Từ khi Cửa khẩu La Lay (Đakrong) được nâng cấp lên thành cửa khẩu quốc tế, tháng 6 năm 2014, được sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Quảng Trị đã từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, các đơn vị hoạt động tại cửa khẩu đã làm tốt công tác quản lý, xuất nhập cảnh cũng như thông quan hàng hóa nên đã tạo thuận lợi cho người và phương tiện qua lại cũng như trao đổi hàng hóa giữa 2 nước Việt Nam và Lào. Tuy nhiên, hiện tại hạ tầng cơ sở ở đây vẫn còn thiếu, đặc biệt đường giao thông bị hư hỏng nặng trong các trận lũ vừa qua, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu.
Sau khi làm các thủ tục để đi qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay, chuyện trò cùng chúng tôi, ông Võ Thanh Sang ở tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế nói rằng: Từ nhiều năm nay, ông thường chở các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và hàng dệt may qua cửa khẩu này qua các tỉnh vùng nam Lào, khi về cũng mua một số mặt hàng để bán trong nội địa, thu nhập rất ổn định. Tuy nhiên, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt mưa lũ tàn phá đã làm hư hỏng đường giao thông nên việc vận chuyển hàng hóa rất khó khăn. Hiện tại, Quốc lộ 15D từ xã A Ngo lên đây dài hơn 12 km bị sạt lở nặng, mặt đường bị bong tróc và tuyến đường này quanh co, cheo leo, hiểm trở, bên núi cao, bên vực thẳm nên lái xe rất vất vả.
Không chỉ nhiều tuyến đường bị hư hỏng, ở cửa khẩu Nhà kiểm soát liên hợp vẫn chưa có, cán bộ, chiến sỹ biên phòng và hải quan làm việc trong những căn nhà cấp 4, chật hẹp, điều kiện ăn ở, sinh hoạt thiếu thốn. Mặt khác, cửa khẩu cũng chưa có khu vực kiểm hóa, kho chứa hàng, bãi đỗ xe và nhiều công trình phụ trợ khác.
Thượng tá Nguyễn Xuân Hiển, Phó Trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay cho biết: Hiện tại, Cửa khẩu Quốc tế La Lay đang trong quá trình xây dựng, mùa hè bụi tung mù mịt, mùa đông mưa dầm dề. Đặc biệt mưa lớn kéo dài nhiều ngày thời gian qua làm cho đất đá trên núi đổ về gây ách tắc giao thông, việc đi lại rất khó khăn. Tuy nhiên, các lực lượng ở đây đã bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp làm tốt công tác quản lý người và phương tiện qua lại cũng như tạo thuận lợi, thông quan hàng hóa một cách nhanh nhất.
Từ đầu năm 2020 đến nay, lưu lượng về phương tiện và người qua cửa khẩu giảm khoảng 50% so với những năm trước đây. Nguyên nhân là do dịch COVID-19 và chính sách của nước bạn Lào hạn chế và cấm xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, điều đáng mừng là lưu lượng hàng hóa có sự tăng trưởng. Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ tính riêng kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 28 triệu USD, tăng 7% so với năm 2019. Điều đó cho thấy, Cửa khẩu Quốc tế La Lay có tiềm năng rất lớn nếu được đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng.
Ông Hoàng Bá Linh, Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế La Lay nhấn mạnh: “Hạ tầng hiện tại rất chật hẹp, cho nên điều tiết phương tiện và hàng hóa qua lại gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, đường tạm ở khu vực cửa khẩu bị xuống cấp nhanh, trong mùa mưa nhiều lái xe phải ở lại vài ba ngày, chờ đường khô mới đi được, rất mong tỉnh nghiên cứu sớm khắc phục”.
Cửa khẩu Quốc tế La Lay đóng vai trò quan trọng, không chỉ thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước Việt- Lào mà còn thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư và du lịch, giao lưu hợp tác phát triển, củng cố quốc phòng, an ninh vùng biên giới. Thấy rõ điều này, ngay sau khi được nâng cấp lên thành cửa khẩu quốc tế, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, triển khai đề án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu. Bên cạnh đó, tiến hành xây dựng đường trung tâm, mở rộng nền đường trục chính và một số hạng mục khác. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp nên việc triển khai các công trình còn chậm, mặt khác, trong các trận lũ vừa qua đường giao thông nhiều đoạn bị sạt lở, hư hỏng. Trước mắt, tỉnh chỉ đạo khắc phục những đoạn đường bị sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt, đốc thúc nhà thầu sớm hoàn thành các công trình đang xây dựng, nhất là sớm hoàn thành Nhà kiểm soát liên hợp. Đồng thời, tranh thủ các nguồn lực, xây Quốc môn, khu hành chính cho các cơ quan chuyên trách làm nhiệm vụ tại cửa khẩu. Đặc biệt, khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý của 2 nước Việt Nam và Lào liên quan đến các công trình xây dựng ở khu vực biên giới, trên cơ sở đó, xem xét và quyết định về định hướng phát triển của khu vực cửa khẩu trong thời gian tới.
(Nguồn: QRTV)