Hai quyền lợi của người lao động mà công ty luôn đặt lên hàng đầu trong giai đoạn khó khăn này là thu nhập người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mà Nhà nước quy định và được tham gia BHXH. Vì lý do này mà trong thời điểm khó khăn nhất, giám đốc và kế toán trưởng của đơn vị đã tự nguyện không nhận lương 4 tháng liên tiếp để duy trì mức đóng BHXH cho 25 lao động.
Dù trong điều kiện sản xuất kinh doanh hết sức khó khăn song nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thể hiện trách nhiệm, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người lao động. Không riêng gì ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Du lịch Quảng Trị mà một số doanh nghiệp khác cũng có nhiều việc làm thiết thực đến với công nhân lao động trong những thời điểm khó khăn do COVID-19, điển hình như Công ty Cổ phần Du lịch Mê Kông vay vốn tín dụng để duy trì thu nhập cho người lao động; Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn - Đông Hà chủ động tìm kiếm việc làm cho người lao động; Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị trích nguồn vốn của công ty và kinh phí công đoàn để duy trì các chế độ, chính sách cho người lao động, tổ chức đời sống cho người lao động khi bị cách ly, phong tỏa do dịch bệnh…
Những ngày cuối năm 2021, đã có khá nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh công bố số tiền thưởng tết Dương lịch và tết Nguyên đán Nhâm Dần cho người lao động. Điều đáng mừng là mức thưởng phần lớn đều tăng hơn năm trước. Số liệu từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về khảo sát tình hình trả lương trong năm 2021 và kế hoạch thưởng tết Dương lịch, tết Nguyên đán Nhâm Dần tại 124 doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy, mức tiền lương bình quân trong toàn bộ các doanh nghiệp được khảo sát khoảng 7,7 triệu đồng/người/tháng, cao hơn khoảng 400 nghìn đồng so với năm 2020.
Mức tiền lương cao nhất trả cho người lao động trong năm 2021 là 52 triệu đồng/người/tháng; không có doanh nghiệp nợ lương của người lao động. Trong 71 doanh nghiệp dự kiến có thưởng tết Dương lịch năm 2022 cho người lao động, mức thưởng cao nhất là 20 triệu đồng/ người tại một doanh nghiệp dân doanh. Trong 87 doanh nghiệp dự kiến có thưởng tết Nguyên đán Nhâm Dần cho người lao động, mức thưởng cao nhất là gần 68 triệu đồng/người tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mức thưởng tết Nguyên đán Nhâm Dần bình quân trong 87 doanh nghiệp dự kiến có thưởng là gần 7,5 triệu đồng/người, cao hơn khoảng 300 ngàn đồng so với năm trước.
Có thể thấy, mặc dù phải gánh chịu hậu quả nặng nề của dịch bệnh nhưng các doanh nghiệp đã nỗ lực vượt bậc, không chỉ để tồn tại mà còn tích cực chăm lo cho người lao động. Sự quan tâm, chia sẻ kịp thời ấy không chỉ giúp người lao động vượt qua khó khăn trước mắt mà còn là biện pháp tốt nhất để giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp, thu hút nguồn nhân lực giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, hoàn thành các chỉ tiêu, đơn hàng dịp cuối năm.
Cũng hướng tới người lao động khó khăn, ngày 11/1/2022, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15 về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm bằng việc sử dụng khoảng 6,6 nghìn tỉ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày ban hành đến ngày 31/12/2023.
Theo tính toán của Chính phủ, chính sách hỗ trợ tiền trọ sẽ tác động đến khoảng 4 triệu công nhân, trong đó có 3,6 triệu công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm và thu hút 400.000 lao động trở lại các nhà máy. Khoản ngân sách hàng nghìn tỉ đồng trên nhằm sẻ chia gánh nặng thuê nhà trọ cho công nhân trong 3 tháng với mục đích kéo người lao động trở lại nhà máy, giữ chân công nhân, tránh bị cuốn theo "làn sóng" hồi hương, đồng thời là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Những ngày qua, đã có rất nhiều chương trình ý nghĩa mà các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp ưu tiên tổ chức cho lao động, công nhân có hoàn cảnh khó khăn khi Tết đến, xuân về. Hàng triệu người lao động cảm thấy ấm lòng bởi khó khăn của họ đã được thấu hiểu, hỗ trợ thiết thực. Sự quan tâm, chăm lo, động viên người lao động kịp thời ấy cũng chính là sợi dây gắn kết bền chặt, giữ chân người lao động tiếp tục gắn bó, đem hết khả năng của mình để đồng hành, sẻ chia cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)