Thời gian qua, lĩnh vực kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn huyện Đakrông (Quảng Trị) có bước tiến đáng kể.
Đặc biệt, huyện chú trọng gắn chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), tái cơ cấu nông nghiệp với xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực của hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT).
Các HTX có nhiều đổi mới trong điều hành sản xuất kinh doanh, liên kết với các doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên và nông dân, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Hiện nay, huyện Đakrông có 7 HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012 với 45 thành viên. Trong đó, có 2 HTX mới thành lập trong năm 2022; có 11 THT với 89 thành viên.
Để giúp các HTX, THT hoạt động có hiệu quả, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật HTX năm 2012, đặc biệt là đối với các HTX mới thành lập. Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản của trung ương, tỉnh, huyện về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn kịp thời tháo gỡ các vướng mắc cho HTX, THT; hướng dẫn các thủ tục tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất; thủ tục quảng bá, giới thiệu và phát triển sản phẩm nhằm gia tăng giá trị hàng hóa.
Tổ chức rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các HTX nhằm kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, giúp cho các HTX ổn định, phát triển sản xuất. Tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm, hướng đến xây dựng các sản phẩm OCOP có thế mạnh của từng địa phương.
Từ nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2022, huyện đã hỗ trợ 2 HTX và 1 THT nâng cấp sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022 với tổng kinh phí 45,3 triệu đồng. Nhờ được quan tâm hỗ trợ tích cực, các HTX, THT trên địa bàn huyện đã có thêm động lực đổi mới hoạt động.
Trong số 7 HTX ở huyện, có 6 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đã tổ chức thực hiện được các khâu dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thành viên HTX và cộng đồng dân cư tại địa phương như: dịch vụ thủy lợi, cung ứng giống, vật tư phân bón, tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, làm đất, nước sạch nông thôn, giải quyết việc làm cho người lao động; phát huy được vai trò của mình trong việc cung ứng các sản phẩm cho thị trường, góp phần thúc đẩy kinh tế vùng phát triển, làm tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân.
Có 1 HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng, thương mại dịch vụ, vận tải, cung cấp vật liệu xây dựng trên địa bàn, giải quyết việc làm cho người dân. Năm 2022, doanh thu bình quân của HTX trên địa bàn ước đạt 500 triệu đồng/HTX; lợi nhuận bình quân ước đạt 120 triệu đồng/HTX.
Thu nhập của lao động làm việc thường xuyên trong HTX ước đạt 40 triệu đồng/năm. Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh Nguyễn Văn Hùng ở Khóm 2, thị trấn Krông Klang cho biết: “HTX chúng tôi chuyên về sản xuất cây dược liệu, chế biến trà thảo dược. Thời gian qua, được sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành, địa phương, HTX đã có nhiều đổi mới trong sản xuất kinh doanh và đạt kết quả khả quan.
Đặc biệt, HTX được dự án “Quản lý rừng bền vững và
bảo tồn đa dạng sinh học” do Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ hỗ trợ xây dựng nhà kính vườn ươm cây giống để hỗ trợ cho nông dân trồng nguyên liệu sản xuất. HTX được tham gia hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp trong vùng đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại; hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2022. Đây là dịp để HTX học hỏi, kết nối nhiều hơn trên con đường xây dựng và phát triển.
Từ năm 2021 đến nay, HTX đã phát triển và hoàn thiện 7 sản phẩm được các cơ quan chức năng chứng nhận đảm bảo các điều kiện sản xuất. Bình quân mỗi tháng có khoảng 500 hộp trà các loại xuất bán.
Trong năm 2022, HTX sẽ hoàn thiện nâng cấp 2 sản phẩm OCOP và 2 sản phẩm mới dự thi OCOP cấp tỉnh. Hiện các sản phẩm trà thảo dược túi lọc của HTX được giới thiệu, bán tại sàn thương mại điện tử lớn trong cả nước như Lazada, Co.opmart, Winmart, Vỏ Sò (voso.vn), Viettelpost…”.
Đối với các THT, hiệu quả hoạt động ngày càng ổn định và có xu hướng phát triển. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của THT đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho tổ viên, tạo điều kiện để các tổ viên học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, trao đổi kiến thức khoa học - kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
THT giúp các thành viên sử dụng có hiệu quả hơn về đất đai, vật tư, tiền vốn, thông qua hợp tác góp phần xóa đói, giảm nghèo, là cầu nối giữa chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội với nông dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đại Lợi cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT. Triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025
Chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay; chính sách hỗ trợ xây dựng, cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn áp dụng theo tiêu chuẩn; chính sách hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Tiếp tục củng cố, đổi mới, đồng thời gắn với các mô hình HTX kiểu mới, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh; phát triển các làng nghề truyền thống nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển HTX và THT. Gắn kết đổi mới, phát triển KTTT, HTX với chương trình xây dựng NTM, các chương trình khuyến công, khuyến nông”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)