Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng cao

Thanh Lê |

Đến thời điểm này, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng với 63/101 xã đạt chuẩn NTM, 1/7 huyện đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, tại các xã vùng sâu, vùng xa, quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM vẫn chưa đạt được tiến độ, mặc dù các địa phương đã có rất nhiều nỗ lực.


Quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Tà Long, huyện Đakrông (Quảng Trị) gặp rất nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp như cơ sở hạ tầng thiếu thốn; đời sống của người dân còn nhiều khó khăn; đồng bào dân tộc thiểu số còn giữ một số tập quán, phong tục lạc hậu ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất. Với sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền và người dân, cuối năm 2022, Tà Long đạt 8/19 tiêu chí xây dựng NTM. Với những kết quả đạt được phần nào đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn xã Tà Long.

Đời sống Nhân dân được cải thiện đáng kể, phương thức sản xuất có nhiều thay đổi tích cực, ý thức của người dân về xây dựng NTM được định hình rõ rệt hơn. Tuy nhiên, để về đích trong xây dựng NTM, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn mà xã Tà Long cần vượt qua.

Mô hình nuôi dê tại xã A Vao, huyện Đakrông - Ảnh: T.L
Mô hình nuôi dê tại xã A Vao, huyện Đakrông - Ảnh: T.L

Chủ tịch UBND xã Tà Long Lê Minh Thanh cho hay: “Việc thực hiện các tiêu chí còn lại sẽ gặp khó do nguồn lực theo yêu cầu cần để xây dựng NTM quá lớn, trong lúc điều kiện của Tà Long còn khó khăn, nguồn thu ngân sách trên địa bàn thấp, cuộc sống người dân còn nghèo nên huy động nội lực hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và các chương trình khác phân bổ chưa đủ để thực hiện các các tiêu chí theo lộ trình đề ra.

Về phía địa phương, các hội, đoàn thể và các thôn chưa chủ động trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM, hiệu quả của phong trào chưa cao. Một số tiêu chí xây dựng NTM như nhà ở dân cư, thu nhập bình quân đầu người, hộ nghèo…vượt quá khả năng thực hiện của địa phương”.

Sở dĩ gặp những khó khăn trên do Tà Long là một xã thuộc khu vực thời tiết khắc nghiệt, địa hình đồi núi dốc và bị chia cắt bởi nhiều sông, suối nhỏ nên thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng của xã còn thiếu đồng bộ, mặt bằng dân trí chưa cao, điều kiện đời sống của người dân còn nghèo, có 4/8 thôn nằm cách xa trung tâm xã và tuyến đường 14 nên giao thông đi lại gặp khó khăn, phát triển kinh tế bị hạn chế. Bên cạnh đó, mặc dù địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhưng vẫn còn một bộ phận Nhân dân trên địa bàn chưa thực sự quyết tâm để chung tay xây dựng NTM. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vẫn tồn tại ở một số người dân, ảnh hưởng đến nỗ lực thi đua phát triển kinh tế và thực hiện các phong trào chung sức xây dựng NTM.

Trong những năm qua, xã A Vao đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện chương trình xây dựng NTM. Trao đổi thêm với chúng tôi, chị Hồ Thị Dắt, một người dân ở thôn A Vao cho biết: “Nhờ tuyên truyền vận động nên chúng tôi đã cơ bản nhận thức đúng về chương trình xây dựng NTM, đây là một chương trình mục tiêu quốc gia do chính người dân làm chủ thể.

Với sự hỗ trợ của nhà nước, các chương trình, dự án, trường học, đường sá đã được xây dựng, người dân được hướng dẫn, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế, từ đó đời sống của dân bản phần nào được cải thiện hơn so với trước đây. Người dân sẵn sàng hiến ngày công, hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi, nhà văn hóa nhằm phục vụ tốt cho nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng”.

Để nâng cao thu nhập cho người dân, địa phương đã quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất. Riêng trong năm 2022, xã đã nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả trên địa bàn, người dân đã mạnh dạn đầu tư mua thêm giống dê, trâu, lợn… để xây dựng mô hình gia trại.

Tuy nhiên, do quy mô sản xuất và chăn nuôi ở xã manh mún, nhỏ lẻ nên việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 16,4 triệu đồng/ người/năm; tỉ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm trên 43% số hộ dân toàn xã.

Là một xã vùng cao, điểm xuất phát về cơ sở hạ tầng thấp, địa bàn rộng, dân cư sống rải rác ở sườn núi cao đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn để thực hiện các tiêu chí về hạ tầng nông thôn.

Do vậy, bên cạnh khó khăn trong thực hiện các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, nhiều tiêu chí khác xã A Vao vẫn rất cần sự hỗ trợ như giao thông, trường học, nhà ở dân cư, môi trường và an toàn thực phẩm…

Hoàn thành chương trình xây dựng NTM thực sự là một thách thức lớn đối với một xã vùng khó như Tà Long.

“Đối với các tiêu chí chưa đạt, xã đã đề ra các giải pháp cụ thể, mang tính khả thi cao. Trong đó chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân tiếp tục thực hiện các tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ môi trường. Huy động nguồn lực, lồng ghép với nguồn vốn của các chương trình, dự án, sự đóng góp của Nhân dân trong thực hiện chương trình xây dựng NTM…”, Chủ tịch UBND xã Tà Long Lê Minh Thanh cho biết thêm.

Tại xã A Vao, việc thực hiện chương trình xây dựng NTM tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện bằng nhiều giải pháp cụ thể. Đó là tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh như trồng rừng sản xuất, ngô, sắn, nuôi gà bản, lợn bản, dê.

Tiếp tục thực hiện và duy trì tốt các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, thực hiện hỗ trợ phải đi đôi với cam kết ràng buộc trách nhiệm thực hiện của hộ hưởng lợi.

Đồng thời tăng cường giám sát, động viên, giúp đỡ và định hướng để hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế sớm ổn định cuộc sống.

Khuyến khích mở rộng mạng lưới thương mại, dịch vụ rộng rãi trên địa bàn xã, nhất là mạng lưới tiêu thụ nông sản của người dân, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng ngày một tốt hơn.

Đẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM. Thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm tạo và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Mô hình mới về nuôi cá chình bông và trồng rau thủy canh trong hệ aquaponics ở Vĩnh Linh

Nguyễn Trang |

Ở Quảng Trị, cá chình không phải là đối tượng nuôi mới, nhưng đầu tư ứng dụng công nghệ cao nuôi cá chình bông và trồng rau thủy canh trong hệ aquaponics khép kín là hình thức, quy trình nuôi hoàn toàn mới. Mô hình quy mô đầu tiên được thử nghiệm vào tháng 12/2021 tại hộ anh Tạ Quang Hưng, thôn Huỳnh Công Đông, xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh. Mô hình đã nhận được sự hỗ trợ về kiến thức, kỹ thuật, nguồn vốn từ huyện Vĩnh Linh với định hướng xây dựng nên phương thức nuôi trồng thủy sản chất lượng cao tại địa phương.

Hiệu quả từ mô hình liên kết trồng chanh leo ở Hướng Hóa

Nguyễn Đình |

Mặc dù là cây trồng mới nhưng hiện nay cây chanh leo đang được nhiều hộ nông dân các xã, thị trấn ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tập trung phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Hướng Hóa: Trao 55 con dê giống cho hộ nghèo

Bích Liên |

Chương trình vùng Hướng Hóa (Quảng Trị) thuộc Dự án Tầm nhìn Thế giới vừa tổ chức trao 55 con dê giống, trị giá hơn 209 triệu đồng cho 55 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nằm trong nhóm phát triển sinh kế trên địa bàn 3 xã Hướng Sơn, Hướng Việt và Hướng Linh.

Khởi nghiệp với sữa dê Ban Mê

Phan Hoài Hương |

Sữa dê Ban Mê, một thương hiệu được chàng trai Quảng Trị xây dựng trên mảnh đất Tây Nguyên từ chỗ xa lạ đã trở nên gần gũi hơn với người tiêu dùng. Từ nông trại nhỏ của mình, dẫu trước mắt vẫn còn bộn bề khó khăn nhưng chàng trai 8X- vốn là một kỹ sư viễn thông này- luôn ấp ủ hy vọng sẽ xây dựng được vùng nguyên liệu sữa dê trên vùng đất Tây Nguyên rộng lớn.