Quảng Trị là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, đó là điểm kết nối của ba tuyến du lịch lớn là lộ trình xuyên Việt, Hành lang kinh tế Đông- Tây và Con đường Di sản miền Trung. Đặc biệt với hệ thống di tích lịch sử cách mạng đồ sộ là thành tố quan trọng để Quảng Trị trở thành “điểm nhấn” du lịch trong nước và khu vực.
Nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế các di tích trên địa bàn để phát triển du lịch những năm qua hoạt động quy hoạch, đầu tư, tôn tạo được quan tâm thực hiện. Sau khi việc đầu tư, tôn tạo các di tích như: Thành Cổ Quảng Trị, địa đạo Vịnh Mốc, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Sân bay Tà Cơn, Nhà tù Lao Bảo... đã cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng, khai thác đã dần khẳng định được vị trí trong hệ thống di tích quốc gia, trở thành các điểm tham quan du lịch hấp dẫn của du khách khi đến Quảng Trị.
Cùng với đó, hoạt động xã hội hóa trong bảo tồn, tôn tạo di tích đã được chú trọng và mang lại hiệu quả thiết thực. Với ý thức trách nhiệm đối với lịch sử, nhiều tổ chức, cá nhân đã có những đóng góp tích cực trong hoạt động đầu tư tôn tạo di tích. Nhờ vậy, những di tích gắn liền với lịch sử các địa phương đã được các tổ chức đoàn thể, cán bộ và Nhân dân đóng góp tiền của để xây dựng, tạo thêm được nhiều điểm văn hóa nhằm tôn vinh và giáo dục truyền thống cho thế hệ sau. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2019, được sự hỗ trợ của Trung ương và các đơn vị, tổ chức, cá nhân, Trung tâm quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh đã triển khai đầu tư, tu bổ, tôn tạo nhiều hạng mục của di tích với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước 14,3 tỉ đồng và nguồn xã hội hóa 4,65 tỉ đồng.
Đi đôi với trùng tu, tôn tạo các địa điểm di tích để thu hút du khách, hoạt động quản lý, sử dụng, khai thác di tích ngày càng được tỉnh tổ chức thực hiện một cách có nền nếp, mang lại hiệu quả thiết thực, bổ sung nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, đồng thời đưa di tích Quảng Trị ngày càng có vị trí xứng đáng trong hệ thống di sản văn hóa miền Trung và Việt Nam. Giám đốc Trung tâm quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh Nguyễn Quang Chức cho biết: “Hiện nay,Trung tâm quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh đang trực tiếp quản lý 8 di tích tiêu biểu của tỉnh, trung tâm đã nỗ lực liên kết với các tuor du lịch địa phương và trong nước để thu hút khách tham quan đến các điểm di tích. Tăng cường các hướng dẫn viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cao, đảm bảo giải quyết được những nhu cầu tìm hiểu về một di tích, một vùng đất lịch sử với nhiều địa danh nổi tiếng liên quan. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, môi trường di tích không ngừng được cải thiện, tổ chức tốt và đa dạng các loại hình dịch vụ phục vụ khách tham quan. Các sản phẩm dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng như phát hành ấn phẩm, băng đĩa, sách, ảnh tư liệu từ nhiều nguồn trong và ngoài tỉnh để quảng bá di tích.
Quảng Trị là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử- văn hóa với tổng số 562 địa điểm di tích đã xếp hạng các cấp, trong đó có 478 địa điểm di tích thuộc loại hình lịch sử. Di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt có 28 địa điểm di tích thành phần thuộc 4 di tích quốc gia đặc biệt, tất cả thuộc loại hình lịch sử. Di tích xếp hạng quốc gia có 57 địa điểm di tích thành phần thuộc 20 địa điểm di tích quốc gia, trong đó có 33 địa điểm di tích thuộc loại hình lịch sử; 24 địa điểm di tích thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật.
Nhờ vậy những di tích được trùng tu, tôn tạo đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo khách về với Quảng Trị, tiêu biểu như địa đạo Vịnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị, Sân bay Tà Cơn, Đôi bờ Hiền LươngBến Hải bình quân hằng năm đón từ 250.000- 300.000 lượt khách. Bên cạnh đó, một số lễ hội cách mạng độc đáo được xây dựng, tạo ra những sản phẩm tinh thần mới có dấu ấn sâu đậm, có sức lan tỏa rộng trong đời sống Nhân dân. Nổi bật như lễ hội “Tri ân các anh hùng liệt sĩ” ở hai Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Đường 9; Lễ hội “Thống nhất non sông” ở sông Hiền Lương; Lễ hội thả hoa trên sông Thạch Hãn... tổ chức vào các dịp 30/4 và 27/7 hằng năm. Cùng với hệ thống di tích lịch sử chiến tranh, các lễ hội cách mạng trên đã chuyển hóa được những giá trị tâm linh sinh động và đem lại nhận thức tươi mới, sự rung động sâu sắc đối với mọi người, trong đó có đông đảo khách du lịch.
Nhằm tiếp tục khơi dậy tiềm năng các di tích trên địa bàn để phát triển du lịch, Giám đốc Trung tâm quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh Nguyễn Quang Chức cho biết thêm: “Tỉnh cần có chiến lược quy hoạch hệ thống di tích hoặc quy hoạch từng di tích. Đây chính là cơ sở pháp lý để được đăng ký danh mục đầu tư công trung hạn theo từng giai đoạn của tỉnh. Hiện tại, tất cả hệ thống di tích mà trung tâm quản lý tại mỗi di tích yếu tố gốc còn lại rất ít, phần lớn là phục dựng, tôn tạo và xây dựng các công trình tôn vinh.
Sau một thời gian đưa vào sử dụng hiện đã xuống cấp nghiêm trọng về xây dựng cơ bản cũng như tranh, ảnh tư liệu, hiện vật... Cùng với đó, phương án trưng bày tại các di tích theo lối truyền thống trước đây đến thời điểm này đã lỗi thời từ đó gây trở ngại lớn cho việc quản lý, sử dụng, khai thác và đặc biệt là thu hút khách tham quan. Do vậy trong thời gian tới cần phải có một chiến lược đầu tư phù hợp nhằm thu hút du khách đến tham quan để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)