Khát vọng đô thị biển

Hồ Nguyên Kha |

Quảng Trị nằm trên Hành lang kinh tế Đông - Tây trong chiến lược phát triển quốc gia và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mà trụ cột là Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Ngoài ra còn có Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, 2 cửa khẩu quốc tế, cảng Cửa Việt chính là cửa ngõ hướng ra Biển Đông. Vì vậy, chủ trương ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế về vùng biển và hình thành những đô thị biển thể hiện tầm nhìn xa trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh.

Kết nối hạ tầng giao thông

Quảng Trị có bờ biển dài gần 75 km với hệ sinh thái biển đa dạng, ngư trường rộng lớn, nguồn hải sản phong phú. Đặc biệt, có nhiều bãi tắm đẹp, trải dọc tuyến biển là điều kiện để phát triển du lịch. Ngoài ra còn có cảng Cửa Việt, đảo Cồn Cỏ dồi dào tiềm năng để phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch biển - đảo... Ở khu vực ven biển huyện Hải Lăng có điều kiện thuận lợi để xây dựng một cảng đào quy mô lớn. Tiềm năng khí ở các mỏ Báo Vàng, Kèn Bầu trên thềm lục địa Việt Nam cách bờ biển Quảng Trị khoảng 120 km là cơ sở để phát triển ngành công nghiệp khí ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, là tiền đề quan trọng, thuận lợi để phát triển kinh tế biển.

Cầu Cửa Việt, huyết mạch giao thông quan trọng tạo điểm nhấn phát triển kinh tế-xã hội ở vùng biển -Ảnh: H.N.K
Cầu Cửa Việt, huyết mạch giao thông quan trọng tạo điểm nhấn phát triển kinh tế-xã hội ở vùng biển -Ảnh: H.N.K

Hiện nay, hệ thống hạ tầng quan trọng của tỉnh như đường bộ, đường sắt đã và đang được đầu tư xây dựng. Trong đó phải kể đến hệ thống giao thông từ Quốc lộ 9 nối cảng Cửa Việt với Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Quốc lộ 9D nối các điểm du lịch - dịch vụ Cửa Việt - Cửa Tùng - Vịnh Mốc, Quốc lộ 49C nối với trung tâm Khu kinh tế Đông Nam đi Cửa khẩu quốc tế La Lay. Đây là sự kết nối về giao thông lý tưởng giúp Quảng Trị mở rộng hợp tác, giao thương bằng đường biển.

Tuyến đường ven biển Quảng Trị từ lâu được xác định là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, tuyến đường này mới đầu tư xây dựng được 23,5 km có điểm đầu phía Nam cầu Cửa Việt ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong và điểm cuối ở xã Hải Dương, huyện Hải Lăng. Tổng mức đầu tư trên 630 tỉ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ. Đoạn đường này cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2019, tạo động lực cho sự phát triển của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Riêng đoạn còn lại của tuyến đường ven biển từ Nam cầu Cửa Việt đến giáp tỉnh Quảng Bình có tổng chiều dài khoảng 56 km gồm 2 đoạn: Đoạn 1 từ Nam cầu Cửa Việt đến ranh giới tỉnh Quảng Bình dài khoảng 44 km, đoạn 2 từ đường ven biển đến trung tâm thành phố Đông Hà dài khoảng 12 km với tổng mức đầu tư 2.970 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 2.410 tỉ đồng, ngân sách địa phương 560 tỉ đồng đang được phân kỳ đầu tư trong giai đoạn từ năm 2021 - 2025. Sự kết nối liên hoàn các tuyến đường trục ngang ven biển và trục dọc nối với Quốc lộ 9 trên Hành lang kinh tế Đông - Tây sẽ là cơ hội để Quảng Trị giao lưu hợp tác với các nước khu vực tiểu vùng sông Mê Kông và mở lối ra Thái Bình Dương bằng đường biển.

Hành lang kinh tế ven biển

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết: “Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 9, khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và Nghị quyết Trung ương 8, khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tỉnh Quảng Trị quyết tâm trở thành địa phương mạnh về biển, giàu lên từ biển và xây dựng hệ thống đô thị ven biển. Ngoài hai khu vực trọng điểm phát triển là Cửa Việt, Cửa Tùng thì hiện nay ở khu vực ven biển các xã Triệu An, Triệu Vân (huyện Triệu Phong) và Hải An, Hải Dương (huyện Hải Lăng) cũng đang hình thành các vùng kinh tế biển. Đặc biệt với điểm nhấn cảng nước sâu Mỹ Thủy và Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng thì khu vực ven biển từ Triệu Phong đến Hải Lăng được kỳ vọng là đô thị trung tâm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, từ đó hình thành hành lang kinh tế biển đa lĩnh vực, đa ngành nghề từ du lịch nghỉ dưỡng, khai thác, chế biến thủy hải sản, công nghiệp điện khí, dịch vụ logistics và cảng biển…”.

Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển, tỉnh Quảng Trị định hướng quy hoạch xây dựng khu vực ven biển Quảng Trị giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, lấy thị trấn Cửa Việt làm trung tâm. Theo đó, khu vực phía Bắc gồm các xã ven biển huyện Vĩnh Linh và Bắc Gio Linh, hạt nhân là đô thị Cửa Tùng, đây là khu vực phát triển dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, di tích lịch sử, văn hóa. Khu vực trung tâm thuộc huyện Gio Linh và Triệu Phong, hạt nhân là đô thị Cửa Việt, phát triển hỗn hợp tất cả các chức năng thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics và cảng biển, khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Khu vực phía Nam ở huyện Hải Lăng, hạt nhân là hai xã Hải An và Hải Dương, thuộc đô thị trung tâm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, nhằm phát triển thương mại, dịch vụ, dịch vụ cảng, công nghiệp đa ngành và logistics. Ngoài ra còn có khu vực phía Đông hình thành bởi tam giác du lịch biển đảo là Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ. Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang đề xuất đưa vào quy hoạch tam giác kinh tế Cửa Tùng-Cửa Việt-đảo Cồn Cỏ trở thành khu du lịch tiềm năng quốc gia, có sức cạnh tranh cao, thu hút khách du lịch của các nước trên Hành lang kinh tế Ðông - Tây cũng như du khách trong nước và quốc tế.

Bãi biển Gio Hải, Gio Linh- Ảnh: H.N.K
Bãi biển Gio Hải, Gio Linh- Ảnh: H.N.K

Trong 15 dự án đăng ký đầu tư thuộc phạm vi Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị có tới 13 dự án đăng ký đầu tư tại Khu du lịch - dịch vụ Cửa Việt với tổng vốn đầu tư hơn 1.164 tỉ đồng trên diện tích đất gần 45 ha. Khu dịch vụ - du lịch Gio Hải ở sát bên Cửa Việt là khu nghỉ dưỡng hiện đại có vốn đầu tư hơn 4.470 tỉ đồng, quy mô hơn 21 ha, trong đó giai đoạn 1 triển khai thực hiện hơn 13 ha đang được Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T xây dựng. Dự kiến sau khi hoàn thành vào cuối năm 2022, dự án sẽ trở thành một khu du lịch độc đáo và hấp dẫn, tạo nên một điểm nhấn đột phá du lịch ven biển Quảng Trị và có sức lan tỏa ra các khu vực lân cận. Cảng biển Mỹ Thủy do Công ty Cổ phần Liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy làm chủ đầu tư 100% vốn và được tài trợ vốn bởi Công ty Clearbrook Global Advisors (Hoa Kỳ), Công ty EMP Infra LLC (Hoa Kỳ) và Công ty TNHH Pinestrees Group (Hàn Quốc) đã được khởi công. Đầu tháng 10/2021, tỉnh Quảng Trị đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng cho Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T và các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc. Giai đoạn 1 của dự án có công suất 1.500 MW, tổng vốn đầu tư gần 53.000 tỉ đồng. Tổ hợp các nhà đầu tư thực hiện dự án bao gồm tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam là T&T Group và các doanh nghiệp uy tín của Hàn Quốc là Công ty Cổ phần Năng lượng Hanwha (HEC), Tổng công ty Khí Hàn Quốc (Kogas), Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (Kospo). Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng mang tầm quốc tế với giá trị phát triển bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cũng như thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và quốc tế.

Hình thành đô thị biển

Khẳng định giá trị kết nối giao thông ở vùng biển Quảng Trị trước hết phải nhắc đến việc xây dựng hai cây cầu quan trọng nằm trên trục giao thông ven biển, đó là cầu Cửa Tùng và cầu Cửa Việt. Nhờ hai cây cầu này đã nối liền các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Triệu Phong đảm bảo sự liên kết ở tuyến biển. Với đặc điểm địa lý tự nhiên thuận lợi cho phát triển kinh tế biển và dịch vụ du lịch, Cửa Việt đã trở thành đô thị trung tâm của vùng ven biển Quảng Trị với hệ thống khu nghỉ dưỡng, khách sạn ven biển.

Hàng hóa tấp nập qua cảng Cửa Việt- Ảnh: H.N.K
Hàng hóa tấp nập qua cảng Cửa Việt- Ảnh: H.N.K

Nếu khu vực Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng) được ưu tiên phát triển thành khu kinh tế phức hợp đa ngành nghề, lĩnh vực từ công nghiệp, nhiệt điện đến vận tải logistics hay cảng biển thì khu vực Cửa Việt có định hướng phát triển thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa, xã hội, là đô thị du lịch nghỉ dưỡng biển gắn liền với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Đây là định hướng phát triển thể hiện tầm nhìn chiến lược trong tổng quan phát triển để sau này “nâng cấp” Cửa Việt thành một thị xã nơi cửa biển. Rõ ràng, chủ trương tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng biển, thương mại - dịch vụ, dịch vụ cảng biển...và hình thành một thị xã tại khu vực Cửa Việt là một định hướng đúng đắn nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có làm động lực để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đồng thời rút ngắn khoảng cách giữa thành phố Đông Hà với các vùng trọng điểm kinh tế ven biển. Từ đó, hình thành các khu đô thị dọc bờ biển mà hạt nhân là Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và Khu du lịch - dịch vụ Cửa Việt.

“Làn sóng” đầu tư vào Quảng Trị ngày càng tăng là tín hiệu tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là kinh tế du lịch biển, tỉnh Quảng Trị cần chú trọng thu hút các dự án đầu tư, hỗ trợ cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực xã hội. Ưu tiên phát triển hệ thống các trung tâm đô thị, đặc biệt là khu vực thị trấn Cửa Việt, Cửa Tùng, tạo “điểm tựa” cho các khu dân cư và các khu chức năng khác phát triển nhằm gia tăng lợi ích cho hoạt động sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội. Từ đó hình thành các khu kinh tế năng động, khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, tạo điểm nhấn kinh tế. Đó chính là khát vọng trên hành trình phát triển.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Áp thấp nhiệt đới có khả năng đi vào Biển Đông dịp giáp Tết

Thanh Mai |

Đợt mưa rét ở hai khu vực trên kết thúc sớm hơn ở miền Bắc, kéo dài từ 29/1 đến 2/2 (tức 27 tháng chạp đến mùng 2 Tết).

Quay về quê làm nghề biển

Sỹ Hoàng |

Cách đây hơn chục năm, nhiều ngư dân trẻ ở các làng biển xã Hải An (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đã giã biệt nghề biển để vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam làm đủ nghề với mong muốn cuộc sống đủ đầy, no ấm hơn. Nhưng rồi, COVID-19 bùng phát đã khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn. Không còn sự lựa chọn, nhiều người đã trở về quê hương để tiếp tục gắn bó đời mình với nghề cũ, với biển khơi.

“Báu vật sống” làng biển

Sỹ Hoàng |

Trong tháng ngày lang thang trên những trảng cát trắng vần vũ gió mây qua nhiều làng biển, tôi được gặp và trò chuyện với nhiều lão ngư nắm giữ những “độc chiêu” đánh bắt thủy, hải sản được lưu truyền qua bao đời. Họ được ngư dân xem là “báu vật sống” của các làng biển. Và những “báu vật sống” ấy từng ngày trao truyền lại cho lớp trẻ các “độc chiêu” để ứng dụng hiệu quả trong những chuyến vươn khơi bám biển.

BĐBP Quảng Trị: Kịp thời cứu 3 ngư dân gặp nạn trên biển

Trường Sơn |

Ngày 11/1/2022, Đồn Biên phòng Triệu Vân phối hợp với Đồn Biên phòng Cồn Cỏ và Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) đã kịp thời cứu nạn thành công 3 ngư dân gặp nạn trên biển.