Đây là cuốn hồi ký của ông Trần Hữu Dực, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị.
Nhà cách mạng Trần Hữu Dực (1/10/1910- 21/8/1993) sinh tại làng Dương Lệ Đông, tổng Gia An, nay là xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi. Trước Cách mạng Tháng Tám, ông nhiều lần bị giặc Pháp bắt giam, kết án và đưa đi tù. Ông từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đầu tiên vào giai đoạn 1930-1931.
Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được phân công làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Trung Bộ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông được Đảng, Nhà nước giao giữ các trọng trách: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Trưởng Ban Công tác nông thôn trung ương, Bộ trưởng Bộ Nông trường, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Trưởng Ban Công tác đặc biệt của Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ...
Cuốn hồi ký “Bước qua đầu thù” do NXB Chính trị quốc gia ấn hành năm 1996, tái bản năm 2020. Cuốn sách dày 17 chương, gần 400 trang kể về một chặng đường hoạt động của nhà cách mạng Trần Hữu Dực. Khi nhớ lại những ngày tháng hoạt động yêu nước trước khi Đảng ra đời, đồng chí Trần Hữu Dực đã nhớ về lớp đàn anh đi trước, hoạt động không biết mệt mỏi để tuyên truyền lý tưởng cách mạng đến với Nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ, bất chấp sự tù đày, bắn giết của quân thù. Đó là hình ảnh những người Quảng Trị ái quốc, xả thân vì nước như chiến sĩ cộng sản Nguyễn Đình Cương. Tác giả hồi ký kể lại:
“Khoảng từ thượng tuần tháng 5/1929 trở đi, Nguyễn Đình Cương nói nhiều về cộng sản hơn trước. Anh ta nói đến cả duy vật sử quan, thặng dư giá trị, giai cấp tranh đấu, vô sản chuyên chính... Một hôm vào khoảng trung tuần tháng 6/1929, Nguyễn Đình Cương nói với tôi: “Chuyến này thì chắc anh mãn nguyện, ta đã có Đông Dương cộng sản Đảng...”. Tôi ngồi nghe mà như bị nhấc bổng lên... Nhưng tôi trấn tĩnh để nghe Nguyễn Đình Cương nói tiếp: Tên Đảng là Đông Dương cộng sản Đảng vì Việt Nam với Lào và Cao Miên nằm chung trong năm xứ Đông Dương thuộc Pháp, nên Đảng phải thống nhất lãnh đạo cả năm xứ Đông Dương... Đảng theo Chủ nghĩa Mác - Lênin, lấy công nông liên minh làm nền tảng... Đánh đổ đế quốc, phong kiến. Lập chính phủ Xô Viết công nông binh. Nhà máy giao thợ thuyền, ruộng đất giao dân cày...”.
Vừa mới tham gia cách mạng, nguy hiểm đã bao trùm. Đây là thử thách chông gai với những ai muốn cứu nước, cứu dân khỏi đêm trường nô lệ. Nhóm cộng sản đầu tiên ở Quảng Trị vừa bí mật rải truyền đơn chống đế quốc xâm lược và cai trị thì lập tức giặc Pháp và tay sai đắc lực đã thẳng tay khủng bố. Một không khí theo dõi, đe dọa bao trùm ngột ngạt vào những ngày tháng 7/1929. Tác giả kể tiếp:
“ ...Chờ mãi, chẳng thấy gì. Chúng tôi nói: “Cụ Tuần muốn gặp thì gặp đi, để chúng tôi về, khuya rồi”. Một tên lính chạy đi tìm, tên chánh quản đến và nói: “Mấy thầy chịu khó một tí. Cụ Tuần đang bận”. Mờ sáng hôm sau, người chị Trần Ngung lên báo cho biết: Khi đêm chúng về xét nhà, chỗ tôi dạy học, không có gì, còn nhà Trần Ngung thì chúng bắt Hồ Chơn Nhơn... Thế là rõ. Độ hơn bảy giờ sáng, tên chánh quản khố xanh trở lại và nói: “Cụ Tuần bận quá. Cụ mời mấy thầy vào nhà lao để chờ Cụ gặp”.
Cuộc đời đồng chí Trần Hữu Dực trong mọi hoàn cảnh luôn giữ vững khí tiết cách mạng, học tập và rèn luyện không ngừng để trau dồi tri thức và đúc rút kinh nghiệm, phục vụ Đảng, phụng sự hết mình vì Tổ quốc và Nhân dân.
Trong cuộc đời hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí luôn tiên phong trong công việc, hết mình trong mọi công tác được giao, tận tụy cống hiến và sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Không chỉ chú trọng lý luận, đồng chí còn là người giàu kinh nghiệm thực tiễn, hiểu biết sâu sắc những khó khăn, phức tạp và tế nhị trong thực tế hoạt động cách mạng, thấu tỏ thế thái nhân tình.
Chính vì vậy đã có những thu hoạch rất có ý nghĩa như chính một ý kiến hết sức xác đáng và thấm thía vẫn thời sự cho đến hôm nay trong cuốn hồi ký này: “Nhiều người thường nói: “đối ngoại khó” nhưng theo tôi đối ngoại đã khó nhưng đối nội càng khó hơn, nhất là đối với bản thân mình. Sở dĩ khẳng định như vậy là vì suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng, tôi nghiệm ra những trở ngại, thiệt hại do địch gây ra rất nhiều nhưng không nhiều bằng từ nội bộ gây ra. Việc giải quyết đối với địch thì dễ dứt điểm còn nội bộ thì vất vả, rắc rối...”.
Nhà thơ Việt Phương, thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có một nhận xét sâu sắc: “Tôi được biết ông Trần Hữu Dực từ trên rừng Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp năm 1949. Lúc ấy, ông Trần Hữu Dực là một Ủy viên Trung ương Đảng, Đoàn Chính phủ. Con người ấy mắt nhìn, chân đi, miệng nói, óc nghĩ, tâm ghi và tay làm. Tức là một con người toàn thân hoạt động và suốt đời từng giây từng phút một, rất hiếm tìm được một con người như thế. Con người ấy là con người sống với cuộc đời, thấm đẫm chất của con người trên cuộc đời này nhưng dám bay bổng trên bầu trời lý tưởng của mình vì dân, vì nước, vì các dân tộc khác. Đồng chí ấy được đồng chí Phạm Văn Đồng rất kính trọng”.
Còn sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng trân trọng ghi nhận: “Đồng chí Trần Hữu Dực là một đảng viên cộng sản hết lòng phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc, nêu tấm gương “Kiên cường, bất khuất, cần, kiệm, liêm, chính”.
Những tấm gương như cuộc đời và hoạt động của đồng chí Trần Hữu Dực luôn xứng đáng tiếp tục được tìm hiểu, tôn vinh và học hỏi.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)