Khát vọng Lao Bảo - La Lay

Nguyễn Phúc |

Quả là hữu duyên khi tên gọi của hai cửa khẩu quốc tế thuộc tỉnh Quảng Trị nghe... rất vần. Những vần điệu đó, mang theo bao khát vọng về sự đổi thay, sự “hóa rồng” của những vùng đất hoang sơ, đầy rẫy đạn bom nay gánh vác những trọng trách phát triển kinh tế tỉnh nhà.


Từ rừng núi hoang thành “đô thị vàng”

Ngày nay, khi đến Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo sầm uất, ít ai ngờ rằng nơi được ví là “đô thị vàng” của miền tây Quảng Trị lại xây dựng trên nền của một nhà tù. Chính bàn tay của con dân đồng đất Triệu Phước (huyện Triệu Phong) đã lên vỡ hoang chốn này, sau khi trải qua những nỗi ám ảnh của bom mìn, sốt rét, đói ăn...

Lao Bảo là thị trấn vùng biên của huyện Hướng Hóa, giáp với nước bạn Lào. 1/10/1975 là ngày đặt dấu mốc cho cuộc “thiên di” của 305 hộ dân với 1.790 nhân khẩu của xã Triệu Phước lên dựng xây Tân Phước (tên gọi cũ của thị trấn Lao Bảo), vùng đất khắc nghiệt có nhà đày Lao Bảo được thực dân Pháp xây dựng để giam cầm những người yêu nước, là một thung lũng cái gì cũng thiếu, chỉ có gió bão, bom đạn, bệnh sốt rét là... thừa.

Khát vọng Lao Bảo - La Lay sẽ góp phần đưa Quảng Trị vút bay lên như kỳ vọng của nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đó là đưa Quảng Trị đến năm 2025 trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước.

Khí thế những ngày đầu đi khai phá vùng đất vội vã qua đi để lộ ra những khó khăn, đặc biệt là đối với dân đồng bằng mà lại sống ở miền biên ải. Ông Nguyễn Vũ Ái (65 tuổi, từng là Bí thư Xã đoàn Triệu Phước, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo) kể với tôi rằng sáu tháng đầu tiên của cuộc “thiên di” đã để lại những nỗi ám ảnh mà đến cuối đời những con dân Triệu Phước thời điểm đó sẽ không bao giờ quên. Đó là thời tiết vùng núi cao quá khắc nghiệt, mùa hè nóng đổ lửa, mùa đông rét buốt da người; là bệnh sốt rét hoành hành, đến nỗi chỉ cần ngồi trong nhà nhìn ra đường, cứ ba mươi phút lại thấy có người khiêng cáng bệnh nhân sốt rét về trạm xá. Đạn bom trên đất này ngày đó nhiều vô kể, những tiếng nổ xé tai vẫn vang lên đều đặn, có đứa trẻ mới sinh được 2 - 3 ngày thì dính bom qua đời... và nạn đói thì chực chờ bởi “trồng đậu đậu úa, trồng lúa lúa khô, trồng ngô ngô khô quắt lại”. “Nhiều người đã nao núng, một số bỏ về đồng bằng, một số vào miền Nam. Ở thôn Duy Tân, 48 hộ buổi đầu khai hoang vỡ đất chỉ còn 26 hộ ở lại”, ông Ái nhớ lại.

Một góc thị trấn Lao Bảo - Ảnh: Nguyễn Phúc
Một góc thị trấn Lao Bảo - Ảnh: Nguyễn Phúc

Sáu tháng tiếp sau đó, Nhà nước vẫn phải hỗ trợ tiền gạo cho những người đi vỡ hoang. Bảy đội sản xuất tập thể cũng đã được thành lập với sự lãnh đạo của 6 đảng viên (trong đó nhà ông Ái có 3 người gồm bố mẹ ông và ông). “Chúng tôi đã chắt chiu từng hạt giống, từng giọt nước để lo cho sản xuất, vẫn nhặt bom trên luống cày và nuôi niềm tin ngày mai sẽ khác”, ông Ái kể.

Vậy rồi ngày đó cũng đã đến, năm 1998, Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo đã được Chính phủ ra quyết định thành lập. Qua 20 năm, Lao Bảo đã xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh. Từ buổi đầu chỉ có 12 doanh nghiệp với 400 hộ kinh doanh thì nay có 400 doanh nghiệp, trong đó có 5 doanh nghiệp FDI và gần 1.500 hộ kinh doanh hoạt động tại Lao Bảo. Nhìn từ trên cao xuống, nhà đày Lao Bảo chỉ còn là một chấm nhỏ, bị che lấp bởi những tòa nhà cao tầng, những trụ sở nhà máy, xí nghiệp, trung tâm thương mại...

Cuối năm 2020, một tin vui đã đến với thị trấn vùng biên khi Thủ tướng Chính phủ đã chọn Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo là một trong tám khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Đây như là một nấc thang để Lao Bảo một lần nữa chuyển mình, đón các nguồn vốn từ ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cho sự phát triển bền vững của các khu kinh tế cửa khẩu. Trong khi đó, năm 2021, mô hình “một cửa, một lần dừng” tại cặp Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo - Đensavan (Lào) cũng tạm dừng.

Cũng từ đầu năm 2021 đến nay, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng các chỉ số hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo 6 tháng đầu năm tăng đáng kể. Phương tiện vận tải đạt gần 80.000 lượt (tăng 39,26%), kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 205.328 triệu USD (tăng 92,6% so với cùng kỳ năm trước), thu ngân sách nhà nước đạt 141,847 tỷ đồng đạt 78,8% chỉ tiêu giao. Các mặt hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu nói trên chủ yếu là trái cây tươi, gia súc, săm lốp, thạch cao tự nhiên, hàng bách hóa tổng hợp…

Đó như là một tất yếu của sự phát triển, chính sách đúng thì phát triển, chưa đúng thì thay đổi hoặc điều chỉnh cho phù hợp thực tế…

“Bừng tỉnh” La Lay

Năm 2014, Cửa khẩu La Lay chính thức được trở thành cửa khẩu quốc tế, đứng ngang hàng với “người đàn anh” Lao Bảo. Ngay từ lúc đó, không chỉ dân bản La Lay, bản làng nơi biên viễn giáp với nước bạn Lào “vui cái bụng” mà rất nhiều người dân Quảng Trị đã mơ màng nghĩ về một “Lao Bảo thứ 2”, một đô thị đủ sức làm đổi thay cả một vùng đất ngủ quên giữa điệp trùng rừng núi Đakrông.

Tôi từng lên với La Lay vào năm 2010, khi nó chỉ là cửa khẩu quốc gia. Những hiểu biết đầu tiên của tôi về La Lay đều do những người lính Biên phòng phổ cập. Rằng La Lay có ngọn núi Chẽ cao gần 1.000 mét, hình thù khá kỳ dị, đỉnh núi sụp xuống chia ra hai phần rõ rệt. Rằng dân trên này thưa, đi xe máy trên đường mà thấy người đi ngược lại để bóp còi là... vui rồi. Họ cũng đã dẫn tôi lên cột mốc chủ quyền R.16 được dựng từ năm 1979 trên một tảng đá khá nhỏ bé. Đứng từ cột mốc trên cao này nhìn xuống, cảnh trí quanh khu vực hiện lên với núi đồi trùng điệp lẫn trong sương... Có người vì quá yêu La Lay mà bảo rằng nơi ấy tựa như “cô gái ngủ trong rừng”, dẫu xinh đẹp nhưng khi vươn vai thức dậy hãy còn rón rén thẹn thùng từng bước khám phá bầu trời rộng lớn bên ngoài...

Nếu cầm trên tay tập hồ sơ của UBND tỉnh Quảng Trị gửi Chính phủ và các bộ ngành liên quan để báo cáo thuyết minh về việc nâng cấp Cửa khẩu La Lay thành cửa khẩu quốc tế năm 2014, hẳn nhiều người cũng sẽ có suy nghĩ như tôi: Rằng cơ hội đã thực sự đến với La Lay và nếu biết nắm bắt, mọi thứ “không còn là một giấc mơ”...

Về giao thông, việc La Lay trở thành cửa khẩu quốc tế là một điểm nối hoàn hảo cho Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), mà gần gũi nhất là các vùng đông Thái Lan, nam Lào và đông bắc Campuchia. Bởi so với việc đi qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, nhiều tuyến đường bộ qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay sẽ rút ngắn từ vài chục đến vài trăm kilômét. Khi cự ly giảm thì cơ hội để phát triển hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch... không có lý do để thụt lùi. Số liệu từ Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị cho hay tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay từ năm 2010 trị giá chỉ khoảng 7,7 triệu USD thì năm 2013 đã cán mốc 63 triệu USD. Và qua từng năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng đều từ vài chục đến vài trăm triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế La Lay đạt 24,75 triệu USD (tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước), thu ngân sách nhà nước đạt 31,1 tỷ đồng đạt 51,83% so với chỉ tiêu giao.

Phối cảnh Cửa khẩu Quốc tế La Lay trong tương lai, sau khi hoàn thành nhiều hạng mục để xứng tầm cửa khẩu quốc tế - Ảnh: Nguyễn Phúc
Phối cảnh Cửa khẩu Quốc tế La Lay trong tương lai, sau khi hoàn thành nhiều hạng mục để xứng tầm cửa khẩu quốc tế - Ảnh: Nguyễn Phúc

Nhìn gần lại, “chiếc áo mới” của La Lay sẽ đem lại vận hội cho huyện Đakrông vốn nằm trong danh sách 62 huyện nghèo nhất cả nước. Có Cửa khẩu Quốc tế La Lay sẽ là tiền đề để hình thành Khu kinh tế thương mại La Lay. Và đó sẽ là vùng động lực trên tuyến đường Hồ Chí Minh, giúp Đakrông thoát nghèo. Đặc biệt, 8/14 xã của huyện Đakrông nằm trên tuyến sẽ hưởng lợi trực tiếp từ những tác động tích cực do hội nhập quốc tế đem lại.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng điều kiện nhiều mặt của La Lay là chưa xứng tầm với địa bàn chiến lược: Để La Lay thực sự tỏa sáng có nhiều việc phải làm. Trong đó, chúng tôi mong muốn Chính phủ quan tâm, sớm đô thị hóa khu vực La Lay trở thành một thị trấn, cho thành lập khu kinh tế La Lay; đồng thời ban hành cơ chế riêng, ưu tiên cho khu kinh tế này để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trước mắt, Chính phủ có thể hỗ trợ về ngân sách bằng cách cho Quảng Trị giữ lại các loại thuế thu được tại cửa khẩu để đầu tư cơ sở hạ tầng. Còn về lâu dài, Chính phủ hai nước và chính quyền hai tỉnh Quảng Trị - Salavan cần sớm ký kết các văn bản, thống nhất các chính sách để tạo cú hích thực sự cho La Lay trong phát triển.

Cứ mỗi lần đến La Lay là thấy mọi thứ đang khác dần đi. Sự đổi thay đã chính thức bắt đầu với sự hiện diện của hàng chục loại máy móc đang rầm rập đào đá, phá núi... Tin rằng, chỉ một thời gian nữa, nơi đây sẽ mọc lên quốc môn, trụ sở bưu điện, ngân hàng và hàng chục công trình phụ trợ khác. La Lay từng là Bên kia núi, con đường vào Salavan / Trưa La Lay nắng chan cột mốc / Em gái Pa Cô nắng hoe nhuộm tóc / Ngây thơ cười hâm hấp gió Trường Sơn. Nhưng mai này, La Lay không chỉ có thế, mà sẽ trở mình thành một “đô thị vàng” ở phía tây huyện Đakrông. Hãy cho La Lay cơ hội và hãy gửi khát vọng vào La Lay. Nên nhớ Lao Bảo đã được dựng xây trên nền một nhà tù, giữa miền rừng hoang nước độc. Vậy thì với La Lay, tại sao không?

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Lối mở từ La Lay

Lê Minh |

Dự án Quốc lộ 15D nối Cửa khẩu quốc tế Lay Lay đến Cảng biển Mỹ Thủy mở ra tuyến giao thông quan trọng giúp La Lay trở thành nơi trung chuyển hàng hóa lớn giữa các tỉnh phía Đông Thái Lan, Đông Bắc Campuchia và miền Trung Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng. Đặc biệt, tạo ra nguồn hàng ổn định cho Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy, tạo bứt phá cho Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị…

Bất cập về cơ sở hạ tầng ở Cửa khẩu Quốc tế La Lay

Bá Thuần |

Từ khi Cửa khẩu La Lay (Đakrong) được nâng cấp lên thành cửa khẩu quốc tế, tháng 6 năm 2014, được sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Quảng Trị đã từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đưa một sản phụ "vỡ nước ối" vượt lũ, đến trạm xá an toàn

Phan Vĩnh - Nguyễn Khiêm |

Sáng 13/10/20, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay (Đakrong, Quảng Trị) cho biết, lực lượng của đơn vị đã đưa một phụ nữ sắp sinh đến trạm xá an toàn.

Sạt lở nghiêm trọng, việc khôi phục lưới điện ở cửa khẩu La Lay đình trệ

Hữu Phúc |

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, những ngày qua trên toàn tỉnh Quảng Trị có mưa to đến rất to gây ngập úng và sạt lở nhiều nơi. Lúc 15h40 ngày 7.10, mưa lũ gây sạt lở làm đổ cột điện số 226 đường dây 35kV xuất tuyến 375 trạm biến áp 110kV Tà Rụt. Đây là tuyến đường dây cấp điện cho khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay và tỉnh Sa Muồi (Lào).