Tuy ở nông thôn, điều kiện học tập không bằng ở đô thị nhưng với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, em Lê Viết Khang, học sinh lớp 8B, Trường Tiểu học và THCS Gio Mai, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã tìm tòi, chế tạo thành công mô hình “Ứng dụng robot đa hướng vào vận chuyển hàng hóa trong nhà hàng, quán ăn, bệnh viện”.
Sản phẩm vừa đoạt giải Nhì cuộc thi Sáng tạo trẻ cấp tỉnh năm 2022. Dự án nghiên cứu của em thuộc lĩnh vực các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.
Ở Viết Khang toát lên sự thông minh, cẩn trọng, nghiêm túc trong học tập và nghiên cứu khoa học. 7 năm qua em liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ngoài yêu thích môn Tin học, em cũng học rất giỏi tiếng Anh.
Nhờ vậy, Viết Khang có thể hiểu các tài liệu khoa học và các video nước ngoài liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu.
Nói về dự án, Viết Khang cho biết, thời gian mọi hoạt động đều bị ngưng trệ, tê liệt bởi COVID-19 em rất trăn trở, mong muốn có những đóng góp cho xã hội. Đề tài của em đến từ nhu cầu thực tế của đời sống.
Ví dụ, trong khu cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện, hằng ngày các nhân viên y tế phải mang thức ăn, thuốc uống… vào cho bệnh nhân. Mặc dù nhân viên y tế đã được trang bị áo quần bảo hộ song nguy cơ lây nhiễm rất cao nên cần robot để vận chuyển thay người trong môi trường này.
Hiện nay, robot đã được ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các nhà máy hiện đại. Do đó, việc tối ưu các loại robot vận chuyển là điều cần thiết để thực hiện các công việc trong nhà máy, công xưởng nhằm mục đích làm tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh tế.
Theo ông Lê Văn Quang, bố của Viết Khang, vì đam mê nghiên cứu nên từ nhỏ Khang thường xuyên tháo các thiết bị điện tử của gia đình để tìm hiểu rồi lắp lại.
Năm học lớp 5, Khang chế tạo mô hình máy cắt cỏ tự động đoạt giải Ba cuộc thi Sáng tạo trẻ cấp huyện. Gia đình luôn khuyến khích em tham gia các hoạt động xã hội và ủng hộ mỗi khi em có ý tưởng mới.
Để thực hiện dự án, Viết Khang dành toàn bộ số tiền thưởng, tiền lì xì tết và tiền ăn sáng của mình để mua thiết bị và linh kiện điện tử.
Cùng với sự hướng dẫn của thầy giáo Tạ Quang Hoàng, giáo viên dạy môn Tin học, Trường Tiểu học và THCS Gio Mai, sau thời gian miệt mài chế tạo, lắp đặt, thử nghiệm, mô hình tối ưu hóa robot vận chuyển hàng hóa đa hướng hoàn thành.
Theo Viết Khang, thay vì robot di chuyển một cách thông thường, em tối ưu hóa robot bằng cách sử dụng nguyên lý cộng vector vào cách di chuyển của bánh xe robot, giúp robot vận chuyển linh hoạt trong môi trường có không gian chật hẹp như nhà máy, công xưởng, bệnh viện.
Việc làm này góp phần tiết kiệm được nguồn nhân lực, giảm chi phí trả lương cho lao động nhưng hiệu quả công việc cao, chuyên nghiệp hơn trong môi trường hiện đại.
Robot của Khang có các tính năng mới là mô phỏng ứng dụng từ trường trong việc điều khiển vật thể/động cơ từ xa qua điện thoại thông minh.
Em đã nghiên cứu và ứng dụng điều khiển vật thể thông qua Node RED, tiền đề ứng dụng giải pháp IoT vào cuộc sống (Node RED là nền tảng lập trình IoT theo tư duy ghép module, phù hợp với các dự án thực tế và đang được thế giới nghiên cứu, sử dụng rộng rãi. IoT - Internet Of Things là hệ thống các thiết bị tính toán, máy móc cơ khí và kỹ thuật số hoặc con người có liên quan với nhau và khả năng truyền dữ liệu qua mạng mà không yêu cầu sự tương tác giữa con người với máy tính).
Sản phẩm của Viết Khang được đánh giá có hàm lượng khoa học cao, chất lượng tốt. Viết Khang cho biết em sẽ tiếp tục cải tiến robot để có thể ứng dụng một cách thực tế trong cuộc sống.
Trong tương lai, robot sẽ được điều khiển từ xa không phụ thuộc vào khoảng cách nhờ vào công nghệ IoT, bằng cách thuê máy chủ từ Google, sau đó cho Node RED chạy ở cloud máy chủ, như vậy, robot hoàn toàn có thể điều khiển ở bất kỳ vị trí nào, chỉ cần ở đó có mạng.
Sản phẩm của Viết Khang được đánh giá có hàm lượng khoa học cao, chất lượng tốt. Viết Khang cho biết em sẽ tiếp tục cải tiến robot để có thể ứng dụng một cách thực tế trong cuộc sống.
Ngoài giờ học ở trường, em dành toàn bộ thời gian trong căn phòng riêng với nhiều dụng cụ và linh kiện để thỏa sức nghiên cứu, thí nghiệm. Có những hôm em thức đến xuyên đêm để nghiên cứu hoàn thành dự án của mình.
Với đề tài khoa học đã thực hiện, Viết Khang muốn đưa giải pháp Node RED phổ biến hơn nữa ở Việt Nam.
Nhận xét về học trò của mình, thầy giáo Tạ Quang Hoàng cho biết, Khang sớm bộc lộ khả năng và niềm đam mê nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc, sáng tạo; em luôn khao khát tìm tòi, nghiên cứu để chế tạo ra các mô hình robot để ứng dụng vào thực tế.
Hy vọng Khang sẽ thành công nhiều hơn nữa trong con đường học tập và nghiên cứu khoa học.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)