Hướng Hóa thúc đẩy phát triển thương mại biên giới

Thanh Hải |

Sau thời gian tạm dừng hoạt động ở các cửa khẩu phụ để thực hiện công tác phòng, chống COVID-19, từ ngày 10/5/2020 đến nay, giữa Việt Nam và Lào đã cho phép mở cửa trở lại các cửa khẩu để trao đổi hàng hóa và đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn huyện Hướng Hóa có bước tăng trưởng khá, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân khu vực biên giới trong tình hình mới thích ứng linh hoạt với COVID-19.

Huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) có 11 xã, thị trấn tiếp giáp biên giới 3 huyện Sê Pôn. Mường Noòng (tỉnh Savannakhet), Sa Muội (tỉnh Salavan), nước CHDCND Lào, với tổng chiều dài tiếp giáp 156 km. Trên địa bàn có cặp Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) - Densavan (Lào); 3 cửa khẩu phụ: Tà Rùng, Cheng, Thanh và nhiều đường mòn, lối mở qua lại thuận lợi cho giao thương buôn bán hàng hóa của Nhân dân hai bên biên giới. Hạ tầng thương mại đến nay có 1 trung tâm thương mại tại thị trấn Lao Bảo; 1 kho hải quan tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo; 4 chợ bán kiên cố tại các xã biên giới; 9 cửa hàng xăng dầu.

Hoạt động mua bán chuối tấp nập ở chợ Tân Long, huyện Hướng Hóa - Ảnh: N.T.H
Hoạt động mua bán chuối tấp nập ở chợ Tân Long, huyện Hướng Hóa - Ảnh: N.T.H

Nhằm tiếp tục thực hiện nội dung Biên bản thỏa thuận cấp cao giữa tỉnh Quảng Trị với hai tỉnh Savannakhet và Salavan (Lào) đã được ký kết năm 2019 tại thành phố Đông Hà và các nội dung Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào; Kế hoạch 5566 của UBND tỉnh Quảng Trị về phát triển thương mại biên giới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021- 2025, thời gian qua, huyện Hướng Hóa đã tập trung triển khai chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa; đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan khảo sát các cửa khẩu phụ trên địa bàn huyện, thống nhất đề xuất xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, lực lượng kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân hai bên biên giới làm ăn…

Quý I/2022, hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn huyện Hướng Hóa tăng mạnh, tổng kim ngạch hai chiều qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đạt 136 triệu USD. Trong đó, một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như gỗ các loại hơn 9 nghìn tấn, trị giá hơn 6 triệu USD; cao su hơn 22 nghìn tấn, trị giá gần 29 triệu USD; động vật các loại hơn 3 nghìn tấn, trị giá gần 5 triệu USD; đường hơn 21 nghìn tấn, trị giá gần 13 triệu USD; thạch cao hơn 116 nghìn tấn, trị giá gần 2 triệu USD. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như vật liệu xây dựng hơn 7,5 nghìn tấn, trị giá hơn 4,5 triệu USD; phân bón 5 nghìn tấn, trị giá 2,3 triệu USD; hàng tiêu dùng 10 nghìn tấn, trị giá 11 triệu USD; dăm gỗ hơn 17 nghìn tấn, trị giá gần 1 triệu USD…

Đối với hoạt động giao thương hàng hóa qua biên giới của người dân chủ yếu bằng hình thức trao đổi, mua bán trực tiếp qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và thông qua các chợ biên giới nhưng với quy mô nhỏ, tính chất và mức độ đơn giản. Các mặt hàng nông sản mua bán, trao đổi hai bên biên giới chủ yếu gồm chuối, sắn, bời lời, cao su, trâu, bò, thịt lợn, rau củ quả. Các hoạt động thương mại của doanh nghiệp và người dân qua lại biên giới có bước phát triển.

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập cảnh người và phương tiện qua cửa khẩu phụ vẫn chưa được cho phép, ảnh hưởng lớn đến hoạt động hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân hai bên biên giới hai nước. Một số địa phương phía nước bạn Lào chậm triển khai các văn bản thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ hai nước, dẫn đến việc giải quyết các thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của COVID-19 nên hoạt động thu hoạch, vận chuyển hàng nông sản do người dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa hợp tác đầu tư sản xuất tại nước bạn Lào bị đình trệ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của địa phương.

Để thúc đẩy phát triển thương mại biên giới, trung tuần tháng 2/2022, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức đoàn lãnh đạo cấp cao do Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng dẫn đầu thăm hữu nghị chính thức các tỉnh Savannakhet và Salavan (Lào). Trong khuôn khổ chương trình làm việc với các tỉnh nước bạn Lào có chung đường biên giới với tỉnh Quảng Trị, hai bên thống nhất chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh giải quyết tốt các tồn đọng, khó khăn, vướng mắc về xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua lại biên giới trong tình hình kiểm soát và thích ứng linh hoạt với COVID-19; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thu hoạch, vận chuyển hàng hóa hợp tác đầu tư sản xuất qua lại biên giới.

Đặc biệt, tỉnh Savannakhet và tỉnh Quảng Trị thống nhất xây dựng cơ chế chính sách chung thông thoáng để phát triển khu thương mại xuyên biên giới Lao Bảo - Densavan, trình Chính phủ hai nước phê duyệt trong năm 2022, qua đó thu hút đầu tư, khai thác lợi thế Hành lang kinh tế Đông - Tây đẩy mạnh phát triển vận tải, dịch vụ logistics, kho bãi... Đây là chuyến thăm hữu nghị chính thức của đoàn đại biểu cấp cao của một địa phương nước ngoài đầu tiên đến các tỉnh Nam Lào để tháo gỡ những khó khăn trong hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch sau hơn hai năm gián đoạn do COVID-19 nên được phía bạn đánh giá rất cao và bày tỏ quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hợp tác phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Cùng với những chuyển động tích cực trong thỏa thuận hợp tác thúc đẩy phát triển thương mại biên giới qua chuyến thăm hữu nghị các tỉnh Savannakhet và Salavan của đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Quảng Trị và sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ nguồn lực nâng cấp, cải tạo, phát triển hạ tầng thương mại biên giới, tin tưởng hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn huyện Hướng Hóa tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng huyện Hướng Hóa trở thành huyện miền núi kiểu mẫu năng động, hiện đại trên Hành lang kinh tế Đông - Tây.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nâng cao hiệu quả mô hình trồng chanh leo ở Hướng Hóa

Minh Long |

Để thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của địa phương, trong những năm qua, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã triển khai hiệu quả các mô hình kinh tế với phương thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Trong đó, chanh leo là một mô hình tiêu biểu, phát huy được hiệu quả và ngày càng được nhân rộng, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế của địa phương.

Trồng thử nghiệm thành công cây dâu tây ở Hướng Hóa

Trần Anh Minh |

Vùng Bắc Hướng Hóa có tiểu vùng khí hậu giao thoa giữa Đông và Tây Trường Sơn nên nền khí hậu tương đối ôn hòa quanh năm. Đặc biệt, có biên độ nhiệt độ giao động giữa ngày và đêm khá lớn (8 - 10 độ C) nên rất thích hợp cho sự sinh trưởng của nhiều loại cây trồng. Nhằm từng bước tìm ra nhiều loại cây phù hợp với tiểu vùng khí hậu này, Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KHCN tỉnh đã trồng thử nghiệm thành công cây dâu tây và đang bắt đầu nhân rộng ở vùng Bắc Hướng Hóa.

Hướng Hóa quan tâm đến chính sách cho người có uy tín

Ngọc Trang |

Những năm qua, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) quan tâm triển khai thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống ở Hướng Hóa

Ngọc Trang |

Những năm qua, hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhất là trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, bảo vệ môi trường, hành chính nhà nước. Nhờ vậy, góp phần nâng cao năngsuất, chất lượng sản phẩm, thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện.