Sữa dê Ban Mê, một thương hiệu được chàng trai Quảng Trị xây dựng trên mảnh đất Tây Nguyên từ chỗ xa lạ đã trở nên gần gũi hơn với người tiêu dùng. Từ nông trại nhỏ của mình, dẫu trước mắt vẫn còn bộn bề khó khăn nhưng chàng trai 8X- vốn là một kỹ sư viễn thông này- luôn ấp ủ hy vọng sẽ xây dựng được vùng nguyên liệu sữa dê trên vùng đất Tây Nguyên rộng lớn.
Bài học từ thất bại
Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh năm 2007, Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1984 tại Quảng Trị) có thời gian làm việc tại các công ty: TNHH Fujikura Fiber Optic Việt Nam và Thiết kế hạ tầng viễn thông Bell Canada. Đây là các công ty đa quốc gia chuyên sản xuất thiết bị viễn thông. Năm 2010, anh cùng hai người bạn ra mở công ty buôn bán trang thiết bị viễn thông và dịch vụ phần mềm công nghệ thông tin xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á.
Thời điểm này, công ty cử Hải qua nghiên cứu thị trường ở Lào và Campuchia. Quá trình nghiên cứu thấy thị trường Campuchia tốt hơn nên công ty mở chi nhánh từ năm 2010. Đến năm 2012, công ty ở Việt Nam ngừng hoạt động nhưng Hải vẫn bám trụ ở Campuchia. 3 năm sau đó, anh sang nhượng công ty ở Campuchia cho một người khác rồi dùng số tiền đó sang khởi nghiệp ở Myanmar. Tại thị trường này, Hải đã làm các sản phẩm với Telco cùng các ứng dụng di động trên nền IOS và Google Play. Tuy nhiên, thị trường Myanmar không tốt như kỳ vọng nên dự án của anh thất bại.
Mặc dù vậy, thời gian khởi nghiệp ở nước ngoài đã cho Hải nhiều bài học kinh nghiệm. Trên thực tế, việc mở rộng thị trường ra nước ngoài, với người trẻ như Hải là một “cuộc phiêu lưu mạo hiểm”. Hồi đầu, anh và các đồng nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về ngôn ngữ giao tiếp, văn hóa cũng như việc tiếp cận thị trường. Về ngôn ngữ, ngoài việc sử dụng tiếng Anh, Hải phải học thêm tiếng Khmer và tiếng Burma để dễ dàng giao tiếp với người dân ở các quốc gia mình đặt chân đến. Tuy nhiên, tinh thần khởi nghiệp của các bạn trẻ ở những quốc gia đã truyền cho Hải cảm hứng để vượt qua mọi khó khăn. “Mình có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ và nhận thấy ở họ đều có điểm chung là cuốn vào dòng chảy khởi nghiệp toàn cầu. Nhiều bạn trẻ noi gương những tấm gương khởi nghiệp thành công từ thung lũng Sillicon như Steve Jobs (Apple), Larry Page & Sergey Brin (Google) để làm động lực phấn đấu. Cuốn sách gối đầu của các bạn trẻ ở các quốc gia này là Khởi nghiệp tinh gọn (The Lean Startup - tác giả Eric Rees)”, Hải chia sẻ.
Từ kỹ sư công nghệ sang … “kỹ sư” nông nghiệp
Với nền tảng kỹ sư viễn thông, sau gần 10 năm mở công ty làm công nghệ thông tin ở Đông Nam Á, không ai nghĩ rằng năm 2018, Hải quay về Đắk Lắk và start up (khởi nghiệp) với… con dê.
Nói về lý do này, Hải cho biết: “Khi bắt tay vào nghiên cứu ngành công nghiệp bơ sữa, tôi nhận thấy đây là thị trường rộng lớn và có tiềm năng phát triển một khi đời sống người dân được nâng cao. Vì thế, tôi quyết định chuyển hướng làm ăn. Thực ra, đây là một quyết định táo bạo bởi tôi không có chuyên môn về nông nghiệp. Tôi làm bằng sự đam mê và có một niềm tin vào số liệu do các hãng phân tích đưa ra, đó là Việt Nam thuộc top các quốc gia có mức tiêu thụ sữa khá thấp, từ 26 - 27 kg/người/năm trong khi trung bình thế giới đạt khoảng 100 kg/người/năm và trung bình tại Châu Á đạt 38 kg/người/năm. Ngoài ra, sản lượng sữa tươi từ trang trại Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 38% nhu cầu thị trường”.
Tham khảo và so sánh đất đai ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Hải quyết định chọn cao nguyên Đắk Lắk làm nơi thực hiện dự án. Đây cũng chính là quê hương của vợ anh. Gần 3 tháng tìm kiếm anh mới chọn được địa điểm ưng ý ở huyện Buôn Đôn, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí là vùng đất đỏ ba dan ở một xã thuần nông, có nước tưới đầy đủ khi vào mùa khô Tây Nguyên, có đường tải điện và giao thông thuận lợi. Khi đất đã có, chuồng đã xây, anh tiếp tục tìm kiếm vùng nguyên liệu nuôi đàn dê. Những ngày đầu, anh Hải đi xin từng hom cỏ voi, gom góp liên tục trong 3 tháng trời, cuối cùng đã có đồng cỏ đủ cho 200 con dê ăn quanh năm. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, anh lặn lội đến các tỉnh Tây Ninh, Tiền Giang, Lâm Đồng để “tuyển chọn” đàn dê chuyên dụng sữa, vận chuyển cẩn thận về Tây Nguyên và nuôi dưỡng chúng theo tiêu chuẩn VietGAP. Trước đó, anh đã có thời gian xin học việc tại trang trại nuôi dê ở các tỉnh Tiền Giang, Lâm Đồng để tích góp kinh nghiệm.
Anh Nguyễn Văn Hải chia sẻ: Bài học mà tôi thu được trong thời gian khởi nghiệp ở nước ngoài là vòng tròn phát triển sản phẩm “Xây dựng - Đo lường - Học hỏi”. Bắt đầu khởi nghiệp, xây dựng một sản phẩm khả thi tối thiểu (MVP) để được thị trường chấp nhận, sau đó quay lại nâng cấp, tối ưu sản phẩm đó. Khởi nghiệp với tầm nhìn lớn, nhưng bắt đầu từ sản phẩm nhỏ.
Cứ nghĩ đã chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết thì việc chăn nuôi cũng sẽ trở nên thuận lợi. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm về chăm sóc, những lứa dê đầu tiên bị ốm, chết khá nhiều, tỉ lệ hao hụt dê con lên đến 30%, tỉ lệ cho sữa đạt thấp. “60 con dê giống mua gần 1 tỉ đồng nhưng hễ sinh con ra chết đến 40%. Đó là thứ học phí mà mình phải trả để đổi lấy kinh nghiệm”, anh Hải nói.
Anh lại tự mày mò giáo trình hướng dẫn từ các trường đại học có uy tín, tham gia hội nhóm chăn nuôi để tham khảo cách xử lý. Bên cạnh việc mua dê giống chuyên sữa như Saanen, Nubian, anh còn tự lai tạo thêm dòng dê Bách Thảo nhằm tăng dần tính thích nghi. Ngoài ra, anh Hải chú trọng ứng dụng đệm lót sinh học, tạo môi trường nuôi thông thoáng và các giải pháp phòng bệnh, tiêm vắc xin định kỳ, nâng cao sức đề kháng tự nhiên cho đàn dê. Đến tháng 9/2019, sản phẩm sữa dê của trang trại anh Hải đã được cung cấp ra thị trường, với sản lượng ban đầu mới chỉ đạt từ 1 - 2 lít/ngày. Nhưng đó là quả ngọt đầu tiên mà mình gặt hái được nên anh rất trân trọng.
Tầm nhìn lớn từ sản phẩm nhỏ
“Làm nông vất vả, trong khi gia đình không ủng hộ mà vẫn thuyết phục con theo đuổi sự nghiệp viễn thông đúng với ngành đã học, tôi từng chịu áp lực đến mức gần như ở ẩn, không dám tham gia mạng xã hội để có thể an định với mục tiêu mình đặt ra”, anh Hải kể về những ngày đầu khởi nghiệp như vậy. Đến giờ, vất vả không hẳn đã vơi đi nhưng niềm tin về con đường mình đã chọn thì vững chắc hơn nhiều.
Hiện đàn dê của trang trại anh Hải đã phát triển lên 120 con, sản lượng đạt trên 15 lít/ngày. Sữa dê sau khi vắt xong được đưa ngay vào máy thanh trùng, làm lạnh để đảm bảo dinh dưỡng, đạt các tiêu chí: Không có dư lượng thuốc trừ sâu, không có dư lượng kháng sinh, không độc tố vi nấm, không chứa kim loại nặng. Với giá bán sữa dê thanh trùng đến tay người tiêu dùng là 100.000 đồng/lít, anh Hải thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/ngày. Ngoài thu nhập từ sữa dê, anh còn có nguồn thu nhập từ việc bán con giống và dê thịt. Sau khi trừ hết chi phí, anh có thu nhập đều đặn khoảng 60 triệu đồng mỗi tháng.
Điều đáng nói, trang trại chăn nuôi dê của anh Hải còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động phổ thông ở địa phương với thu nhập ổn định. Sản phẩm Sữa dê Ban Mê hiện đã có mặt tại 4 cửa hàng thực phẩm sạch ở TP. Buôn Ma Thuột và một số đại lý ở Đà Nẵng, Quảng Trị, Bình Dương… Anh Hải cũng đang liên kết với Công ty Thương mại điện tử FoodMart để phát triển bán hàng trực tuyến tại TP. Hồ Chí Minh và bán hàng lưu động bằng xe tải chuyên dụng tại khu vực chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, tích cực giới thiệu sản phẩm dinh dưỡng mới đến khách hàng địa phương.
Từng được đào tạo về công nghệ thông tin nên anh Hải quản lý đàn dê trên phần mềm máy tính (mỗi con được đánh số thứ tự, tuổi, lịch sử thú y, cây phả hệ…). “Đây là xu thế chung trong thời đại công nghệ 4.0”, anh cho biết. Ngoài ra, anh Hải còn tiếp nhận các thực tập sinh ngành chăn nuôi thú y của các trường đại học và những người muốn phát triển chăn nuôi dê đến để trải nghiệm và được anh hướng dẫn, hỗ trợ kiến thức, truyền đạt kinh nghiệm miễn phí.
Ước mơ của anh Hải là xây dựng trang trại có 1.000 con dê nái vắt sữa và tạo ra một vùng nguyên liệu sữa dê rộng lớn; xây dựng một chỉ dẫn địa lý Sữa dê Ban Mê. Để làm được điều này, theo anh cần có sự liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học. “Khát vọng của tôi là xây dựng một vùng nguyên liệu sữa dê trên vùng đất Tây Nguyên rộng lớn, khi đó mọi người dân đều có thể sử dụng nguồn dinh dưỡng diệu kỳ này. Tôi xác định đây là hành trình dài hơi, tuy nhiên trên con đường đó tôi vẫn luôn hát bài “The happy farmer” (Người nông dân hạnh phúc) để tiếp thêm cho mình tinh thần lạc quan, vượt khó”, anh Hải chia sẻ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)