Hướng Hóa đa dạng hóa cây trồng phù hợp với tiềm năng, lợi thế địa phương

Nguyễn Đình Phục |

Là huyện miền núi, biên giới, Hướng Hóa (Quảng Trị) hiện có hơn 94.000 dân, gồm 3 dân tộc Kinh, Vân Kiều, Pa Kô sinh sống ở 21 xã, thị trấn, trong đó gần 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm gần đây, cùng với sự đầu tư của nhà nước, người dân Hướng Hóa đã có thêm điều kiện khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, thực hiện đa dạng hóa cây trồng, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Huyện Hướng Hóa có tổng diện tích tự nhiên hơn 115.000 ha, trong đó đất có khả năng sản xuất nông, lâm nghiệp khá lớn. Trong những năm qua, huyện tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng chuyên canh phù hợp với điều kiện, khí hậu, đất đai, tạo ra một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, đem lại nguồn thu nhập khá lớn cho người dân.

Sản phẩm chuối đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân Hướng Hóa - Ảnh: N.Đ.P
Sản phẩm chuối đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân Hướng Hóa - Ảnh: N.Đ.P

Để đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ, cùng với tận dụng đất ven triền đồi, nương rẫy để trồng ngô, khoai, sắn và các cây họ đỗ, người dân Hướng Hóa đã tích cực khai hoang đất bằng gieo cấy lúa nước 2 vụ. Thông qua các chương trình, dự án, huyện đã đầu tư khai hoang đất đai, xây dựng các công trình thủy lợi, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật làm đất, chọn giống, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, triển khai các mô hình trồng lúa nước. Nhờ vậy, diện tích, năng suất và sản lượng lúa nước qua các năm đều tăng. Năm 2021, huyện đã phân bổ hơn 5 tỉ đồng cho các xã, thị trấn để hỗ trợ người dân thực hiện phục hóa, cải tạo hơn 300 ha lúa nước bị bồi lấp do mưa lũ năm 2020, đồng thời cấp phát hơn 52.000 kg giống lúa. Nhờ vậy, tổng sản lượng lương thực có hạt toàn huyện đạt hơn 8.300 tấn, trong đó sản lượng thóc 7.089,5 tấn.

Song song với đẩy mạnh trồng cây lương thực, trong những năm qua, đặc biệt từ khi Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa đưa vào hoạt động, người dân các xã vùng Lìa nói riêng và các xã trong huyện đã đẩy mạnh trồng sắn KM94, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột sắn. Thông qua phong trào trồng sắn nguyên liệu không chỉ giúp nông dân ở các xã vùng sâu, vùng xa xóa đói, giảm nghèo mà còn xuất hiện nhiều hộ là người đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô có thu nhập từ sắn mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Đến nay toàn huyện có trên 5.000 ha sắn, với sản lượng hơn 72.000 tấn sắn củ tươi, đạt doanh thu trên 150 tỉ đồng.

Với lợi thế có điều kiện khí hậu và diện tích đất ba dan rộng lớn, màu mỡ, Hướng Hóa đã tập trung phát triển cây cà phê, hồ tiêu và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như chuối, xoài, bơ... hình thành các vùng chuyên canh như phát triển cây cà phê chè Catimor ở các xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, Ba Tầng, Húc, thị trấn Khe Sanh; trồng cây ăn quả, nhất là cây chuối ở các xã Tân Long, Tân Thành, Hướng Lộc, Thuận; trồng cây cao su và sắn nguyên liệu ở các xã vùng phía Nam của huyện. Đến nay ở Hướng Hóa đã có trên 4.300 ha cà phê cho thu hoạch; 1.161,3 ha cao su; 235,5 ha hồ tiêu, 4.346 ha cây ăn quả, trong đó hơn 3.500 ha chuối, mỗi năm tạo ra khối lượng hàng hóa nông sản khá lớn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Để tiếp tục phát triển kinh tế theo hướng toàn diện và bền vững, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hướng Hóa lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế như: Cà phê, cao su, chuối, tinh bột sắn, chanh leo, hạt tiêu... Quan tâm xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất với các doanh nghiệp, ký kết bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; gắn sản xuất với khai thác, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái. Phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích gieo trồng đạt 20.112,15 ha, trong đó lúa nước cả năm 2.000 ha, lúa rẫy 760 ha, 1.200 ha ngô, tổng sản lượng lương thực đạt 10.000 tấn; 4.400 ha sắn với sản lượng 65.000 tấn.

Tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp để đầu tư, mở rộng diện tích cây chanh leo, đến năm 2025 đạt 200 ha, sản lượng 2.250 tấn. Duy trì ổn định các cây trồng chủ lực: 5.000 ha cây cà phê, sản lượng 5.800 tấn cà phê hạt nhân; 268 ha hồ tiêu, sản lượng 242,44 tấn; 1.300 ha cao su, sản lượng 999,14 tấn mủ đông; 3.500 ha chuối, sản lượng 112.000 tấn. Tiếp tục xây dựng quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm OCOP... Thực hiện tốt chính sách khuyến công, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo sản phẩm mới, tăng giá trị sản phẩm; tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp được công nhận nhãn hiệu tập thể trên thị trường trong nước và nước ngoài... góp phần xây dựng quê hương Hướng Hóa phát triển nhanh và bền vững.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cần hỗ trợ kết nối tiêu thụ chuối lùn bản địa ở huyện Đakrông

Kăn Sương |

Trên địa bàn huyện Đakrông (Quảng Trị) hiện có khoảng trên 50 ha chuối lùn bản địa, mang lại nguồn thu nhập thường xuyên cho người dân địa phương. Loại chuối này khi chín thơm ngon, nhiều chất dinh dưỡng và có vị đặc trưng nên ngoài các thương lái thu mua về bán lại, một số cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã thu mua để tạo ra các sản phẩm sạch như chuối sấy dẻo, sấy lạnh, kẹo chuối…Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, người dân chủ yếu bán cho thương lái ngoài địa phương đến thu mua nên đầu ra không ổn định, thường bị ép giá.

Chuối sấy dẻo, sản phẩm đặc trưng của miền núi Quảng Trị

Trường Sơn |

Sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, Nhà máy Chế biến nông lâm sản Toàn Cầu tại thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) đã chế biến sản phẩm chuối sấy dẻo bằng công nghệ hiện đại, tạo nên thương hiệu đặc trưng của miền núi Quảng Trị.

Những lợi ích từ việc ăn chuối trước khi đi ngủ

Hạ Mây |

Chuối là một trong những loại trái cây giàu chất dinh dưỡng mà bạn nên thêm vào chế độ ăn hàng ngày. Ăn chuối vào buổi tối trước khi đi ngủ sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ.

Nông dân Việt “khóc ròng” với vườn chuối bên... Lào

Nguyễn Phúc |

Bỏ hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng để thuê đất trồng chuối ở nước bạn Lào, nay COVID-19 bùng phát, ngành chức năng siết chặt đường biên khiến nhiều nông dân ở các xã vùng biên huyện Hướng Hóa bó gối, khóc ròng vì chuối không thể hái, bị hỏng hoặc bị trộm khoắng sạch...