Khơi dậy niềm tự hào truyền thống quê hương, tạo động lực cho sự phát triển

Phương Minh |

Năm 2022 là năm thứ hai Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Đây cũng là năm tổ chức kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn 7/4 (1907 - 2022), 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị 1/5 (1972 - 2022) và 50 năm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947 - 2022).

Mục đích đặt ra là tổ chức tốt hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn nhằm khơi dậy niềm tự hào về mảnh đất và con người Quảng Trị; động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phát huy truyền thống, tiếp tục phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách; huy động mọi tiềm năng, nguồn lực cho đầu tư phát triển nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, năm nay trên địa bàn tỉnh sẽ diễn ra các hoạt động kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn với chương trình nổi bật, như Lễ dâng hoa tưởng niệm tại tượng đài Tổng Bí thư Lê Duẩn ở thành phố Đông Hà; Chương trình sân khấu thực cảnh đặc biệt kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn tại làng Bích La và Khu lưu niệm ở thôn Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong; Lễ khởi công tôn tạo, nâng cấp Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Thành ủy Đông Hà tổ chức dâng hoa nhân kỷ niệm 114 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Thành ủy Đông Hà tổ chức dâng hoa nhân kỷ niệm 114 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Hoạt động kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị được khởi đầu bằng Lễ thượng cờ “Thống nhất non sông” tại Kỳ đài Khu di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Giải đua thuyền truyền thống trên sông Bến Hải; Hội thảo khoa học “Quảng Trị - 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”; Lễ phát hành Bộ tem kỷ niệm 50 năm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị; Lễ khởi công, khánh thành các công trình trọng điểm chào mừng ngày giải phóng quê hương; Lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị.

Đối với các hoạt động hướng tới Lễ hội Vì hòa bình và kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ có các hoạt động như: Liên hoan Thanh niên - Sinh viên Việt Nam ở bờ Bắc sông Thạch Hãn; Chương trình nghệ thuật “Khát vọng hòa bình” tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị; các hoạt động trong Tháng tri ân, đền ơn đáp nghĩa; Lễ khởi công xây dựng Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị…

Tinh thần chỉ đạo từ Ban Chỉ đạo các ngày lễ lớn của tỉnh là thông qua các hoạt động kỷ niệm phát động phong trào thi đua yêu nước, huy động sức mạnh tổng hợp để phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, du lịch, các công trình phúc lợi xã hội. Trong đó  chú trọng thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; hưởng ứng tích cực các phong trào: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; đền ơn đáp nghĩa; phòng chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội; củng cố quốc phòng - an ninh; xây dựng những mô hình mới, điển hình tiên tiến xuất sắc để phát huy và nhân rộng. Yêu cầu đặt ra là các hoạt động kỷ niệm được tổ chức trong không khí phấn khởi, trang trọng, thiết thực, an toàn, tiết kiệm, không phô trương hình thức; tạo được những hoạt động quần chúng sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, mang tính xã hội hóa cao; tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương và của Nhân dân.

Nhân các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước, các cấp, ngành, đoàn thể xã hội cần đẩy mạnh phối hợp trong việc tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế phát triển. Trong đó tập trung thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm và ý thức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là phát huy vai trò của người đứng đầu đơn vị, địa phương trong thực thi nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, các thủ tục giao đất, giải ngân các nguồn vốn đầu tư… để tổ chức khởi công các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, như công trình đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 1; các dự án Khu Công nghiệp Quảng Trị, Kho xăng dầu Việt - Lào, Bến cảng CFG Nam Cửa Việt… Việc các dự án được triển khai đúng tiến độ, sớm đưa vào hoạt động sẽ tạo dư địa phát triển cho nền kinh tế, tạo đà cho kinh tế của tỉnh phát triển bền vững.

Và một vấn đề quan trọng nữa cần tập trung thực hiện, đó là kiểm soát tốt COVID-19 trong thời gian tới. Cùng với đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin trong chiến dịch tiêm chủng mùa xuân, ngành y tế tăng cường khả năng điều trị, triển khai mô hình tư vấn, thăm khám và điều trị từ xa cho các bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại nhà; các cấp, ngành, đoàn thể cần tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt biện pháp “5K” của Bộ Y tế, nâng cao thể trạng của người dân, để dịch bệnh được khống chế, kiểm soát tốt, toàn tỉnh là “vùng xanh”, góp phần tạo môi trường an toàn cho sự phát triển, thu hút được nhiều du khách đến với Quảng Trị trong dịp diễn ra các lễ hội; thích ứng an toàn, linh hoạt trong mọi hoạt động; phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2022, tạo tiền đề vững chắc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Rộng mở cơ hội việc làm trên quê hương

Nguyễn Vinh |

Hình ảnh từng dòng người lao động từ các tỉnh, thành phố phía Nam đổ về quê một cách tự phát để phòng, chống dịch bệnh đến nay vẫn còn ám ảnh với nhiều người.

Họa sĩ Lê Bá ĐảngTrái tim hòa nhịp đập với quê hương

Hoàng Nam Bằng |

Lần đầu tiên tôi gặp họa sĩ Lê Bá Đảng đã gần 20 năm trước. Ông để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó quên về thần thái, phong cách của người trí thức nho nhã. Cái hồn cốt quê nhà vẫn lưu giữ trong ông qua giọng nói mặc dù đã xa quê nhiều năm.

Góp sức trẻ dệt mùa xuân quê hương

Phương Nga |

“Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”, đó là lời Bác Hồ đã viết cho thanh niên vào mùa xuân năm 1946.

Xứng đáng là quê hương của đồng chí Trần Hữu Dực

Nguyễn Vinh |

Đồng chí Trần Hữu Dực sinh ngày 15/1/1910, trong một gia đình nho học, nhưng cũng là nông dân nghèo ở làng Dương Lệ Đông, tổng An Dạ, phủ Triệu Phong, nay thuộc xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong (Quảng Trị).