Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhóm doanh nghiệp (DN) kinh doanh, chế biến, xuất nhập khẩu gỗ tỉnh Quảng Trị được ký kết từ tháng 11/2021, đến nay, qua gần 6 tháng triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho 447 đoàn viên, công nhân lao động và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các DN.
Theo báo cáo từ các công đoàn cơ sở (CĐCS), hầu hết DN đều thực hiện đúng, đầy đủ các điều khoản theo thỏa thuận đã cam kết trong thỏa ước nhóm này. Nổi bật, có 7/8 DN đã thực hiện tốt các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đối với NLĐ. Có 7/8 DN sẽ thưởng lương tháng 13 cho người lao động (NLĐ) đã làm việc đủ 12 tháng với mức thưởng tối thiểu là 1 tháng tiền lương (bình quân của tiền lương thực tế trả trong năm), tổng số tiền 2,2 tỉ đồng. Trong đó, một số DN chi thưởng cuối năm trung bình cao hơn so với mức lương tối thiểu vùng như: Công ty TNHH MTV Thông Phát, Công ty TNHH Nguyên liệu giấy (5 triệu đồng/ người), Công ty CP Lâm sản An Thái (4,5 triệu đồng/người)... Đối với NLĐ làm việc chưa đủ 12 tháng cũng được các DN thưởng theo tỉ lệ số tháng làm việc thực tế. Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH MTV Thông Phát Võ Thị Kim Chi cho biết: “Mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhưng NLĐ đã đồng hành cùng với DN nỗ lực vượt qua khó khăn, năm 2021, tình hình sản xuất kinh doanh ổn định nên bên cạnh việc tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ theo quy định, dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần - 2022, công ty đã hỗ trợ lương tháng 13 cho NLĐ mức trung bình là 5 triệu đồng/người”.
Cùng với thưởng Tết, chế độ ăn ca cho NLĐ cũng được 100% DN thực hiện đầy đủ, mức tối thiểu là 20.000 đồng/ngày (tính trên số ngày công/ tháng). Đặc biệt, nhiều DN còn hỗ trợ cao hơn mức tối thiểu trong thỏa ước như: Công ty CP Lâm sản An Thái (25 nghìn đồng/ngày); Công ty CP Lâm sản Khánh Hân (50 nghìn đồng/ngày); Công ty TNHH MTV Thông Phát (50 nghìn đồng/ngày/ người) đối với người làm việc ngoại tỉnh... Chị Phạm Thị Sáu, công nhân Công ty CP Lâm sản Khánh Hân chia sẻ: “Làm việc tại Công ty CP Lâm sản Khánh Hân, bản thân tôi và các anh chị em công nhân luôn được DN quan tâm chăm lo đời sống, riêng chế độ ăn ca được công ty hỗ trợ 50 nghìn đồng/ngày, mức cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của các DN cùng ngành nghề trên địa bàn. Nhờ bữa ăn ca được đảm bảo chất lượng, công nhân chúng tôi khỏe mạnh hơn, từ đó hết mình lao động sản xuất vì sự phát triển của công ty”.
Không chỉ vậy, 447 NLĐ trong nhóm 8 DN này còn được hưởng các chế độ phúc lợi như: Khi kết hôn được nhận quà tặng tối thiểu 2.000.000 đồng; các ngày lễ, Tết được tặng quà có giá trị tương đương ít nhất 200.000 đồng; riêng lao động nữ còn được nhận quà tặng nhân các ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Phụ nữ Việt Nam 20/10 trị giá tối thiểu 200.000 đồng. Đối với hoạt động công đoàn, tất cả các DN đã phối hợp cùng CĐCS tổ chức các phong trào thi đua và các hoạt động cho NLĐ tại các công ty, hỗ trợ 50% chi phí tổ chức và khen thưởng. Cao hơn so với thỏa ước, Công ty CP Lâm sản An Thái tặng quà cưới cho NLĐ trị giá 3.000.000 đồng; Công ty TNHH Nguyên liệu giấy tặng quà cho lao động nữ 500.000 đồng nhân các ngày lễ 8/3, 20/10; Công ty TNHH MTV Châu Hưng hỗ trợ 100% chi phí tổ chức và khen thưởng trong các phong trào thi đua...
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện thỏa ước nhóm DN chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu gỗ vẫn còn những hạn chế. Cụ thể, có 1/8 DN chưa đóng BHXH, BTYT, BTTN cho nhiều NLĐ thuộc diện đóng bắt buộc, chỉ đóng cho một bộ phận NLĐ; 1/8 DN chưa chi lương tháng 13 cho NLĐ; 1/8 DN chưa hỗ trợ ăn ca cho NLĐ trong tỉnh, chỉ hỗ trợ cho NLĐ công tác ngoại tỉnh; 1/8 DN chưa thực hiện điều khoản tặng quà sinh nhật... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế này. Đó là do ý thức của chủ DN trong việc chấp hành pháp luật lao động chưa tốt; có DN gặp khó khăn ảnh hưởng của COVID-19. Về phía tổ chức công đoàn, một số CĐCS chưa kịp thời giám sát việc triển khai thực hiện thỏa ước, cũng như chưa mạnh dạn kiến nghị đối với chủ DN về một số điều khoản chưa đúng theo thỏa thuận đã cam kết.
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Hoài Lê cho biết: “Thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xây dựng kế hoạch và tiến hành giám sát việc thực hiện thỏa ước nhóm. Không chỉ LĐLĐ huyện, công đoàn ngành mà cả cán bộ LĐLĐ tỉnh cũng đã thường xuyên theo dõi và giám sát việc tổ chức thực hiện của các DN thuộc nhóm. Kết quả bước đầu là tích cực và đáng ghi nhận. Đáng mừng là nhiều DN còn có mức hỗ trợ cho NLĐ cao hơn so với pháp luật lao động và cao hơn so với thỏa ước nhóm. Đối với một số DN chưa thực hiện đầy đủ các điều khoản đã cam kết trong thỏa ước, LĐLĐ tỉnh đã có buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để bàn các giải pháp khắc phục. LĐLĐ tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã có tiếng nói trực tiếp với các chủ DN để DN thực hiện đầy đủ các điều khoản đã ký kết. Đồng thời, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo cán bộ CĐCS kiến nghị đối với người sử dụng lao động bằng văn bản. Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo cán bộ công đoàn chuyên trách tăng cường hỗ trợ cho cán bộ CĐCS giám sát việc tổ chức thực hiện thỏa ước tại các DN thuộc nhóm”.
Trước tình hình đời sống của công nhân lao động vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay thì việc triển khai ký kết TƯLĐTT nhóm DN cùng ngành nghề do LĐLĐ tỉnh chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thực hiện là việc làm có ý nghĩa thiết thực. Thỏa ước nhóm có ý nghĩa quan trọng trong việc gắn kết các DN cùng chung tay trong việc đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Và khi mà NLĐ cùng nhóm nghề được hưởng chế độ chính sách tốt như nhau thì sẽ ổn định việc làm, ít dịch chuyển công việc, hạn chế được tình trạng biến động, cạnh tranh lao động trong ngành, giúp DN ngày càng phát triển.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)