Kỷ niệm 111 năm Ngày sinh Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực 15/1 (1910 - 2021):

Hiện thực hóa lời căn dặn của Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực

Xuân Vinh |

Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực sinh ngày 15/1/1910 tại thôn Dương Lệ Đông, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1925, khi vừa tròn 15 tuổi, là một trong 7 đảng viên Cộng sản đầu tiên tại Quảng Trị. Tháng 11/1926, sau một quá trình chuẩn bị tại làng Dương Lệ Đông, đồng chí chủ trì hội nghị thành lập tổ chức yêu nước “Ái hữu dân đoàn”.

Tuy mới thành lập nhưng đã nhanh chóng tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân trong tỉnh tham gia. Đầu năm 1929, đồng chí chuyển lên thôn An Tiêm, xã Triệu Thành để dạy học nhưng thực chất là để móc nối với các tổ chức yêu nước khác hoạt động cách mạng. Chính thời gian này, đồng chí có thêm điều kiện tìm hiểu về các cuộc cách mạng trên thế giới, trong đó có cuộc Cách mạng Tháng 10 Nga vĩ đại. Tháng 11/1930, đồng chí được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Quảng Trị, đồng thời tham gia xây dựng củng cố cơ sở đảng ở Quảng Bình và nước bạn Lào.

Nhà lưu niệm Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân - Ảnh: X.V​
Nhà lưu niệm Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân - Ảnh: X.V​

Trải qua những chặng đường đấu tranh cách mạng đầy gian khổ hy sinh, đồng chí luôn nêu cao khí phách kiên trung của người cộng sản. Từ năm 1929 đến năm 1945, đồng chí bị thực dân Pháp bắt 3 lần, kết án với tổng cộng 29 năm tù giam và 22 năm quản thúc, từng trải qua các nhà tù khét tiếng tàn độc như nhà tù Quảng Trị, nhà đày Lao Bảo, Buôn Ma Thuột…

Vừa thoát ra khỏi nhà tù thực dân, đồng chí trở về Quảng Trị để gấp rút tổ chức lực lượng chuẩn bị nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 23/8/1945, cuộc khởi nghĩa ở Quảng Trị thắng lợi, chính quyền về tay Nhân dân.

Suốt đời phấn đấu cho lý tưởng Cộng sản, đồng chí được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước như Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III, IV); đại biểu Quốc hội (Khoá I đến khoá IV); Phó Thủ tướng Chính phủ; Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Quảng Trị; Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ phụ trách các tỉnh miền Nam Trung Bộ; Chủ tịch UBND lâm thời tỉnh Quảng Trị; Chủ tịch Ủy ban Hành chính Trung Bộ; Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ; Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Ủy viên Quân ủy Trung ương; Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương; Bộ trưởng Bộ Nông trường; Bộ trưởng Phủ Thủ tướng; Bí thư Khu ủy Trị Thiên - Huế; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Để ghi nhớ công lao người con ưu tú của quê hương, xã Triệu Thuận chọn ngày 15/1, ngày sinh của Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực làm ngày truyền thống của xã. Hằng năm, vào dịp này, mỗi thôn, xóm, trường học, cơ quan, đoàn thể đều có cách làm riêng, ý nghĩa để bày tỏ lòng biết ơn đối với Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực, người cộng sản mẫu mực, suốt đời tận tụy với nước, tận hiếu với dân, một nhà lãnh đạo kiên định, bản lĩnh và sáng tạo, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2010, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí, Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng công trình Nhà lưu niệm Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực tại xã Triệu Thuận. Công trình có khuôn viên gần 2.000 m2 , nhà lưu niệm rộng gần 250 m2 được xây dựng theo kiểu nhà truyền thống của địa phương, trưng bày nhiều hiện vật và tranh ảnh về cuộc đời hoạt động và cống hiến của Phó Thủ tướng cho sự nghiệp cách mạng.

Ông Trần Khôn, một người thân trong dòng tộc của Phó Thủ tướng ở thôn Dương Lệ Đông chia sẻ: “Năm 1935, khi tôi sinh ra thì Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực đã đi làm cách mạng rồi nên chỉ nghe những người lớn tuổi kể lại. Sau này, khi đất nước thống nhất tôi thường xuyên được gặp Phó Thủ tướng. Phó Thủ tướng rất giản dị, tình cảm, gần gũi với mọi người. Mỗi lần về thăm quê, Phó Thủ tướng thường dặn dò cán bộ, đảng viên và người dân phải biết nỗ lực khai hoang phục hóa đất đai để sản xuất, khắc phục khó khăn để ai cũng được học tập. Có học tập mới có tri thức để xây dựng cuộc sống mới sau này…”.

Bí thư Đảng ủy xã Triệu Thuận Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Triệu Thuận luôn đoàn kết, nỗ lực thực hiện những lời căn dặn của Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Năm 2015, xã Triệu Thuận là một trong những xã đầu tiên của huyện Triệu Phong, của tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, xã Triệu Thuận có 4 thôn với 1.269 hộ, trong đó hộ nghèo chiếm 3,39%, hộ cận nghèo chiếm 5,28%.

Đạt được kết quả này, Đảng ủy xã Triệu Thuận luôn bám sát tình hình thực tế của địa phương, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy Triệu Phong để tập trung lãnh đạo hệ thống chính trị địa phương thực hiện tốt mọi nhiệm vụ. Nổi bật là chủ động, tích cực chuyển đổi, đưa giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao canh tác trên 80% diện tích, sản lượng lúa bình quân đạt 116,1 tạ/ha/ năm; phát triển mạnh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ với 248 hộ tham gia. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa chuyển biến tích cực trên nhiều mặt. Riêng đối với Trường Tiểu học Trần Hữu Dực (nay là Trường TH&THCS Trần Hữu Dực) ngôi trường mang tên Phó Thủ tướng được cấp ủy, chính quyền địa phương và phụ huynh đánh giá cao vì năm nào cũng có học sinh đoạt giải cao trong các cuộc thi do ngành giáo dục - đào tạo tổ chức cũng như thành tích xuất sắc trong học tập của học sinh. Các trường trên địa bàn duy trì trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó bậc THCS và mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, bậc tiểu học duy trì đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 nhiều năm liền. Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, phòng chống dịch bệnh, dân số kế hoạch hóa gia đình được xã quan tâm triển khai thực hiện. Do vậy, thời gian qua trên địa bàn xã không xảy ra dịch bệnh và các vụ ngộ độc thực phẩm. Tỉ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vacxin. Qua kiểm tra thực hiện Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn quốc gia về y tế từ năm 2013 đến 2020, xã Triệu Thuận được xếp loại xuất sắc…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Khánh thành bia lưu niệm đoạn đường hữu nghị Việt Nam - Cu Ba

Trần Tuyền |

Ngày 11/12/2020, tại thôn Xa Lăng, xã Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị), Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam tổ chức lễ khánh thành bia lưu niệm đoạn đường hữu nghị Việt Nam - Cu Ba. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Quang Chiến dự lễ khánh thành.

Không gian lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên

Thanh Hải |

Công trình Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên được khởi công xây dựng vào đầu tháng 3/2019 do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư. Công trình có thiết kế mô phỏng theo lối kiến trúc nhà rường truyền thống, mái lợp ngói ba gian, gồm: gian thờ và nghi thức; gian trưng bày tác phẩm, hiện vật của nhà thơ Chế Lan Viên và gian trưng bày các tác phẩm nghiên cứu, phê bình viết về nhà thơ. Phía trước nhà lưu niệm có tiền đình và các hạng mục phụ trợ khác như sân vườn, cây xanh… Tổng mức đầu tư công trình 3,6 tỉ đồng, trong đó 30% ngân sách tỉnh, 20% ngân sách huyện Cam Lộ, còn lại 50% từ nguồn vận động xã hội hóa.

Hoàn thành xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên

Lê Trường |

Sau một thời gian tích cực triển khai thi công, đến nay công trình Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên đã hoàn thành giao đoạn 1 và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý.

Cơ bản hoàn thành xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên

Anh Vũ |

Sau một thời gian tích cực triển khai thi công, đến nay công trình Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính, những hạng mục còn lại như tường rào, sân vườn đang được khẩn trương hoàn thiện đảm bảo khánh thành và đưa vào sử dụng đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Chế Lan Viên 20/10 (1920-2020).