Nhiều tiện ích từ ứng dụng flycam trong quản lý, bảo vệ rừng

Lê An |

Gần 1 năm nay, nhờ vào việc ứng dụng thiết bị bay không người lái có chức năng chụp ảnh và quay phim (còn gọi là flycam) mà công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông (Quảng Trị) được cập nhật chính xác, kịp thời hơn. Đặc biệt là những khu vực địa hình đồi núi hiểm trở, khó tiếp cận.


Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (BQL KBTTN) Đakrông được giao quản lý diện tích hơn 37.600 ha rừng nằm trên địa bàn 7 xã gồm Đakrông, Triệu Nguyên, Ba Lòng, Húc Nghì, Ba Nang, Tà Long và A Bung, huyện Đakrông. Địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nhiều khu vực trọng yếu, lực lượng quản lý còn mỏng trong khi việc tuần tra kiểm tra rừng phải đảm bảo thường xuyên.

Vậy nhưng, gần 1 năm nay, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của BQL KBTTN lại khá “nhàn nhã” trong việc tuần tra rừng. Thay vì phải di chuyển nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày trong rừng, mang theo nhiều công cụ hỗ trợ như bản đồ, la bàn, máy định vị… thì bây giờ lực lượng bảo vệ rừng chỉ cần đứng tại một địa điểm nhưng vẫn có thể quan sát rõ từng khu vực rừng quản lý từ trên cao và từ khoảng cách xa vài cây số bằng thiết bị bay flycam.

Cán bộ BQL Khu BTTN Đakrông sử dụng flycam để quan sát rừng từ trên cao - Ảnh: L.A
Cán bộ BQL Khu BTTN Đakrông sử dụng flycam để quan sát rừng từ trên cao - Ảnh: L.A

Anh Lê Xuân Tuyên, cán bộ BQL KBTTN Đakrông được phân công trực tiếp điều khiển flycam cho biết, loại flycam mà đơn vị sử dụng có nhãn hiệu Dji Phantom 4 Pro V2.0. Đây là loại flycam có khả năng bay cao 500m, bay xa tối đa lên đến 7 km; thời gian bay từ 28 - 30 phút. Flycam được trang bị camera có độ phân giải 20 Mp, bán kính quan sát từ 8 - 10 km, có thể quan sát bao quát góc rộng từ trên cao; cung cấp hình ảnh trực tiếp, ảnh chụp, video, sau đó phân tích xác định vị trí từ dữ liệu GPS cho việc giám sát rừng hiệu quả.

Phục vụ việc theo dõi diễn biến rừng, kiểm tra thông tin sạt lở đất ở những khu vực vùng sâu, vùng xa khó khăn trong việc tiếp cận, cũng như các hành vi xâm hại rừng. Giúp đơn vị thuận lợi hơn trong việc phát hiện, xử lý các vụ vi phạm, lấn chiếm rừng, các biến động rừng và hỗ trợ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Ngoài việc bay kiểm tra, giám sát rừng, thiết bị bay flycam còn giúp giám sát và theo dõi vị trí các loài động, thực vật.

“Thiết bị bay flycam của đơn vị đã được Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng cấp giấy phép bay ghi hình từ trên cao để thực hiện công tác giám sát biến động và sạt lở đất rừng với thời gian, tọa độ bay cụ thể của từng lần bay”, anh Tuyên cho biết thêm.

Theo Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật và Hợp tác quốc tế, BQL KBTTN Đakrông Hoàng Văn Chiến, thiết bị bay flycam này rất có ích cho lực lượng bảo vệ rừng trong việc phát hiện các đám cháy, hoạt động chặt phá rừng, giúp giảm sức lao động. Nếu như trước đây, lực lượng bảo vệ rừng thực hiện việc tuần tra rừng bằng hình thức đi bộ xuyên rừng, dù đường đi thuận lợi thì tối đa mỗi giờ cũng chỉ có thể đi được 3 - 4 km.

Trong khi hiện nay, với thiết bị bay flycam chỉ cần bay từ 20 - 30 phút là đã có thể bao quát toàn bộ diện tích cần tuần tra, lực lượng bảo vệ rừng chỉ cần ngồi ở trung tâm theo dõi hình ảnh được truyền về từ thiết bị thông qua màn hình. Nếu phát hiện có các điểm lấn chiếm rừng hoặc nghi ngờ có lâm tặc đang phá hoại rừng chỉ cần điều khiển flycam bay thấp xuống kiểm tra và chụp ảnh. Sau đó phân tích xác định vị trí thông qua các thông số GPS và đến thẳng chỗ đó kiểm tra để khắc phục sự cố hoặc bắt quả tang các đối tượng đang thực hiện hành vi lấn chiếm rừng, phá hoại rừng.

Còn đối với công tác PCCCR, nếu trước đây, khi xảy ra cháy rừng, lực lượng bảo vệ rừng và kiểm lâm chủ yếu xác định theo hướng khói và phải mất rất nhiều thời gian để xác định vị trí cháy, rồi tìm phương án di chuyển, tiếp cận đám cháy, mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, hiện nay khi phát hiện có cháy rừng, flycam sẽ được sử dụng để xác định điểm cháy nhanh chóng và chính xác. Đặc biệt, đối với các khu vực rừng có địa hình phức tạp, cao, dốc, khe suối hoặc vách đá, việc sử dụng flycam trong phát hiện có cháy mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp xác định chính xác vị trí cháy, từ đó có phương án, tổ chức lực lượng tiếp cận nhanh khi có tình huống xảy ra, không để cháy lan, cháy lớn, gây ảnh hưởng tới tài nguyên rừng, giảm thiểu rủi ro.

Theo anh Chiến, hiện đơn vị đang đề xuất cấp trên hỗ trợ kinh phí để mua thêm phần mềm litchi chuyên dụng cho flycam. Đây là phần mềm có khả năng thiết lập hành trình bay theo từng điểm, hỗ trợ tính toán chính xác diện tích các điểm biến động rừng, cũng như diện tích các điểm sạt lở thông qua ảnh chụp từ trên không.

Giám đốc BQL KBTTN Đakrông Trương Quang Trung thông tin, đơn vị đã xây dựng số lần bay định kỳ hằng tháng đối với từng tiểu khu, đảm bảo kiểm soát được toàn bộ diện tích rừng được giao quản lý. Đặc biệt chú ý đối với những khu vực có khả năng xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Trường hợp phát hiện vi phạm phải lưu trữ dữ liệu, báo cáo kịp thời cho đơn vị, Hạt Kiểm lâm và cơ quan liên quan để xử lý theo quy định. Đối với dữ liệu sau khi bay phải tải xuống lưu trữ và phục vụ việc xử lý dữ liệu, khoanh vẽ lập bản đồ.

Ông Trung khẳng định, sử dụng thiết bị bay flycam đã giúp đơn vị thuận lợi và đỡ vất vả hơn trong công tác tuần tra quản lý, bảo vệ rừng. Nhiều khu vực ở các tiểu khu thuộc địa bàn quản lý của đơn vị có địa hình hiểm trở, phải mất nhiều thời gian để tiếp cận nếu đi bộ. Nhưng nhờ có flycam chỉ cần vài chục phút để kiểm tra. Thông qua flycam lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị dễ dàng quan sát, cũng như ghi lại những hình ảnh trên không mới nhất và rất chi tiết để theo dõi thực trạng của rừng kịp thời, giúp triển khai tuần tra hiệu quả hơn.

Việc theo dõi các diện tích rừng giáp ranh với đất của người dân cũng thuận lợi hơn, do đó kịp thời phát hiện và xử lý các vụ việc xâm lấn đất rừng làm nương rẫy. Việc theo dõi các diện tích rừng trồng, phát hiện cháy rừng hay kiểm tra các khu vực có nguy cơ xảy ra hành vi phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép cũng bao quát, chặt chẽ và thường xuyên hơn. “Từ những hình ảnh, video mà flycam ghi lại, đơn vị có nhiều tư liệu để phục vụ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho người dân sống ở xung quanh khu bảo tồn. Góp phần bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên rừng và các giá trị về đa dạng sinh học”, ông Trung nhấn mạnh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Hướng Hóa chú trọng bảo vệ và phát triển rừng

Nguyễn Đình Phục |

Huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) hiện có hơn 51.000 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên gần 40.500 ha; diện tích rừng trồng hơn 10.000 ha. Trong những năm qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm thực hiện đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái.

Người giữ rừng ở thôn Chênh Vênh

Minh Long |

Năm 2017, thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng được huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) giao quản lý gần 700 ha rừng. Từ đó đến nay, diện tích rừng này được bảo vệ chu đáo, phát triển tốt, đặc biệt từng bước hạn chế tình trạng khai thác, phá rừng, săn bắt động vật trái quy định. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của ông Hồ Văn Chiến, Trưởng Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh.

Hỗ trợ người dân trồng hơn 300 ha rừng để chống sạt lở

Tây Long |

Theo thông tin từ Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV), được sự tài trợ của Liên minh Châu Âu và MCNV, dự án PROSPER vừa hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) trồng hơn 300 ha rừng. Nỗ lực của dự án nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở, đồng thời giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Truyền thông về công tác bảo vệ rừng

Ngọc Trang |

Ngày 24/12, tại xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa phối hợp với Tổ chức Y tế Hà Lan tổ chức chương trình truyền thông về công tác bảo vệ rừng.