Huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) hiện có hơn 51.000 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên gần 40.500 ha; diện tích rừng trồng hơn 10.000 ha. Trong những năm qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm thực hiện đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái.
Những năm qua, tình hình quản lý, bảo vệ rừng (BVR) và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn huyện Hướng Hóa đứng trước những thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nắng nóng và khô hạn kéo dài, nguy cơ cháy rừng rất cao. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của COVID-19, điều kiện kinh tế, đời sống dân sinh gặp nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu về đất lâm nghiệp để trồng rừng kinh tế và sử dụng gỗ rừng tự nhiên tăng cao nên tình trạng một bộ phận người dân phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật vẫn còn xảy ra. Thực trạng trên gây không ít khó khăn, áp lực đối với công tác quản lý, BVR, quản lý đất lâm nghiệp và PCCCR.
Trước tình hình đó, với sự điều hành quyết liệt của UBND huyện, UBND các xã, thị trấn; sự tham mưu tích cực, chủ động của hạt kiểm lâm; sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của cơ quan chức năng và đơn vị chủ rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 nên công tác quản lý, BVR và PCCCR trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, đã hạn chế các vụ vi phạm và không để xảy ra điểm nóng.
Với mục tiêu “bảo vệ rừng tại gốc”, nhất là diện tích rừng tự nhiên hiện có, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, xã, thị trấn thực hiện các biện pháp về BVR và PCCCR; tăng cường tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, cho nhiều đối tượng về việc bảo vệ và phát triển rừng.
Năm 2021, Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa đã phối hợp lồng ghép tổ chức các cuộc họp tuyên truyền ở 64 thôn, bản với trên 4.000 lượt người tham gia; tổ chức 193 lượt tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh; tuyên truyền lưu động 21 đợt ở các xã dọc đường 9, các xã vùng Lìa và đường 14; ký cam kết BVR, PCCCR với 17 cộng đồng dân cư thôn, 13 nhóm hộ được nhà nước giao rừng và 114 hộ gia đình; 26 cơ sở chế biến, thương mại lâm sản và cơ sở nuôi động vật có nguồn gốc từ rừng; phối hợp với dự án MCNV xây dựng 11 bảng pa nô tuyên truyền về công tác quản lý, BVR cộng đồng thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng theo dọc tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến đỉnh đèo Sa Mù; tổ chức 2 lớp tập huấn về công tác PCCCR cho 76 thành viên tổ BVR cấp xã, tổ BVR các cộng đồng, hộ gia đình.
Công tác quản lý rừng, theo dõi diễn biến rừng cũng được UBND huyện quan tâm, chỉ đạo. Hạt Kiểm lâm đã tham mưu, phối hợp UBND cấp xã, đơn vị chủ rừng thường xuyên cập nhật diễn biến rừng chính xác và đúng tiến độ; qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, cháy rừng, khai thác rừng trái phép. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung chỉ đạo chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng và các chủ rừng thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng cháy trước mùa khô như vệ sinh rừng, xử lý thực bì, tu sửa đường băng, vành đai cản lửa và các công trình PCCCR; tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra công tác PCCCR ở địa bàn cơ sở; duy trì trực, tuần tra phát hiện sớm lửa rừng để kịp thời huy động lực lượng chữa cháy rừng.
UBND các xã, thị trấn, đơn vị chủ rừng xây dựng 17 phương án bảo vệ các hệ sinh thái rừng tự nhiên trên địa bàn; củng cố, kiện toàn 21 ban chỉ đạo; 51 tổ đội bảo vệ rừng với 526 người, làm nòng cốt sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra; đảm bảo thực hiện đúng phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ); làm 2 chòi canh lửa rừng, 27 bảng tuyên truyền bằng bê tông; 1 bảng tuyên truyền bằng sắt, 1 biển thông tin cấp dự báo cháy rừng.
Mặt khác, để ngăn chặn có hiệu quả các hành vi xâm hại rừng tự nhiên, các đơn vị chức năng trên địa bàn huyện tăng cường công tác kiểm tra rừng, truy quét lâm tặc, tuần tra, kiểm soát lâm sản tại địa bàn các xã, khu vực rừng và tuyến giao thông trọng điểm, vùng rừng giáp ranh. Tổ chức nhiều đợt tuần tra bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Đã tháo dỡ 275 dây bẫy động vật rừng; nắm bắt thường xuyên tình hình đàn voọc gáy trắng xuất hiện ở các thôn Cha Lỳ, Sê Pu, xã Hướng Lập. Tuyên truyền người dân không săn bắn, bẫy, bắt, chăm sóc thả về môi trường tự nhiên 17 cá thể động vật rừng.
Việc quản lý lâm sản cũng được lực lượng chức năng, chính quyền địa phương chú trọng thực hiện; định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lâm sản tại các cơ sở cưa xẻ, chế biến gỗ và lâm sản, các trại nuôi động vật có nguồn gốc hoang dã, các nhà hàng, quán ăn và người dân trên địa bàn; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Trong năm 2021, lực lượng kiểm lâm và các cơ quan, đơn vị liên quan đã lập biên bản và xử lý 24 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, tạm giữ 35,293 m3 gỗ quy tròn; 3,2 ster củi cây rừng tự nhiên, 17 cá thể động vật rừng, 210 kg vỏ quế rừng tự nhiên; tịch thu 2 máy cưa xăng, 1 máy tời; xử lý vi phạm hành chính 12 vụ với số tiền trên 379 triệu đồng. Cùng với việc quan tâm bảo vệ rừng, công tác phát triển rừng cũng được huyện chú trọng chỉ đạo, triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Năm 2021, toàn huyện trồng mới gần 700 ha rừng tập trung, 10 vạn cây phân tán; khai thác gỗ vườn nhà, cây trồng phân tán hơn 3.400 m3 , vỏ cây bời lời 7.000 kg, 52 tấn mây..., với số tiền thu được hơn 14 tỉ đồng.
Năm 2022, công tác quản lý, BVR và PCCCR trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và COVID-19. Do đó, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quản lý, BVR và PCCCR, huyện Hướng Hóa sẽ tập trung tuyên truyền, vận động chủ rừng và Nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia công tác BVR và PCCCR; tập trung vệ sinh rừng, phát dọn, xử lý thực bì, làm đường ranh cản lửa, mua sắm, tu sửa dụng cụ, phương tiện và các công trình phục vụ PCCCR; bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ, kịp thời tham gia chữa cháy khi cháy rừng xảy ra; tăng cường tuần tra, kiểm soát người vào rừng; đẩy mạnh quản lý, kiểm tra, giám sát việc trồng rừng và khai thác gỗ rừng trồng, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, nâng độ che phủ rừng trên địa bàn huyện từ 43,77% (năm 2021) lên 44,7% (năm 2022).
(Nguồn: Báo Quảng Trị)