Hướng Phùng chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với tiềm năng, lợi thế

Nguyễn Đình Phục |

Những năm qua, Đảng bộ xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) luôn phát huy vai trò hạt nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Những kết quả đạt được đã làm cho diện mạo của xã vùng cao biên giới Hướng Phùng ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, an ninh trật tự trên địa bàn và chủ quyền an ninh biên giới quốc gia luôn được giữ vững.

Nằm cách thị trấn Khe Sanh, trung tâm huyện lỵ Hướng Hóa 25 km về phía Bắc, Hướng Phùng là một trong 11 xã biên giới của huyện. Toàn xã hiện có 1.628 hộ, với 6.026 nhân khẩu, gồm hai dân tộc Kinh và Vân Kiều cùng sinh sống ở 13 thôn. Trong những năm qua, cùng với sự đầu tư của nhà nước thông qua các chương trình dự án, cơ sở hạ tầng từng bước được tăng cường, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời xã đã phát huy nội lực, tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhờ vậy đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân cũng như cảnh quan bộ mặt nông thôn xã biên giới Hướng Phùng ngày một khởi sắc.

Thu hoạch cà phê ở Hướng Phùng, Hướng Hóa - Ảnh: N.Đ.P
Thu hoạch cà phê ở Hướng Phùng, Hướng Hóa - Ảnh: N.Đ.P

Trong lãnh đạo phát triển kinh tế, hằng năm, Đảng ủy xã đã đề ra chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; chỉ đạo UBND xã, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; giảm dần diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả có lợi thế, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu; chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng rừng; tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Phan Ngọc Long cho biết, cùng với sản xuất 105 ha lúa nước, xã đã tập trung chỉ đạo và khuyến khích các hộ dân phát triển một số loại cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh, đem lại giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, gừng, nghệ, chanh leo… Đến nay toàn xã có 2.411,4 ha cà phê; 7 ha cao su; 15 ha hồ tiêu; 31,5 ha cây ăn quả các loại, trong đó 20 ha chanh leo, với sản lượng thu hoạch 360 tấn; hơn 100 ha nghệ, gừng. Mặt khác, tận dụng lợi thế có nhiều đồi bãi và nguồn thức ăn nông sản dồi dào, xã đã chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Toàn xã hiện có 252 con trâu, 948 con bò, 976 con dê, 480 con lợn, hơn 17.000 con gia cầm các loại, 11 ha mặt hồ nuôi cá nước ngọt.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng luôn được tăng cường, thực hiện trồng mới, khoanh nuôi, tái sinh, giao rừng theo quy hoạch, trồng mới 211,17 ha rừng. Công tác xây dựng nông thôn mới đã huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình dự án, đến nay xã đạt 13/19 tiêu chí.

Đi đôi với tập trung lãnh đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy chỉ đạo UBND xã tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển các ngành nghề công nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Hiện xã có 176 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ; 6 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, phục vụ sản xuất của Nhân dân trong xã và các xã trong khu vực.

Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng lợi thế, nên đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày một nâng lên, thu nhập bình quân tăng lên 21 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng, hộ nghèo giảm xuống còn 26,29%.

Cùng với những đổi thay về kinh tế, văn hóa - xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Tỉ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường hằng năm đạt cao; năm học 2021 - 2022, toàn xã có 370 cháu mầm non, 666 học sinh tiểu học, 433 học sinh trung học cơ sở; cơ sở vật chất các bậc học từ trường học ở trung tâm xã cho đến các điểm trường ở các thôn đều được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang, các trang thiết bị phục vụ cho dạy và học được tăng cường.

Công tác khuyến học, khuyến tài được quan tâm. Trạm y tế xã đã phối hợp với Quân y Đồn Biên phòng Hướng Phùng, Bệnh xá quân dân y Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 triển khai hiệu quả các chương trình y tế, thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư đã được đông đảo người dân tích cực hưởng ứng tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực; các hoạt động tình nghĩa và chính sách xã hội luôn được quan tâm; tình làng nghĩa bản ngày một thắt chặt.

Lực lượng công an, dân quân của xã đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý các vụ việc xảy ra trên địa bàn, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng xã biên giới Hướng Phùng ngày càng phát triển.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đoạt giải nhất cà phê đặc sản, Arabica Khe Sanh tiến vào thị trường Mỹ

Công Điền |

Hợp đồng xuất khẩu lô hàng cà phê nhân rang xay Arabica Khe Sanh (Quảng Trị) vừa được Công ty TNHH Pun Coffee ký kết thành công với một doanh nghiệp Mỹ.

Nông dân Hướng Hóa tất bật thu hoạch cà phê đợt cao điểm

Trường Sơn |

Những ngày này, bà con nông dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đang tất bật thu hoạch cà phê vào đợt cao điểm. Giá thu mua cà phê tươi vụ mùa năm nay cao nhất so với nhiều năm qua, dao động từ 9.000 - 10.000 đồng/kg.

Tín hiệu vui từ giá thu mua cà phê tươi ở Hướng Hóa

Khánh Ngọc |

Bước vào niên vụ thu hoạch cà phê 2020-2021, giá thu mua cà phê tươi trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tăng cao gần 3 lần so với niên vụ trước, dao động từ 8.000-9.500 đồng/kg, người trồng cà phê rất phấn khởi vì cà phê được giá. Đây là tín hiệu vui để người trồng cà phê Hướng Hóa có thêm điều kiện chăm sóc phục hồi, tái canh và phát triển bền vững cây cà phê trên địa bàn sau nhiều năm liền lao đao vì cà phê rớt giá.

Khởi nghiệp bằng niềm đam mê cà phê nguyên chất

Vân Trang |

Gia cảnh khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh Phạm Văn Thiện (sinh năm 1986), quê ở tỉnh Hà Tĩnh đành gác lại giấc mơ giảng đường để vào Tây Nguyên làm thuê. Nhiều năm đảm nhận công việc chăm sóc, thu hoạch, sơ chế cà phê nên anh Thiện hiểu rõ những giá trị mà cà phê nguyên chất mang lại. Niềm đam mê với cà phê lớn dần trong lòng chàng trai tha hương để anh nung nấu ý định về một ngày không xa sẽ khởi nghiệp bằng kinh doanh cà phê nguyên chất.