Xứng đáng là quê hương của đồng chí Trần Hữu Dực

Nguyễn Vinh |

Đồng chí Trần Hữu Dực sinh ngày 15/1/1910, trong một gia đình nho học, nhưng cũng là nông dân nghèo ở làng Dương Lệ Đông, tổng An Dạ, phủ Triệu Phong, nay thuộc xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong (Quảng Trị).

Nhiều người cao niên ở thôn Dương Lệ Đông kể rằng, đồng chí Trần Hữu Dực lớn tuổi mới đi học. Khi đã biết chữ, ông rất siêng năng đọc sách báo, tìm hiểu lịch sử, địa lý Việt Nam và thế giới. Năm 15 tuổi thấy cảnh nước mất nhà tan, cuộc sống của đồng bào bị áp bức bởi chế độ thực dân phong kiến, ông đã quyết định thoát ly để hoạt động cách mạng. Tháng 11/1926, sau quá trình chuẩn bị, tại làng Dương Lệ Đông, đồng chí Trần Hữu Dực chủ trì hội nghị thành lập tổ chức yêu nước “Ái hữu dân đoàn”. Sự ra đời của tổ chức này đã khép lại thời kỳ đấu tranh dò dẫm, mở ra một bước ngoặt mới trên con đường cách mạng của người chiến sĩ cộng sản trẻ.

Nhà lưu niệm Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực - nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho người dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay - Ảnh: N.V
Nhà lưu niệm Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực - nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho người dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay - Ảnh: N.V

Trong suốt cuộc đời của mình, đồng chí Trần Hữu Dực trải qua bao gian khổ tù đày tra tấn của thực dân Pháp và những khó khăn trong chiến tranh nhưng vẫn tỏ rõ khí phách kiên trung để cống hiến nhiều nhất cho Đảng. Trong cuốn hồi ký “Bước qua đầu thù” của mình ông viết, “Từ lúc nghe, đọc và biết hai chữ cộng sản (1927) cho đến khi trở thành người đảng viên và trong suốt cuộc đời, lúc nào tôi cũng suy nghĩ phải sống sao cho xứng đáng là người cộng sản. Từ hai chữ cộng sản, đến Đảng Cộng sản, đảng viên cộng sản, giai cấp vô sản, Chủ nghĩa Mác- Lênin, chế độ xã hội chủ nghĩa, và rất nhiều vấn đề khác của cách mạng, tất cả đều quy vào con người cộng sản.

Giai cấp công nhân, Đảng Cộng sản, người cộng sản có sứ mạng lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Để thực hiện đầy đủ sứ mạng này, đảng viên cộng sản phải là người mẫu của xã hội mới, xây dựng Đảng phải với đầy đủ bản chất giai cấp công nhân, theo đúng nguyên tắc nghiêm ngặt bất di bất dịch là “Bản chất nào tư tưởng ấy, tư tưởng nào hành động ấy, hành động nào kết quả ấy”, nhất thiết không để trong Đảng pha tạp bản chất phi vô sản, mầm móng nảy sinh đủ loại cơ hội, biến chất, phản bội Đảng, phá cách mạng”.

Bí thư Đảng ủy xã Triệu Thuận Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, để ghi nhớ công ơn to lớn của Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực, hằng năm, vào ngày 15/1 - ngày sinh của Phó Thủ tướng xã chọn làm ngày truyền thống của xã, qua đó, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước, cổ vũ cán bộ, đảng viên, Nhân dân tích cực thi đua học tập, lao động sản xuất xây dựng quê hương giàu đẹp.

Ông Trần Hữu Huy, người gọi Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực bằng ông hiện đang quản lý trông coi Nhà lưu niệm Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực tại xã Triệu Thuận cho biết, lúc còn nhỏ hầu như năm nào cũng được gặp ông Trần Hữu Dực mỗi dịp ông về thăm quê. Ông Trần Hữu Dực rất tình cảm, thương yêu mọi người, nhất là đối với trẻ em. Mỗi lần về thăm quê dù thời gian chỉ có một hai hôm, ngoài làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương, ông dành thời gian đi thăm người dân trong thôn. Ông dặn dò bà con phải biết tự lực cánh sinh, vượt qua khó khăn, tổ chức lại sản xuất để thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đối với con em quê hương, cần phải đến trường, có kiến thức mới xây dựng được cuộc sống mới.

Để ghi nhớ công lao của nhà hoạt động cách mạng Trần Hữu Dực, năm 2010, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng công trình Nhà lưu niệm ông. Công trình nằm trên khuôn viên gần 2.000 m2 , với diện tích gần 250 m2 , được xây dựng theo kiểu nhà truyền thống ba gian, hai chái. Tại Nhà lưu niệm trưng bày nhiều tranh ảnh, hiện vật về cuộc đời hoạt động và cống hiến của đồng chí Trần Hữu Dực cho sự nghiệp cách mạng.

Khi nói về Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương Vũ Oanh chia sẻ, suốt cuộc đời mình, cho dù sau này làm đến chức Phó Thủ tướng, đồng chí Trần Hữu Dực vẫn sống theo đúng lời dạy của Bác Hồ “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”. Anh luôn sống trung thực, thẳng thắn, khiêm tốn, giản dị. Anh căm ghét tận xương tủy những kẻ cơ hội, tham nhũng, quan liêu, sa đoạ về phẩm chất. Anh cho rằng những kẻ đó còn tồn tại trong Đảng là nguy cơ đáng lo ngại hơn kẻ thù bên ngoài. Suốt cuộc đời đồng chí Trần Hữu Dực tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản, không ngừng phấn đấu cho lý tưởng cộng sản mà anh đã nguyện theo đuổi từ tuổi mười chín, đôi mươi. Ở tuổi 83 với hơn 60 năm tuổi Đảng, cho đến giây phút cuối cùng anh vẫn một lòng son sắt với lý tưởng đó.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến cho biết thêm, thực hiện lời căn dặn của Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Triệu Thuận luôn đưa ra những cách làm hay, sáng tạo, nỗ lực thực hiện tốt các phong trào thi đua ở địa phương để phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, xã Triệu Thuận luôn là điểm sáng trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của huyện Triệu Phong. Năm 2015, Triệu Thuận là 1 trong 4 xã của huyện Triệu Phong đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2021, tổng giá trị sản xuất của xã đạt 407,555 tỉ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 51,6 triệu đồng/năm. Hộ nghèo hiện chỉ còn 38 hộ, chiếm 3,01%.

Để xã Triệu Thuận tiếp tục phát triển đi lên, đầu năm 2022, HĐND xã Triệu Thuận, khóa XII tổ chức kỳ họp thứ Ba xác định, xã tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng khuyến khích, nhân rộng mô hình canh tác nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, xây dựng mô hình sản xuất an toàn thực phẩm để nhân rộng trên địa bàn.

Triển khai tái đàn, tăng đàn lợn, đảm bảo việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Tích cực thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống COVID-19 bảo vệ tốt sức khỏe Nhân dân để phát triển kinh tế. Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” để xây dựng xã hội phát triển lành mạnh, bền vững. Đổi mới nội dung và phương thức dạy và học thích ứng trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, xuất khẩu lao động cũng như tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tài nguyên môi trường để phát triển kinh tếxã hội. Phấn đấu xây dựng xã Triệu Thuận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2023.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Hồi ký "Bước qua đầu thù” của đồng chí Trần Hữu Dực

Phạm Xuân Dũng |

Đây là cuốn hồi ký của ông Trần Hữu Dực, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị.

Tặng sách “Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên” cho nhà lưu niệm Chế Lan Viên

P.V |

Ngày 16/10/2021, tại Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên (thôn An Thạch, xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) đã diễn ra buổi tặng tập sách Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên của PGS. TS Hồ Thế Hà cho Ban quản lý Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên.

Trồng gần 300 cây xanh tại Nhà lưu niệm Nhà thơ Chế Lan Viên nhân Ngày thơ Việt Nam

Anh Vũ |

Nhân Ngày thơ Việt Nam (Rằm tháng Giêng), vừa qua, huyện Cam Lộ phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Quảng Trị tổ chức trồng cây tại Nhà lưu niệm Nhà thơ Chế Lan Viên, ở thôn An Thạch, xã Thanh An.

Hiện thực hóa lời căn dặn của Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực

Xuân Vinh |

Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực sinh ngày 15/1/1910 tại thôn Dương Lệ Đông, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1925, khi vừa tròn 15 tuổi, là một trong 7 đảng viên Cộng sản đầu tiên tại Quảng Trị. Tháng 11/1926, sau một quá trình chuẩn bị tại làng Dương Lệ Đông, đồng chí chủ trì hội nghị thành lập tổ chức yêu nước “Ái hữu dân đoàn”.