Là một huyện vùng cao, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) từ xuất phát điểm thấp, cùng với đó, những đợt thiên tai liên tiếp xảy ra cuối năm 2020 đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và quyết tâm của người dân, chương trình xây dựng NTM tiếp tục được huyện Hướng Hóa triển khai với những kết quả đáng ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2021.
Để tiếp tục triển khai chương trình xây dựng NTM, từ đầu năm 2021, huyện Hướng Hóa đã ban hành kế hoạch cụ thể, đồng thời giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan chủ động triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM. Công tác tuyên truyền được tổ chức với các hình thức phong phú, thông qua tuyên truyền, xây dựng NTM đã trở thành phong trào quần chúng sôi nổi, rộng khắp. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được các cấp ủy, chính quyền thực hiện quyết liệt hơn, vai trò của người dân được phát huy rõ nét. Phong trào thi đua “Quảng Trị chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” được các cấp, hội, đoàn thể tích cực triển khai thông qua các hoạt động như hiến đất, góp công để xây dựng các công trình, tham gia các hoạt động làm sạch môi trường nông thôn, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, từ đó lan tỏa tinh thần chung sức, đồng lòng trong xây dựng NTM. Để từng bước hoàn thiện hạ tầng kinh tế- xã hội trên địa bàn, từ nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên và ngân sách địa phương, huyện Hướng Hóa đã từng bước khắc phục, sửa chữa, hoàn thiện hệ thống giao thông, trường học, các thiết chế văn hóa- thể thao ở cơ sở, tạo nên diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Từ đầu năm đến nay, địa phương đã bố trí vốn để khắc phục, sửa chữa được 21 công trình giao thông tại 13 xã; lồng ghép, bố trí các nguồn vốn để đầu tư mới, sửa chữa 9 công trình trường học; ưu tiên bố trí vốn để khắc phục, sửa chữa 6 công trình thủy lợi nhằm đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất ở các vùng sản xuất lúa chủ lực của địa phương.
Cùng với đó, việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân cũng được địa phương quan tâm thực hiện tốt. Huyện tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển giao một số giống lúa, ngô năng suất cao vào gieo trồng. Đã thực hiện chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao hơn như mít Thái, vải, ngô, ném, nghệ…Việc liên kết với doanh nghiệp trong phát triển cây chanh leo, dược liệu được địa phương quan tâm thực hiện. Đã duy trì các vùng chuyên canh tập trung gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Tiếp tục thâm canh, chăm sóc một số cây trồng chủ lực như sắn, chuối, tiêu, cà phê… Nhiều đề án đã triển khai trong thời gian qua đang tiếp tục được thực hiện như đề án tái canh cây cà phê tại các xã Hướng Phùng, Hướng Tân với diện tích theo kế hoạch 31,1ha; đề án chuyển diện tích trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cao su tại các xã vùng Lìa, xã A Dơi với diện tích theo kế hoạch là 42 ha…Ngoài ra, trên địa bàn còn thực hiện một số dự án khác như liên kết trồng 15 ha chanh leo tại các xã Hướng Phùng và Hướng Tân, trong đó nhà nước hỗ trợ một phần cây giống, phân bón, vật tư các loại; doanh nghiệp hỗ trợ một phần cây giống, khoa học - kỹ thuật và đặc biệt là hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân được quan tâm thực hiện tốt. Đến nay, số hộ nghèo toàn huyện chiếm tỉ lệ 19,67%, giảm 1,58% so với đầu năm 2020. Quy mô trường lớp ổn định, học sinh đến trường đảm bảo. Chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, nền nếp, kỷ cương dạy và học được giữ vững. Việc huy động học sinh trong độ tuổi đến trường được duy trì với tỉ lệ cao. Công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh được địa phương quan tâm thực hiện tốt, khâu khai báo y tế và kiểm soát người từ vùng dịch trở về địa phương được chú trọng thực hiện. Chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn được nâng lên đáng kể. Hiện toàn huyện có 6 trung tâm văn hóa xã, 167 nhà sinh hoạt cộng đồng, 195 sân tập luyện, thi đấu thể thao. Thông qua các hệ thống thiết chế hiện có, các địa phương đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các hoạt động vui chơi, giải trí cho Nhân dân. Vệ sinh môi trường nông thôn đảm bảo, việc khắc phục, xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề có nhiều chuyển biến tích cực. Sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền, vai trò của các đoàn thể chính trị- xã hội trong xây dựng NTM được tăng cường, phát huy.
Nhờ triển khai chương trình xây dựng NTM một cách toàn diện nên từ đầu năm đến nay, kết quả xây dựng NTM của huyện Hướng Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực với tổng số 226 tiêu chí đạt, bình quân mỗi xã đạt 11,89 tiêu chí xây dựng NTM, tăng 2 tiêu chí so với cuối năm 2020. Toàn huyện có 5 xã đạt chuẩn NTM; 7 xã đạt từ 10-12 tiêu chí…Với mục tiêu đặt ra trong năm 2021 là duy trì và nâng cao chất lượng các xã đã đạt chuẩn NTM, phấn đấu đến cuối năm toàn huyện đạt 260 tiêu chí xây dựng NTM, bình quân đạt 13,68 tiêu chí/xã…Để đạt các mục tiêu đề ra, huyện Hướng Hóa sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng NTM đến tận cơ sở; tổ chức ngày toàn dân thực hiện chỉnh trang nông thôn tại các xã. Đồng thời tập trung đầu tư nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các tiêu chí như giao thông, thủy lợi, phát triển sản xuất… Bên cạnh đó huy động nguồn lực, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức trong thực hiện chương trình xây dựng NTM. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm thực hiện, có sự phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp và đào tạo nghề cho học sinh theo mục tiêu của Chính phủ, gắn đào tạo nghề với chương trình xây dựng NTM.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)