Những năm qua, hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhất là trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, bảo vệ môi trường, hành chính nhà nước. Nhờ vậy, góp phần nâng cao năngsuất, chất lượng sản phẩm, thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện.
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng (khóa XI) và Chương trình hành động số 64- CTHĐ/TU, ngày 13/5/2013 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và các văn bản của trung ương, tỉnh liên quan đến phát triển KH&CN, BCH Đảng bộ huyện Hướng Hóa đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và Chương trình hành động số 64-CTHĐ/TU, trong đó xác định cụ thể mục tiêu và các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ KH&CN trong giai đoạn mới.
Trên cơ sở đó, UBND huyện đánh giá cụ thể kết quả thực hiện công tác phát triển KH&CN ở địa phương và đưa ra các giải pháp chủ yếu để thực hiện trong thời gian tới; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn huyện về vai trò, vị trí của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Quá trình áp dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, kinh doanh và đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân được huyện thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội.
10 năm qua, huyện đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai hiệu quả nhiều chương trình, dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và cuộc sống. Tiêu biểu như phối hợp triển khai mô hình trồng hoa ly, dự án ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê tại xã Hướng Phùng; đầu tư ứng dụng 15 mô hình trồng nấm ăn thương phẩm trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, xây dựng, áp dụng duy trì cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 thay thế tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 tại các cơ quan, đơn vị và 21 xã, thị trấn. Hoàn thiện hồ sơ và được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN thẩm định, cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Khe Sanh” cho sản phẩm cà phê chè vùng Hướng Hóa; xây dựng và công bố văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chuối Hướng Hóa, chỉ dẫn địa lý tiêu Quảng Trị; hoàn thiện thủ tục, hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền đề nghị và công nhận, cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bơ Hướng Hóa.
Trang bị 14 cân đối chứng điện tử các loại (loại từ 0,5 - 30 kg) lắp đặt tại 7 chợ và Trung tâm thương mại Lao Bảo phục vụ người tiêu dùng. Huyện còn đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ KH&CN, đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất. Tiêu biểu như mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt 12 ha chanh leo ở các xã Tân Hợp, Hướng Phùng, Tân Liên, 3 ha hồ tiêu ở Tân Liên. Mô hình trồng 1 ha chuối nuôi cấy mô tại xã Tân Long; ứng dụng phân hữu cơ thân thiện với môi trường cho 9 ha cây cà phê ở xã Hướng Phùng và Hướng Tân. Ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi tại xã Tân Lập, nuôi gia cầm ở xã Tân Hợp…
Huyện còn khuyến khích các doanh nghiệp chế biến nông sản đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, đổi mới công nghệ theo hướng chế biến gắn với vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ và thân thiện với môi trường. Hiện toàn huyện có 15 cơ sở chế biến cà phê ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất khép kín, công nghệ tiên tiến. Ngành Bưu chính - Viễn thông huyện đạt những thành tựu quan trọng trong chuyển giao ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật hiện đại, nâng cao chất lượng, cung cấp các dịch vụ thông tin, ứng dụng kỹ thuật số, hệ thống truyền dẫn bằng cáp quang…
Các cơ quan, đơn vị và địa phương đều được trang bị máy vi tính với các phần mềm ứng dụng văn phòng, phần mềm theo dõi kế hoạch công việc, phần mềm kế toán, lắp đặt mạng nội bộ, internet; triển khai xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính…Nhờ ứng dụng KH&CN tiến bộ, ngành y tế huyện đã làm tốt việc phòng, chống bệnh sốt rét, bướu cổ, khô mắt ở trẻ em…; trang bị và đưa vào sử dụng hiệu quả các thiết bị chẩn đoán, điều trị hiện đại như máy siêu âm 4D, bơm tiêm điện TE 331, giường sưởi sơ sinh, hệ thống X quang số hóa, hệ thống phẫu thuật nội soi ổ bụng SPK/WLP, máy ly tâm máu CR200, máy trợ thở sơ sinh…
Ngoài ra, từ nguồn đầu tư của Dự án JICA2 với kinh phí trên 381 triệu đồng đã hỗ trợ các mô hình trồng lúa nước sử dụng công nghệ sạ hàng vụ đông xuân tại các xã Tân Thành, Hướng Phùng và Hướng Linh mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho năng suất, chất lượng tốt; Dự án phát triển sinh kế thuộc Tổ chức Tầm nhìn Thế giới huyện Hướng Hóa phối hợp với các đơn vị, địa phương hỗ trợ thực hiện mô hình trồng gừng áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Kết quả mô hình cho hiệu quả kinh tế cao hơn, sâu bệnh hại giảm, năng suất bình quân đạt 18 - 20 tấn củ/ha, cao hơn các vườn trồng theo phương thức truyền thống từ 2 - 4 tạ/ha, thu nhập của người dân được nâng lên đáng kể.
Do đặc thù là huyện miền núi còn nhiều khó khăn nên việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, kinh doanh, trồng trọt và chăn nuôi ở Hướng Hóa vẫn chưa rộng rãi. Đối với sản phẩm nông nghiệp, việc sản xuất đến khâu chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm theo yêu cầu thị trường vẫn còn hạn chế. Chưa hình thành được các mối liên kết “4 nhà”, chưa có chính sách đặc thù về ứng dụng và chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Vì vậy, thời gian tới, huyện đẩy mạnh hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả KH&CN theo các chính sách của tỉnh, trung ương ban hành. Có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ KH&CN, nhất là các chuyên gia giỏi, cán bộ KH&CN trẻ tài năng. Đề xuất các cơ quan chức năng quan tâm đến các chương trình, dự án hỗ trợ kinh phí để triển khai các dự án khuyến nông, khuyến công, xây dựng nông thôn mới… nhằm nhân rộng kết quả ứng dụng các tiến bộ KH&CN trên địa bàn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)